Đảm bảo chính xác số liệu điều tra dân số, nhà ở

Cập nhật, 05:20, Thứ Bảy, 16/03/2019 (GMT+7)

Ngày 1/4/2019, cuộc Tổng điều tra (TĐT) về dân số và nhà ở sẽ được thực hiện trên phạm vi cả nước và kéo dài trong 25 ngày. Tại hội nghị trực tuyến BCĐ TĐT dân số và nhà ở trung ương vào chiều 13/3/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ- Trưởng BCĐ TĐT dân số và nhà ở- yêu cầu các số liệu phải đảm bảo chính xác, trung thực do 10 năm mới có một lần TĐT về dân số, nhà ở.

Tổng điều tra dân số, nhà ở sẽ được thực hiện vào ngày 1/4/2019 và kéo dài trong 25 ngày.
Tổng điều tra dân số, nhà ở sẽ được thực hiện vào ngày 1/4/2019 và kéo dài trong 25 ngày.

Sẵn sàng thu thập thông tin

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đây sẽ là lần thứ 5 Việt Nam tiến hành TĐT dân số và nhà ở; là hoạt động rất quan trọng, nhằm thu thập thông tin, đánh giá tình hình dân số và nhà ở, và sẽ là thông tin đầu vào cho các cấp điều hành trong công tác tổng hợp, hoạch định chính sách vĩ mô, đặc biệt là hướng tới phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2030 và năm 2045- kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, người tham gia TĐT khoảng 9.300 giám sát viên các cấp, khoảng 110.000 điều tra viên thống kê và tổ trưởng điều tra (không bao gồm người tham gia lập bảng kê hộ).

Theo thống kê, toàn quốc có 217.586 địa bàn điều tra với 26,2 triệu hộ dân cư và trên 94 triệu người được lập bảng kê.

Đợt này, có nhiều hộ tại các thành phố lớn đã đăng ký tự cung cấp thông tin trên Internet. Tổng cục thống kê đã nâng cấp máy chủ phục vụ TĐT nhằm đảm bảo việc sao lưu và xử lý số liệu điều tra trực tuyến và phiếu điện tử.

Đối với tỉnh Vĩnh Long, công tác chuẩn bị cho TĐT dân số và nhà ở năm 2019 được triển khai theo đúng kế hoạch đề ra.

Toàn tỉnh phân chia thành 2.161 địa bàn điều tra. Ước dân số trung bình của tỉnh đến ngày 20/1/2019 1.005.793 người; số hộ trên 293.730 hộ. Kết quả trên, so với thời điểm 1/4/2009 số hộ năm 2019 tăng thêm trên 21.500 hộ (tăng 7,92%) và tăng ở tất cả 8 huyện- thị- thành.

Công tác tuyển chọn điều tra viên, tổ trưởng điều tra và giám sát viên được chú trọng, đáp ứng đủ yêu cầu của phương án điều tra. Đồng thời, quan tâm tới công tác tập huấn nghiệp vụ và công nghệ thông tin, chú trọng hình thức thu thập thông tin bằng thiết bị di động.

Công tác tuyên truyền được thực hiện sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang và cả hệ thống chính trị để cuộc TĐT đảm bảo đúng tiến độ, chính xác, hiệu quả.

TĐT phải đánh giá chính xác chất lượng dân số, nhà ở

Tổng điều tra dân số và nhà là cơ sở đánh giá kết quả thực hiện chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011-2020 và xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2030.
Tổng điều tra dân số và nhà là cơ sở đánh giá kết quả thực hiện chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011-2020 và xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2030.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cuộc TĐT lần này khác với 10 năm trước, bởi trình độ phát triển kinh tế- xã hội và công nghệ thông tin đã được nâng cao.

Theo đó, lần này sẽ gia tăng quy mô sử dụng công nghệ thông tin, từ khâu thu thập phiếu điều tra, sử dụng các thiết bị đến quá trình tổng hợp dữ liệu, phân tích, đánh giá, lưu trữ báo cáo sơ bộ và báo cáo tổng thể.

Đây là cuộc TĐT dân số, nhà ở quy mô lớn lần thứ 5 kể từ khi thành lập nước đến nay. Cuộc TĐT sẽ được tiến hành ở 63 tỉnh- thành cùng 3 bộ có tính đặc thù gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, các địa phương, bộ, ngành phải bám sát nội dung, mục tiêu của cuộc tổng điều tra; triển khai đầu việc theo kế hoạch.

Trong đó, cần tập trung thực hiện yêu cầu và chỉ đạo từ các cấp, làm tốt công tác thu thập, phân tích thông tin tổng hợp, nhất là tình hình biến động dân cư, vấn đề di dân, hôn nhân, lao động và thu nhập, việc làm...

Việc TĐT không chỉ đơn thuần là chỉ tiêu về mặt số lượng mà quan trọng là phân tích đánh giá chất lượng cơ cấu, chất lượng dân cư và thực trạng chất lượng nhà ở; con số thống kê phải tin cậy, chính xác, tạo cơ sở cho việc hoạch định chính sách kinh tế- xã hội. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự phân công, phối hợp giữa các ban, ngành khi thu thập thông tin tại địa bàn. 

Quán triệt yêu cầu chính xác, trung thực, khách quan, cung cấp đầy đủ số liệu số lượng, chất lượng dân số và nhà ở, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ: “Chúng ta huy động lực lượng tham gia đông, kinh phí bỏ ra rất lớn với 1.100 tỷ đồng trong điều kiện ngân sách khó khăn, 10 năm mới tiến hành một lần nên phải làm sao để cuộc TĐT dân số chính xác, trung thực, an toàn tuyệt đối và có chất lượng cao”.

TĐT dân số và nhà ở năm 2019 phải đảm bảo yêu cầu nhanh gọn, an toàn tuyệt đối, tiết kiệm, hiệu quả, có chất lượng cao, chậm nhất 26/4, các cơ quan phải có báo cáo tổng thể để báo cáo Thủ tướng, Chính phủ kết quả sơ bộ.

Cuộc TĐT dân số, nhà ở năm 2019 sẽ tập trung đánh giá và điều tra thống kê ở 10 nội dung chính:

- Thông tin chung về dân số

- Tình trạng di cư

- Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật

- Tình trạng khuyết tật

- Tình trạng hôn nhân

- Mức độ sinh chết và phát triển dân số

- Tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em

- Tình hình lao động việc làm

- Thực trạng nhà ở

- Điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN