Người dân vật vã chống đỡ nắng nóng thiêu đốt miền Trung

Cập nhật, 13:26, Thứ Tư, 04/07/2018 (GMT+7)

Đợt nắng nóng gay gắt như thiêu đốt các tỉnh miền Trung những ngày qua khiến người dân mệt mỏi, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt và đời sống.

Tranh thủ dừng nghỉ dưới bóng râm tránh nắng trong lúc chờ đèn đỏ - Ảnh: TẤN LỰC
Tranh thủ dừng nghỉ dưới bóng râm tránh nắng trong lúc chờ đèn đỏ - Ảnh: TẤN LỰC

Ông Nguyễn Văn Hùng - giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên-Huế - cho biết đợt nắng nóng kéo dài do ảnh hưởng vùng áp thấp nóng phía tây phát triển về phía đông nam kết hợp đới gió tây nam gây hiệu ứng phơn mạnh.

Các ngày tới dự báo miền Trung sẽ tiếp tục xảy ra nắng nóng, ngưỡng nhiệt phổ biến 38 - 39 độ C, có nơi lên đến 40 độ C, độ ẩm thấp nhất 39 - 51%.

Đà Nẵng: Đi đường mệt mỏi, dân đổ ra công viên

Đà Nẵng đang bước vào đợt nắng nóng gay gắt nhất từ đầu 2018. Những ngày qua, nhiệt độ ngoài trời nhiều thời điểm trên 37 độ C. Cái nắng gay gắt bắt đầu từ 9h sáng, kéo dài đến hơn 15h chiều.

Trên những con đường, hình ảnh phổ biến là dòng người trang bị quần áo chống nắng kín mít từ đầu tới chân, bịt khẩu trang, mang kính râm.

Những lúc phải dừng chờ đèn đỏ, nhiều người phải tấp vào dưới tán cây, bóng râm né cái nắng thiêu đốt. Không ít người vượt đèn đỏ, leo vỉa hè để không phải đứng chịu trận giữa trời.

Trải bạt ngồi trên thảm cỏ dưới bóng cây, chị Phạm Thị Thúy Ngân (26 tuổi, giáo viên Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đang ăn uống cùng hai em nhỏ cho biết do ở nhà quá nóng nên ba chị em đưa nhau ra công viên... nghỉ mát.

Nhiều gia đình mang bạt ra công viên 29/3 ngồi tránh... nóng - Ảnh: TẤN LỰC
Nhiều gia đình mang bạt ra công viên 29/3 ngồi tránh... nóng - Ảnh: TẤN LỰC

Huế: Nhiệt độ cao điểm tới 40 độ C

Tại Huế, nắng nóng kéo dài xảy ra trên diện rộng suốt gần 1 tuần qua. Nhiệt độ trung bình ngoài trời thường xuyên ở mức 35 - 38 độ C, có thời điểm đo được 40 độ C.

Nhiều người lao động nghèo phải tìm bóng râm dọc sông Hương để nghỉ trưa tránh nắng.

Anh Thanh, một công nhân thi công đường dây cáp viễn thông trên đường Trần Hưng Đạo (TP Huế), cho biết do tính chất công việc nên anh và các đồng nghiệp thường xuyên phải chui xuống cống.

"Nóng và ngộp, cái nóng cứ vậy hắt hết vào mặt mũi. Mỗi đoạn cống như vậy tụi tui phải cố gắng làm cho nhanh để lên chứ ở dưới lâu không chịu nổi" - anh Thanh nói.

Nhiều người ra đường phải bịt kín từ đầu đến chân để chống nắng - Ảnh: NHẬT LINH
Nhiều người ra đường phải bịt kín từ đầu đến chân để chống nắng - Ảnh: NHẬT LINH

Quảng Nam: Nắng nóng kéo dài gây xâm nhập mặn

Tại Quảng Nam, cái nắng nóng như thiêu đốt cũng khiến đời sống, sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn.

Ngày 2/7, dù chỉ mới 10h sáng nhưng trên nhiều cánh đồng, nông dân phải vào lều hoặc tìm bóng cây trú ẩn vì không chịu nổi cái nắng như đổ lửa.

Ông Nguyễn Thanh Tự (42 tuổi, thôn Phước An 2, xã Bình Hải, huyện Thăng Bình) cho biết những ngày này nắng nóng như thiêu, có khi nhiệt độ 38 - 40 độ C khiến nông dân sản xuất trên đồng mệt mỏi.

Nắng nóng quá khiến cánh đồng dưa hấu của ông bị héo, xoăn hết ngọn, lá, phải lặt bỏ.

Nắng nóng kéo dài những ngày qua cũng gây ra tình trạng nhiễm mặn. Mặn xâm nhập ở sông Thu Bồn khiến nhiều diện tích lúa ở Duy Xuyên, Hội An, Điện Bàn… thiếu nước.

Tại xã Cẩm Kim (TP Hội An) và huyện Duy Xuyên, do tình hình nhiễm mặn kéo dài từ tháng 5-2018, nên nhiều diện tích lúa vụ hè thu không thể sản xuất được vì thiếu nước.

Ông Lê Duy Vinh, phó chủ tịch UBND xã Cẩm Kim - cho biết toàn xã có 50 ha đất lúa nhưng do nhiễm mặn kéo dài, hồ chứa nước ở xã lấy từ sông Thu Bồn không đủ nước tưới nên chỉ sản xuất được hơn 10 ha. Còn khoảng 40 ha đất lúa bỏ hoang do không có nước.

Theo Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam, do nắng nóng kéo dài gây khô hạn và nhiễm mặn phức tạp ở vùng hạ lưu các sông nên vụ lúa hè thu năm nay chắc chắn bị ảnh hưởng.

Ngành đã triển khai cho các địa phương đắp đập tạm ngăn mặn trên các sông Thu Bồn, Vĩnh Điện để phục vụ nước tưới nông nghiệp.

Nông dân Quảng Nam phơi mình trong nắng nóng để sản xuất - Ảnh: LÊ TRUNG
Nông dân Quảng Nam phơi mình trong nắng nóng để sản xuất - Ảnh: LÊ TRUNG

Theo TTO