Kết quả xây dựng gia đình văn hóa tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015- 2018

Cập nhật, 11:17, Thứ Năm, 28/06/2018 (GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, việc quan tâm đến gia đình là đúng vì: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Công tác xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nội dung trọng tâm trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Tiếp tục nhận thức tầm quan trọng của công tác xây dựng gia đình văn hóa, từ tháng 8/2015, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thực hiện theo Quyết định số 14/2015/QĐ-UBND ngày 4/8/2015 của UBND tỉnh Vĩnh Long.

Đây là bước chuyển nâng chất cụ thể hóa các thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời kế thừa việc thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 10/9/1996 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về việc tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Trong giai đoạn từ tháng 8/2015 đến nay, BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp trong tỉnh đã tích cực triển khai vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện xây dựng gia đình văn hóa theo 3 tiêu chuẩn, 13 nội dung của Quyết định số 14/2015/QĐ-UBND, gồm:

Tiêu chuẩn 1: Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương.

Tiêu chuẩn 2: Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng.

Tiêu chuẩn 3: Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Các nội dung trọng tâm trong công tác xây dựng gia đình văn hóa luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành và các tổ chức đoàn thể các cấp trong tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh- chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng loạt, rộng khắp trên địa bàn tỉnh và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.

Phong trào đã khai thác và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, đạo lý dân tộc, tạo thành động lực thu hút các gia đình thuộc nhiều thành phần đăng ký tham gia.

Thông qua việc thực hiện các nội dung, tiêu chuẩn xây dựng hộ gia đình văn hóa đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu trong xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, chung thủy, bình đẳng, tiến bộ; có nếp sống lành mạnh; nuôi dạy con trưởng thành và thành đạt; đoàn kết, giúp đỡ xóm giềng; gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương.

Nhiều gia đình được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đoàn thể và cộng đồng dân cư đã vươn lên vượt khó thoát nghèo, từng bước ổn định đời sống, tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội ở địa phương, tham gia công tác từ thiện nhân đạo; gia đình cán bộ công chức, viên chức gương mẫu, tích cực hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và không ngừng nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững ổn định, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, hệ thống chính trị ngày càng được củng cố vững chắc.

Vài số liệu so sánh kết quả thực hiện các nội dung xây dựng gia đình văn hóa trong giai đoạn 2015- 2018 như sau:

Năm 2015, toàn tỉnh có 253.862/260.117 hộ đăng ký (đạt 97,96%). Cuối năm có 243.915/260.117 hộ được công nhận đạt chuẩn “Gia đình văn hóa” (chiếm 93,77%). Số lượng hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu” là 19.492 hộ (chiếm 7,49%).

Năm 2016, toàn tỉnh có 254.697/261.845 hộ đăng ký thực hiện (đạt 98,36%). Cuối năm có 246.193/261.845 hộ được công nhận đạt chuẩn “Gia đình văn hóa” (chiếm 97,27%). Số lượng hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu” là 24.142 hộ (chiếm 8,67%).

Năm 2017, toàn tỉnh đã có 257.374/263.993 hộ đăng ký thực hiện (đạt 97,49%). Qua kết quả chấm điểm, có 249.820/263.993 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa (đạt 94,63%). Số lượng hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu” là 26.127 hộ (chiếm 9,9%).

Các địa phương có tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa cao lần lượt là: TX Bình Minh (97,47%), Long Hồ (96,87%), TP Vĩnh Long (95,93%), Mang Thít (95,14%).

Công tác xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần xây dựng con người Việt Nam có tinh thần yêu nước nồng nàn; hăng say học tập, lao động sáng tạo; sống có đạo đức, trọng nghĩa tình, thương yêu, tôn trọng, dám hy sinh vì mọi người và cho xã hội; có lối sống lành mạnh trong sáng, có nhân cách tốt, có sức khỏe, có tinh thần đoàn kết và ý thức với cộng đồng.

Chất lượng xây dựng hộ gia đình văn hóa đã góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng các ấp (khóm, khu) đạt chuẩn văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường- thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Thực tế cho thấy xây dựng gia đình văn hóa đã tạo nên sự gắn kết tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình với cộng đồng dân cư và toàn xã hội. Đến cuối tháng 5/2018, toàn tỉnh có 805/847 ấp (khóm, khu phố) đạt chuẩn văn hóa (đạt 95%).

Trong đó, có 668/847 ấp (khóm, khu phố) đạt chuẩn văn hóa 5 năm liên tục; 49/94 xã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” (đạt 52,12%); 2/15 phường- thị trấn đạt danh hiệu “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” (chiếm 13,33%).

Cùng với việc tích cực xây dựng gia đình văn hóa, các phong trào “giúp nhau phát triển kinh tế”, “xóa đói giảm nghèo”, “đền ơn đáp nghĩa”, hoạt động từ thiện,... của các ngành, các cấp đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo và hạn chế tình trạng tái nghèo trong tỉnh.

Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc: tiếp tục được duy trì và phát triển ngày càng đi vào chiều sâu chất lượng hơn, công tác phối hợp trong thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/NQLT được cụ thể hóa trong thực hiện luôn gắn các nội dung phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Công tác hòa giải được quan tâm kiện toàn. Tính đến nay, 847/847 khu dân cư đã có tổ hòa giải (đạt 100%)...

Công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng được quan tâm hơn, cơ sở vật chất trường, lớp được đầu tư xây cất khang trang. Đặc biệt là công tác vận động nhân dân hiến đất để xây dựng trường lớp đạt kết quả.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh được quan tâm đúng mức, 100% trạm y tế cơ sở được xây mới và sửa chữa nâng cấp. Tính đến nay, đã có 847 khu dân cư có tổ y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân. 100% trạm y tế đều có bác sĩ phục vụ.

Chương trình bảo vệ môi trường luôn được thực hiện tốt trong các tầng lớp nhân dân. Toàn tỉnh hiện nay có 799 khu dân cư văn hóa, cơ bản đã hạn chế được ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt và trong sản xuất.

Từ thực tế phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã giúp cho đội ngũ cán bộ đảng viên, các tổ chức đoàn thể và nhân dân không ngừng nâng cao nhận thức về chính trị, từng bước đổi mới công tác vận động quần chúng và có nhiều gương tốt xuất hiện từ phong trào “Dân vận khéo”.

Thiết chế văn hóa, thể thao và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng được quan tâm đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 1 trung tâm văn hóa cấp tỉnh, 6 trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện;

57 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã; 48 nhà văn hóa- khu thể thao ấp; 1 sân vận động tỉnh; 6 sân vận động huyện; 23 sân bóng đá xã; 1.470 sân bãi, CLB thể thao (Cụ thể: 274 sân bóng đá mini;

56 sân cỏ nhân tạo; 22 hồ bơi; 1.195 CLB thể thao: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, dưỡng sinh, võ thuật và nhiều điểm tập, sân bãi thể thao khác trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học…); 400 CLB đờn ca tài tử, cờ tướng,… với số lượng 6.000 thành viên.

Phong trào thể dục, thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì, phát triển; thu hút được đông đảo số người tham gia luyện tập thường xuyên với nhiều thành phần từ thành thị đến nông thôn. Riêng trong khối trường học có: 362 trường đảm bảo thể dục, thể thao nội khóa; 267 trường đảm bảo thể dục, thể thao ngoại khóa.

Năm 2017, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 31%; số gia đình thể thao đạt 23,5%; có thêm 15 CLB được thành lập mới góp phần tăng số lượng CLB toàn tỉnh hiện có 1.195 CLB và điểm tập thể thao cơ sở hoạt động

Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

  • XUÂN GIAN