Sạt lở đe dọa sản xuất, dân sinh

Cập nhật, 07:51, Thứ Ba, 07/11/2017 (GMT+7)

Sạt lở xảy ra phút chốc nhưng để khắc phục sự cố lại mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Những thiệt hại mà sạt lở gây ra cũng khó có thể bù đắp trong một sớm một chiều.

Trong nỗ lực ứng phó với sạt lở thời gian qua của ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) các cấp cùng người dân địa phương, đã phần nào hạn chế thiệt hại nhưng đây vẫn là giải pháp bị động. Việc sống sao để hài hòa với thiên nhiên, phòng, chống sạt lở hiệu quả vẫn là một bài toán khó…

Người dân tự đốn hạ cây cối bàn giao mặt bằng để phương tiện cơ giới gia cố đoạn sạt lở bờ sông Tiền (ấp An Hòa, xã An Bình- Long Hồ).

Người dân tự đốn hạ cây cối bàn giao mặt bằng để phương tiện cơ giới gia cố đoạn sạt lở bờ sông Tiền (ấp An Hòa, xã An Bình- Long Hồ).

Kỳ 1: Triều cường, mưa lớn và sạt lở

Nếu như thời điểm giao mùa giữa mùa khô sang đầu mùa mưa là đỉnh điểm của sạt lở bờ sông thì thời gian gần đây, khi triều cường dâng cao kết hợp với mưa lớn đã có nhiều vụ sạt lở xảy ra liên tiếp. Sạt lở thật sự là nỗi ám ảnh của người dân vào mùa mưa lũ…

Bờ sông Tiền, sông Hậu sạt lở

Có thể nói vụ sạt lở bờ sông Tiền tại ấp An Thuận (xã An Bình- Long Hồ) “mở màn” cho các vụ sạt lở tiếp sau trên địa bàn xã An Bình thời gian qua. Sạt lở xảy ra đúng lúc con nước triều cường đầu tháng 8 âl khiến nhiều vườn cây ăn trái, ao cá của người dân bị triều cường nhấn chìm.

Ông Trần Văn Chờ (ngụ ấp An Thuận, xã An Bình) cho biết: “Nửa đêm, sạt lở dài cả trăm mét. Quá bất ngờ không kịp trở tay, bởi đoạn này trước nay chưa từng xảy ra sạt lở”.

Khác với ấp An Thuận, bờ sông Tiền thuộc ấp An Long (xã An Bình) là khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Vừa qua, triều cường khiến cho bờ sông nơi đây sạt lở hơn 60m, sâu vào đất liền hơn 10m.

Bà Nguyễn Thị Phương- một người dân ở gần khu vực bị sạt lở- cho biết: Do trời mưa lớn và triều cường cộng nước ở đây chảy khá mạnh nên nơi đây thường xảy ra sạt lở. Gần đây nhất, điểm sạt lở tại ấp An Hòa khiến khoảng 50m bờ sông Tiền trôi sông, xâm thực vào bên trong gần 10m và nhiều diện tích đất vườn của người dân bị trôi theo dòng nước.

Các đợt triều cường vừa qua trên địa bàn xã An Bình xảy ra ít nhất 8 điểm sạt lở lớn nhỏ, làm ngập hơn 10ha nhãn, 12.000m2 ao nuôi thủy sản ước tổng thiệt hại khoảng 275 triệu đồng.

Có nhà ven tuyến sông Hậu, cô Nguyễn Thị Kim Xuyến (Khóm 3, phường Thành Phước- TX Bình Minh) cho biết, hơn 30 năm cô luôn sống trong nỗi thấp thỏm lo sạt lở: “Sông này, tàu ghe chạy nhiều. Có lúc tàu lớn chạy ngang, sóng lớn tạt ướt tới bờ, ướt nhà luôn nên nhiều đêm nằm không yên giấc”.

Và, nỗi lo ám ảnh bao năm đã xuất hiện khi một trận sạt lở đất đột ngột vào chiều 22/8/2017 khiến cô Xuyến cùng hàng chục hộ dân Khóm 3 phải khẩn cấp di dời, kéo theo sau đó là các đợt lở liên tiếp ngoạm sâu vào bờ hàng chục mét, dài hàng trăm mét, nuốt chửng 3 căn nhà.

Đang chuẩn bị bữa cơm chiều, sạt lở kéo đến, ba mẹ con chị Trần Thị Kim Chi đều bị sụp theo xuống nước. Bé Phượng- con gái chị Chi bàng hoàng: “Con sợ lắm, nước cuốn con ra ngoài- may nhờ mẹ nắm tay con lại”.

Chú Nguyễn Văn Bé Ba- Tổ trưởng Tổ 6 cho biết: “Ở đây, mùa mưa bão tới là lại lo sạt lở. Đây là trận lở nặng nhất trong vòng mấy chục năm nay”. Cũng chính vì vậy mà sau trận sạt lở này, UBND tỉnh Vĩnh Long đã công bố cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 1 do sạt lở bờ sông Hậu.

Đê bao, cống đập rung rinh

Các đợt triều cường vừa qua, đập Bảy Thước nằm trên tuyến đê bao ở đầu cồn Quới Thiện (Vũng Liêm) bị bể trong đợt triều cường đầu tháng 8 âl với chiều dài hơn 50m, đe dọa 160ha vườn cây ăn trái trong khu vực. Thời gian qua, tại xã Thanh Bình xảy ra ít nhất 6 điểm sạt lở với chiều dài trên 60m.

Còn tại huyện Bình Tân từ đầu năm đến nay, địa phương xuất hiện 8 đoạn sạt lở tại các xã Thành Lợi, Tân Bình, Thành Trung, Tân An Thạnh. Các đoạn này sạt lở sâu vô đất liền từ 0,5- 2m. Qua khảo sát, huyện Bình Tân hiện có 12 điểm cảnh báo có nguy cơ sạt lở cao, trong số này, đến nay huyện đã khắc phục 4 điểm.

Do ảnh hưởng của nhiều cơn mưa lớn nên từ đầu mùa mưa đến nay, TX Bình Minh đã xảy ra sạt lở 4 đoạn đê bao. Theo thống kê, TX Bình Minh có 13 điểm sạt lở, trong đó đã khắc phục 4 điểm.

Hiện điểm sạt lở trên tuyến sông Cái Vồn (phường Đông Thuận) đối diện chợ Cái Vồn, có mức độ nguy hiểm cao và đe dọa trực tiếp đến tính mạng người dân cần được khắc phục kịp thời.

Thời gian qua, Mang Thít đã xảy ra nhiều điểm sạt lở lớn nhỏ với 470 hộ dân bị ảnh hưởng.

Trong đó, điểm sạt lở lớn tại bờ bao sông Hòa Mỹ (ấp Hòa Mỹ 2, xã Mỹ An) dài 120m, chiều rộng sạt lở từ 2,5- 3m, sâu 2,2- 2,5m ảnh hưởng đến 50 hộ dân trong khu vực. Riêng con nước rằm tháng 8 âl, trên địa bàn 9 xã của huyện đã xảy ra tràn 31 tuyến đê trên 18.000m, sạt lở 9 điểm đê bao khoảng 194m.

Điểm sạt lở bờ sông Tiền (ấp An Thuận, xã An Bình- Long Hồ) được gia cố tạm để ứng phó triều cường, bảo vệ sản xuất.
Điểm sạt lở bờ sông Tiền (ấp An Thuận, xã An Bình- Long Hồ) được gia cố tạm để ứng phó triều cường, bảo vệ sản xuất.

Tại TP Vĩnh Long, thời gian qua tuyến đê bao ngăn lũ thuộc ấp Tân Hưng (xã Tân Hòa) đã xảy ra 1 điểm sạt lở bờ sông nghiêm trọng gần đình Tân Hoa cũ, có chiều dài trên 60m. Hiện đoạn sạt lở ở rất gần nhà dân và có nhiều khả năng tiếp tục sạt lở.

Do ảnh hưởng của triều cường, tình trạng sạt lở tại tuyến đê bao khu vực cồn Giông (thuộc ấp Tân Thạnh, xã Tân Hội) diễn ra ngày càng nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Tuyến đê bao cồn Giông này bảo vệ hơn 30ha vườn cây ăn trái và nhiều ao nuôi thủy sản. Hiện khu vực này bị sạt lở trên 30m, gây lún đường đan nghiêm trọng ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống người dân.

Theo Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Vĩnh Long, triều cường làm cho 50 bờ bao bị sạt lở, nứt, bể (trên 2,6km), 16 đập sạt lở hư hỏng, 1 đập bị bể, đồng thời gây tràn 123 bờ bao (trên 162km) và tràn 62 đập. trong đó, huyện Long Hồ bị ảnh hưởng nhiều nhất với 21 điểm sạt lở bờ bao.

Ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, để chủ động ứng phó với lũ, triều cường, sạt lở, địa phương cần tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình khí tượng thủy văn từ hệ thống tin nhắn SMS, từ Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, các phương tiện thông tin đại chúng để thông báo kịp thời các cơ quan, đơn vị, người dân biết để phòng tránh, ứng phó hiệu quả.

Bên cạnh tiếp tục ra soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, tràn, không đảm bảo chống lũ để có biện pháp khắc phục, tổ chức trực ban 24/24 giờ để kịp thời ứng phó, khắc phục khi có thiên tai xảy ra.

>> Kỳ cuối: “4 tại chỗ” ứng phó sạt lở

Bài, ảnh: SƠN HIỀN