Xã Trung An

Nông nghiệp vẫn là thế mạnh

Cập nhật, 05:29, Thứ Tư, 07/03/2018 (GMT+7)

Xác định nông nghiệp là thế mạnh cần phải tập trung phát triển để nâng cao giá trị, những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh và huyện, xã Trung An (Vũng Liêm) đã khuyến khích người dân đẩy mạnh trồng trọt, chăn nuôi và bước đầu đã hình thành nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần đưa xã về đích nông thôn mới (NTM).

Các công trình trường học trong xã được đầu tư khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học.
Các công trình trường học trong xã được đầu tư khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học.

Giúp dân nâng cao thu nhập

Triển khai xây dựng NTM với điều kiện tự nhiên của xã Trung An không được nhiều ưu thế, do là xã thuần nông, thu nhập của người dân còn thấp so các xã khác, hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi không thuận lợi.

Năm 2011, khi mới bắt tay xây dựng NTM, xã chỉ đạt 7/19 tiêu chí. Tuy nhiên, qua hơn 6 năm thực hiện với cách làm từng bước, chọn tiêu chí dễ thực hiện trước, tiêu chí khó làm sau, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đến cuối năm 2017, Trung An là xã thứ 7 của huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.

Ông Nguyễn Văn Truyền- Chủ tịch UBND xã, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã- cho biết: Với việc xác định nông nghiệp vẫn là thế mạnh, xã đã tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và đã hình thành được một số mô hình sản xuất có hiệu quả khá và tập trung như: nuôi gà chuyên trứng (ấp An Phước), sản xuất lúa chất lượng cao tại 7 ấp, trồng cam sành, nuôi gà thả vườn, trồng nấm rơm, nuôi bò… đều mang lại hiệu quả cao.

Đến ấp An Phước, chúng tôi thấy chuồng trại nuôi bò của ông Nguyễn Văn Tựu được vệ sinh sạch sẽ, con nào cũng béo tròn.

Đường sá tại xã Trung An được đầu tư tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng.
Đường sá tại xã Trung An được đầu tư tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng.

“Nhờ tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi bò do địa phương tổ chức mà tui rành kỹ thuật hơn, nhất là biết cách tiêm ngừa hợp lý, cách xổ lãi, chăm sóc chuồng trại.

Mình biết cách chăm sóc bò cũng khỏe mạnh và bán được giá hơn. Mỗi năm cũng rủng rỉnh vài chục triệu đồng”- ông Tựu khoe.

Tuy công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp không phải là thế mạnh, nhưng BCĐ xã cũng đã vận động phát triển để giải quyết việc làm lúc nông nhàn, tạo thêm nguồn thu, nhất là đối với những hộ thiếu đất sản xuất.

Các ngành nghề gia công hàng may mặc, kết cườm, đan dớn... đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 150 lao động.

Gia đình ông Nguyễn Văn Dũ (ấp An Lạc 1) là một trong các hộ đang “sống khỏe” với nghề đan dớn. “Tuổi đã cao, không làm được nhiều việc nặng nên vợ tui nhận làm gia công cho cơ sở gần nhà cũng bỏ túi được gần 2 triệu đồng/người/tháng)”- ông Dũ cho biết.

Cùng với đó, xã còn thực hiện đồng bộ các biện pháp để giảm nghèo bền vững và chống tái nghèo, khuyến khích tự lực phấn đấu vươn lên, tích cực tăng gia sản xuất để nâng cao thu nhập.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đã được kéo giảm xuống còn 2,45% (quy định 4%). Qua điều tra, thu nhập bình quân đầu người đạt 37,05 triệu đồng/người/năm (theo quy định là 37 triệu đồng/người/năm).

Nâng chất xã NTM trong giai đoạn mới

Tại lễ đón bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM, anh Lê Hoàng Ân (ấp An Phước) bày tỏ niềm vui khi thấy bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Cán bộ xã thường xuyên thăm hỏi, động viên người dân tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập.
Cán bộ xã thường xuyên thăm hỏi, động viên người dân tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập.

Nhiều tuyến đường đạt chuẩn đã mở ra diện mạo mới cho nông thôn và người dân vận chuyển hàng hóa dễ dàng.

Các công trình được xây dựng khang trang, nhiều mô hình kinh tế được thực hiện, hầu hết mọi người đều có việc làm ổn định, hộ nghèo giảm hàng năm, an ninh trật tự được giữ vững đảm bảo cho người dân an tâm lao động sản xuất, đời sống được nâng lên rõ rệt.

Để kinh tế- xã hội phát triển bền vững và đời sống của người dân nâng cao hơn nữa, ông Hồ Công Nguyên- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCĐ xây dựng NTM huyện- lưu ý xã cần có kế hoạch cụ thể trong phát triển kinh tế, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và bền vững, xây dựng nhiều mô hình sản xuất tiên tiến; tăng cường liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân, phát triển ngành nghề nông thôn, thương mại- dịch vụ để nâng cao hơn nữa thu nhập người dân.

Ông Hà Văn Tiến- Bí thư Đảng ủy xã- cho biết, Đảng bộ xã sẽ nhanh chóng củng cố BCĐ xây dựng NTM.

Trong thực hiện, sẽ tập trung có kế hoạch, giải pháp cụ thể để nâng chất các tiêu chí đã đạt như thu nhập, y tế, môi trường, an ninh trật tự... xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân góp phần vào việc giữ vững và nâng chất lượng xã NTM trong giai đoạn mới.

Xã Trung An về đích với 8/19 tiêu chí đạt vượt so quy định. Nổi bật là, giao thông liên ấp vượt 33,57%; tỷ lệ hộ dân có nước sạch sử dụng vượt 25,2%; tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn Bộ Xây dựng vượt 21%; tỷ lệ lao động qua đào tạo vượt 16,78%.

Tổng kinh phí xây dựng NTM của xã Trung An là 103,7 tỷ đồng. Theo đó, bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, xã còn huy động từ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp 5,8 tỷ đồng; huy động từ nhân dân 17,9 tỷ đồng.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI