Sổ tay

Học tập suốt đời, khó hay dễ?

Cập nhật, 08:01, Thứ Năm, 04/10/2018 (GMT+7)

Tuần lễ học tập suốt đời diễn ra trong cả nước từ 1- 7/10/2018 với nhiều nội dung, hình thức học tập phong phú. Nhân nói về chuyện “học nữa, học mãi”, tôi nhớ đến những bài báo liên quan đến tinh thần tự học của người Nhật.

Nhiều người già Nhật dù đã ở tuổi ngoài 60, 70 mà vẫn chăm chỉ đi học các kỹ năng, kiến thức như ngoại ngữ hay cắm hoa, ẩm thực. Từ năm 2007, nước Nhật đã có gần 13.000 trung tâm cộng đồng và 230.000 lớp học với sự tham gia của hơn 10 triệu người, trong đó chủ yếu người già, số người tham gia tăng đều qua các năm.

Việc học suốt đời không nên hiểu như một cái gì quá xa xôi, như “60 tuổi đi thi ĐH”, học tập suốt đời đơn giản là tham gia những lớp học kỹ năng, học nghề,… Ở ĐBSCL, có học tập suốt đời không? Có! Có những bác ở tuổi “thất thập cổ lai hi” học thêm nghề đan lục bình do trung tâm học tập cộng đồng xã tổ chức; hay đơn giản là những thư viện không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh mà cả người cao tuổi.

Các lớp học yoga, khiêu vũ, dưỡng sinh đang dần nở rộ ở nông thôn với lịch sinh hoạt đều đặn vì khi tham gia không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn là cơ hội để những người cao tuổi được thoải mái tinh thần.

Với trẻ con, tôi rèn ý thức học suốt đời cho các em bằng chính bản thân mình. Đơn giản là rèn cho trẻ thói quen đọc sách, bằng việc thấy người lớn đọc sách, với những quyển sách gối đầu giường. Từ truyện tranh, truyện cổ tích đến những tác phẩm văn chương, khoa học đời sống,… Mỗi quyển sách đều có một giá trị riêng của nó.

Học tập suốt đời không phải là việc gì cao xa, to tát. Chúng ta học theo nhu cầu độ tuổi, công việc, sở thích. Học tập suốt đời sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nếu việc học bắt nguồn từ đam mê, sở thích của cá nhân. Thật không gì thích thú cho bằng, được học những cái mình muốn làm. Việc học như thế sẽ vừa nhẹ nhàng mà hiệu quả.

CHI LINH