Long Hồ chủ động đối phó triều cường

Cập nhật, 13:59, Thứ Tư, 31/10/2018 (GMT+7)

Những đợt triều cường tháng 9 âl đã ảnh hưởng trên nhiều địa bàn huyện Long Hồ; đặc biệt, những sự cố sạt lở trước đó ở 4 xã cù lao cặp tuyến sông Tiền và sông Cổ Chiên, đã ảnh hưởng vườn cây ăn trái và các lồng bè nuôi thủy sản của người dân. 

Tuy nhiên, nhờ công tác dự báo, dự phòng sẵn sàng các phương án ứng phó và công tác phối hợp tốt nên Long Hồ đã giảm thấp nhất thiệt hại đến sản xuất cũng như sinh hoạt đời sống người dân.

Sạt lở tại ấp An Long (xã An Bình- Long Hồ).
Sạt lở tại ấp An Long (xã An Bình- Long Hồ).

Liên tiếp những vụ sạt lở ở cù lao

Liên tiếp trong những ngày cuối tháng 8, một số địa bàn xung yếu trên 4 xã cù lao huyện Long Hồ diễn ra hiện tượng sạt lở đã gây ảnh hưởng trực tiếp một số vườn cây ăn trái và các ao nuôi cá thương phẩm của bà con.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Long Hồ, vụ sạt lở ngày 26/8 tại ấp An Long (xã An Bình) trên tuyến sông Tiền là khá nghiêm trọng, có chiều dài lên đến 200m, rộng 15m, sâu 10m đã làm ngập 2ha vườn cây nhãn Ido (Edor) đang mang trái của 3 hộ dân: Tô Văn Sành, Nguyễn Văn Huy và Lê Văn Hiệp.

Đồng thời, sạt lở đã đe dọa đến 2 ao nuôi cá tra thương phẩm (cá nuôi 3 tháng, trọng lượng 30 con/kg) của ông Trần Văn Khanh và ao cá có diện tích 2ha của ông Trần Văn Hoàng (1ha cá tra, 1ha cá điêu hồng).

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền huyện Long Hồ, xã An Bình tiến hành khảo sát vị trí sạt lở xác định mức thiệt hại.

Chính quyền địa phương đã vận động người dân thuê xe cuốc gia cố lại đoạn bờ bao bị sạt lở, phạm vi đoạn gia cố cách mép sông khoảng 10m, nhằm ngăn chặn nước ngập gây thiệt hại vườn cây ăn trái và ao cá của người dân.

Bơm nước vườn cam bị ngập do nước tràn bờ bao.
Bơm nước vườn cam bị ngập do nước tràn bờ bao.

Cũng trên tuyến sông Tiền, thuộc địa bàn ấp An Long đã tiếp tục xảy ra vụ sạt lở vào ngày 30/8. Vị trí sạt lở trên đất nhà ông Nguyễn Văn Bé, dài 70m, rộng 15m và sâu 10m. Dù không ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái và lồng bè nuôi cá, nhưng chính quyền địa phương cũng đã thông báo cho người dân về hiện tượng nứt đất để ứng phó kịp thời.

Về phía bờ sông Cổ Chiên, liên tiếp trong 2 ngày 12/9 và 14/9 xảy ra 2 sự cố sạt lở nghiêm trọng.

Cụ thể, vụ sạt lở ngày 12/9 tại các hộ: Trần Anh Tuấn, Nguyễn Phú Tài, Thái Châu thuộc ấp An Thuận (xã An Bình); phạm vi sạt lở có chiều dài đến 120m, rộng 15m và sâu 10m đã làm ngập 2ha vườn cây ăn trái và khoảng 2.000m2 ao nuôi cá trê, cá tra. Tuy không gây thiệt hại về kinh tế nhưng mất khoảng 2.000m2 đất.

Tiếp đó, vụ sạt lở ngày 14/9 tại khu vực nhà ông Trần Văn Nhớ (ấp An Thành) dài 30m, trên tổng chiều dài 50m ao nuôi cá điêu hồng giống chuẩn bị thu hoạch, có diện tích 1.000m2 với khoảng 400.000 con (khoảng 2 tấn) làm thiệt hại 100%, ước khoảng 110 triệu đồng.

UBND xã An Bình đã huy động xe cuốc hỗ trợ các hộ dân gia cố các đoạn bờ bao sạt lở tại đoạn thứ nhất và làm thủ tục đề nghị hỗ trợ cho hộ dân thiệt hại về thủy sản tại đoạn thứ hai theo quy định.

Sẵn sàng ứng phó, nhanh chóng khắc phục

Những tháng đầu năm 2018, trên địa bàn huyện đã xảy ra 9 điểm sạt lở tập trung tại các xã: An Bình, Hòa Ninh, Tân Hạnh, Phước Hậu và Phú Đức. Nhanh chóng khắc phục, 9 điểm sạt lở đã được gia cố xong.

Công tác dự phòng tránh sạt lở đợt triều cường đầu tháng 9 âl đã được dự báo, huyện đã khảo sát các tuyến đê bao cặp sông Tiền thuộc 2 xã Hòa Ninh và An Bình, cho thấy còn 3 điểm có nguy cơ sạt lở và 3 điểm có nguy cơ tràn.

Về phía huyện, ông Lê Văn Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ- cho biết: “4 xã cù lao khẩn trương gia cố đê bao bị xuống cấp có nguy cơ sạt lở khi triều cường, mưa to để bảo vệ vườn cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản của người dân”.

Ngoài ra, từ đầu tháng 9 âl, huyện Long Hồ đã hỗ trợ dân chằng chống lại 100 căn nhà và xuất quỹ phòng chống thiên tai để cất 4 căn nhà phòng chống thiên tai, mỗi căn trị giá
40 triệu đồng.

Do có công tác dự báo, dự phòng chuẩn bị ứng phó tốt, nên dù con nước đầu tháng 9 đạt mức đỉnh lũ trong năm 2018 vượt mức đỉnh lũ lịch sử năm 2011, những động thái của chính quyền huyện, xã cũng với sự chủ động của người dân đã giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra.

 Gia cố đê bao bảo vệ sản xuất.
Gia cố đê bao bảo vệ sản xuất.

Trong đợt triều cường đầu tháng 9 âl vừa qua, huyện Long Hồ có 43 bờ bao, bờ vùng bị tràn; 24 đê bao, bờ vùng bị lở; 1 đập bị tràn và 2 đập bị bể.

Đến nay những đoạn bờ bao, bờ vùng bị tràn bị bể đã được cơ bản khắc phục, chính quyền và nhân dân đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để ứng phó không chủ quan nên đã chủ động với con nước rằm tháng 9 vừa rồi.

Trong đó, xã An Bình là địa phương bị thiệt hại nặng nhất huyện, đã có 2 đoạn bờ bao bị bể tại ấp Bình Lương và An Thuận, làm ngập 20ha vườn, ao nuôi cá. Sau khi đê bao bị bể, chính quyền và nhân dân đã nhanh chóng khắc phục.

Ông Nguyễn Hữu Phước- Chủ tịch UBND xã An Bình- nói: “Phân công, tập trung tất cả lực lượng trực sẵn sàng ứng phó và xuống địa bàn kiểm tra lại những điểm đã gia cố tu bổ, điểm có nguy cơ vỡ, để luôn chủ động chứ không bất ngờ như trước đây".

Đợt triều cường đầu tháng 9 âl, huyện Long Hồ có 390 căn nhà bị ngập. Triều cường còn làm ngập 836ha lúa Thu Đông đang trong giai đoạn chín xanh đến chín, 885ha vườn. Ngập 4,2ha mặt nước nuôi cá làm thất thoát 44 tấn cá các loại. 

Về công trình giao thông thủy lợi: ngập 0,5km QL, 6,7km đường nội ô huyện; ngập 10km đường đan nông thôn; ngập 6,8km đường nhựa; 43 bờ bao, bờ vùng bị tràn; bờ bao bị lở, bể 24 bờ; 1 đập bị tràn và 2 đập bị bể.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN