Không để học sinh không có thầy giáo giảng dạy

Cập nhật, 18:55, Thứ Tư, 31/10/2018 (GMT+7)

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn (ngày 30- 31/10/2018) về việc thực hiện 6 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, có nhiều vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm. Trong đó có việc phòng, chống tham nhũng; cải cách hành chính và sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biển chế. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn

Tăng cường giám sát để phòng, chống tham nhũng 

Đại biểu Trần Văn Mão (tỉnh Nghệ An) chất vấn, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, hiện vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ủy ban Phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và các giải pháp căn cơ để đẩy lùi tình trạng trên?

Trả lời vấn đề này, ông Lê Minh Khái- Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng như toàn dân rất quan tâm. Thời gian qua, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, với sự quyết liệt tình hình tham nhũng được ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, với tình trạng hiện nay, tham nhũng vẫn phức tạp nên vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới. Nguyên nhân có rất nhiều, trong đó có công tác tuyên truyền, hệ thống pháp luật, công tác phòng ngừa tham nhũng, phát hiện và xử lý. Thời gian tới ngành có đưa ra nhiều giải pháp, trong đó nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để kỳ họp lần này Quốc hội thông qua vì trong đó có nhiều giải pháp, khắc phục hạn chế, từ những giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý, đặc biệt kê khai tài sản và xử lý những tài sản chúng ta không giải trình được một cách hợp lý. Ngoài ra, tăng cường cả hệ thống chính trị tham gia vào việc kiểm tra, giám sát, phát hiện, kể cả nhân dân và báo chí để làm sao hạn chế thấp nhất tình hình tham nhũng, để góp phần làm trong sạch bộ máy và phát triển kinh tế- xã hội nói chung.

Không để học sinh không có thầy giáo giảng dạy

Đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) chất vấn, thủ tục hành chính của chúng ta đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn rườm rà, vẫn còn là rào cản cho doanh nghiệp và khó khăn cho người dân. Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào, trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc tham mưu cho Chính phủ giải quyết?

Trả lời vấn đề này, ông Lê Vĩnh Tân- Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, cải cách thủ tục hành chính là một trong những vấn đề rất quan trọng. Trong nhiều giải pháp, thì Bộ Nội vụ đã tham mưu tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị. Song song đó, khẩn trương củng cố, kiện toàn mô hình một cửa của các bộ, ngành và địa phương theo đúng tinh thần Nghị định 61 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nội vụ đã đề nghị đẩy nhanh thực hiện Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử để tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Tiếp tục chất vấn Bộ Nội vụ, đại biểu Lê Thị Nguyệt (tỉnh Vĩnh Phúc) nêu vấn đề, việc tinh gọn bộ máy hiện nay mới theo cơ học, chưa có sự thống nhất giữa các địa phương, ngành. Số lượng tinh giản biên chế hiện nay chủ yếu vẫn là nghỉ hưu, nghỉ chế độ viên chức hợp đồng theo Nghị định 68. Bộ chưa có quy định hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ đối với cơ quan mới sau khi sáp nhập nên việc thực hiện nhiệm vụ vẫn theo quy định cũ, đầu mối giảm nhưng thực chất chưa giảm. Đề nghị bộ làm rõ những nội dung nêu trên?

Ông Lê Vĩnh Tân giải trình, thời gian qua, việc sắp xếp này có chậm là do một số văn bản về thể chế của chúng ta chậm. Theo Nghị quyết 56 của Quốc hội, Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 giao cho Bộ Nội vụ điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung 4 bộ luật, đó là Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức. Ngoài ra, Bộ còn sửa đổi 12 Nghị định, kèm theo khoảng trên 30 Thông tư để thực hiện trước mắt cũng như lâu dài trong việc tổ chức lại bộ máy hệ thống và tất cả văn bản này đều phải phù hợp với nghị quyết của Đảng.

Lý do chậm là do chờ các nghị quyết, chờ Hướng dẫn của Bộ Chính trị về vấn đề thí điểm hợp nhất và tổ chức lại đối với một số cơ quan của nhà nước và cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng có chức năng tương đồng. Hiện nay, các Nghị định này đã trình Chính phủ và thông qua Bộ Tư pháp thẩm định.  

Đại biểu Trần Thị Hằng (tỉnh Bắc Ninh) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, vấn đề thiếu giáo viên ở ngành giáo dục đào tạo và giải pháp như thế nào để giải quyết bài toán thiếu biên chế giáo viên của các địa phương?

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, riêng ngành giáo dục, có thể nói đây là ngành có tỷ lệ người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động nhiều nhất, gần 1 triệu giáo viên. Đặc điểm của ngành này là thừa thiếu cục bộ ở từng địa phương trong từng cấp học, bậc học. Theo số liệu báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay trong toàn ngành giáo dục từ phổ thông đến mầm non thiếu 107.996 giáo viên, trong đó số thừa là 8.997 giáo viên so với định mức. Riêng mầm non thiếu 65.065 giáo viên, số tiểu học chỉ thiếu hơn 20.000 giáo viên, trong đó tiểu học có thiếu nhưng cũng có thừa.

Để giải quyết tình hình này, Bộ Nội vụ có Công văn số 5068 báo cáo Chính phủ xin đề nghị là bổ sung biên chế cho ngành giáo dục, trong đó trước mắt là tập trung giải quyết về giáo viên của mầm non trong năm học 2018 - 2019 cho 17 địa phương đã có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên, tổng số hơn 20.000 người. Như vậy, vấn đề thực hiện tinh giản biên chế thì chúng ta vẫn tiếp tục làm theo Nghị quyết 39 và Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6.

Trước mắt, tôi đề nghị ngành giáo dục và địa phương nghiên cứu và không để học sinh không có thầy giáo giảng dạy. Tiếp tục rà soát lại những người có hợp đồng trước năm 2015 ở các cấp học để chúng ta có hướng xử lý phù hợp.  

Bài, ảnh: TÂM THI