Chiến sĩ mới luyện giỏi, rèn nghiêm

Cập nhật, 14:11, Thứ Ba, 03/07/2018 (GMT+7)

 

Huấn luyện chiến sĩ mới tại Trung đoàn Bộ binh 890.
Huấn luyện chiến sĩ mới tại Trung đoàn Bộ binh 890.

Lên đường bảo vệ Tổ quốc với tinh thần tự nguyện, sau hơn 3 tháng làm quen với môi trường quân ngũ, được giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, rèn luyện kỷ luật, chiến sĩ mới nhập ngũ của tỉnh Vĩnh Long được các đơn vị nhận quân đánh giá có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Giỏi chính trị, chấp hành nghiêm huấn luyện quân sự

Năm 2018, Chính phủ giao tỉnh Vĩnh Long tuyển 1.150 tân binh (1.000 chỉ tiêu quân đội và 150 chỉ tiêu công an). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh tiếp tục giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương thực hiện việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, kết hợp việc xây dựng các đơn vị dự bị động viên của quân khu và tỉnh, nhằm từng bước xây dựng các đơn vị dự bị động viên đủ số lượng và đảm bảo chất lượng.

Các đơn vị nhận quân gồm: Quân đoàn 4 (Bộ Quốc phòng), Quân khu 9, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh Vĩnh Long.

Đánh giá kết quả sau hơn 3 tháng tiếp nhận và huấn luyện chiến sĩ mới, Thượng tá Trần Hoàng Quân- Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh- cho biết công tác giáo dục chính trị tư tưởng, huấn luyện quân sự và rèn luyện kỷ luật đã được các đơn vị nhận quân tổ chức bài bản, đạt kết quả tốt.

Theo đó, về mặt giáo dục chính trị- tư tưởng, các đơn vị đã tổ chức giảng dạy đúng, đủ nội dung, chương trình huấn luyện, kết hợp giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên, thông qua các thiết chế văn hóa và các hoạt động của đơn vị, gắn với giáo dục truyền thống của đất nước, quân đội. Các chế độ đọc báo, xem đài, thông tin thời sự,... được duy trì thường xuyên.

Qua đó, giúp chiến sĩ mới nhận thức đúng đắn, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, có động cơ phấn đấu và ý chí quyết tâm cao. Đến nay, 100% chiến sĩ mới luôn an tâm tư tưởng, xác định rõ tinh thần, thái độ trách nhiệm, không ngại khó khăn, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Về công tác huấn luyện quân sự, theo Thượng tá Trần Hoàng Quân, các đơn vị đã kết hợp tốt giữa huấn luyện với rèn luyện chiến sĩ mới, trên cơ sở bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, huấn luyện từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, chú trọng rèn luyện động tác thực hành, bước đầu hình thành kỹ năng hoạt động quân sự cho từng chiến sĩ.

100% chiến sĩ mới đạt yêu cầu ở các nội dung huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu bộ binh, điều lệnh, thể lực, hậu cần, kỹ thuật.

Đối với 150 chiến sĩ mới thực hiện nghĩa vụ công an, các đơn vị đã tổ chức huấn luyện theo chương trình khung bao gồm: giáo dục nhận thức chính trị- tư tưởng, huấn luyện cơ bản về nghiệp vụ, điều lệnh, võ thuật,...

Kết quả, 100% chiến sĩ mới nêu cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, sức khỏe tốt, có chuyên môn nghiệp vụ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn

Theo Đại tá Nguyễn Trọng Hường- Phó Chính ủy Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4), trung bình mỗi năm đơn vị tiếp nhận huấn luyện khoảng 200 chiến sĩ mới của tỉnh Vĩnh Long. Đây là những thanh niên tiêu biểu, có phẩm chất, trình độ, năng lực, sức khỏe tốt để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Sau khi tiếp nhận chiến sĩ mới, đơn vị đã bắt tay ngay vào việc quản lý, tổ chức huấn luyện quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật.

“Chiến sĩ mới Vĩnh Long đã mang theo hành trang là truyền thống của quê hương anh hùng, gia đình vào quân ngũ để phấn đấu, xây dựng đơn vị và bảo vệ Tổ quốc.

Từ những thanh niên vô tư, chưa quen với nề nếp quân đội, giờ đây các em đã trưởng thành về mọi mặt: trách nhiệm hơn trong công việc, tự tập trong cuộc sống, mạnh dạn trong giao tiếp, có ý thức tổ chức kỷ luật.

Các em đã vượt qua biết bao bỡ ngỡ ban đầu, vượt qua chính mình để học tập, rèn luyện nghiêm trong môi trường quân ngũ”- đại tá Nguyễn Trọng Hường thông tin tại họp mặt gia đình chiến sĩ mới tiêu biểu, do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Long tổ chức vừa qua.

Các gia đình tiêu biểu trong việc phối hợp giáo dục, rèn luyện chiến sĩ mới được nhận bằng khen của UBND tỉnh.
Các gia đình tiêu biểu trong việc phối hợp giáo dục, rèn luyện chiến sĩ mới được nhận bằng khen của UBND tỉnh.

Nhận thức việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là vinh dự, trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam, Nguyễn Hoàng Kha- chiến sĩ mới nhập ngũ tại Trung đoàn Bộ binh 890 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh)- chia sẻ: Lần đầu bước vào môi trường quân ngũ thật sự quá mới mẻ, bỡ ngỡ nên rất khó khăn để hòa nhập.

Đã có những băn khoăn, lo lắng khi làm quen với nề nếp, chế độ, công việc được giao, rồi nỗi nhớ gia đình, bạn bè, đã khiến không ít đồng đội nản chí.

Nhưng nhờ có sự chỉ bảo, giúp đỡ tận tình, kịp thời của chỉ huy, sự thăm hỏi, động viên của chính quyền địa phương, sự ủng hộ của gia đình, người thân và tinh thần đoàn kết đồng đội, chúng tôi đã từng bước trưởng thành.

Hoàng Kha tự tin cho biết, “thời gian rèn luyện trong môi trường quân ngũ, chúng tôi nhận thấy mình sống có trách nhiệm, nhận thức và hành động chuẩn mực hơn, nhưng sẽ phấn đấu thật nhiều để xứng đáng với niềm tin, sự mong đợi của chỉ huy, gia đình trao cho mình”.

Tại buổi họp mặt gia đình chiến sĩ mới tiêu biểu, được nghe báo cáo của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự tỉnh và các đơn vị nhận quân về tình hình học tập, huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, gia đình các chiến sĩ mới đều tỏ ra vui mừng và yên tâm vì đã ủng hộ con em mình bước vào môi trường quân ngũ.

Chị Võ Ngọc Ánh- mẹ của chiến sĩ Nguyễn Đăng Khoa- nói: Gia đình tôi xác định phương châm giáo dục là phải khơi dậy truyền thống để con cháu noi theo. Do đó, khi hay tin con trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, tôi luôn gần gũi, động viên, hỗ trợ về tinh thần, vật chất để cháu có cơ hội trở thành người quân nhân cách mạng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ.

Chị Ánh cũng đề nghị các đơn vị nhận quân kịp thời thông báo tình hình tư tưởng, thái độ học tập, ý thức chấp hành kỷ luật của chiến sĩ mới để gia đình có sự phối hợp giáo dục hiệu quả. Bên cạnh, quan tâm đến việc đào tạo nghề và việc làm của chiến sĩ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

 Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH