Phát triển bền vững ĐBSCL- cần hành động và tư duy đột phá

Kỳ 2:Sống- còn của ĐBSCL là nguồn tài nguyên nước dòng Mekong

Cập nhật, 05:38, Chủ Nhật, 01/10/2017 (GMT+7)

Bộ Tài nguyên- Môi trường và các nhà khoa học cùng nhận định rằng: ĐBSCL được hình thành từ hàng ngàn năm bởi nguồn bùn cát dồi dào từ thượng nguồn với điều kiện mực nước biển khá ổn định.

Sau trận hạn, mặn lịch sử năm 2015- 2016, cùng với nhiều thách thức khác ngày càng gay gắt hơn, rất nhiều nhà khoa học đã chỉ ra một trong những nguyên nhân gốc rễ gây thách thức lớn đối với ĐBSCL chính là nguồn tài nguyên nước trên dòng Mekong!

Tại hội nghị về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL vào tháng 3/2016, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nói đại ý là: “Nếu không có dòng nước sông Cửu Long thì không có ĐBSCL”.
Tại hội nghị về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL vào tháng 3/2016, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nói đại ý là: “Nếu không có dòng nước sông Cửu Long thì không có ĐBSCL”.

Và để phát triển bền vững đồng bằng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế cả nước này, cần thiết phải sử dụng hợp lý và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Trong đó, tài nguyên nước đóng vai trò sống- còn của đồng bằng.

Thiếu nước ngọt, phù sa- ĐBSCL sẽ sụt lún, sẽ chìm?

Những nguyên nhân gây hạn hán, mặn xâm nhập ở ĐBSCL mùa khô năm 2015- 2016 đã được chỉ ra, đó là hàng loạt thủy điện mọc lên ở thượng nguồn sông Mekong, chặn dòng chảy khiến nước về khu vực đồng bằng thiếu hụt, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm...

Tất cả đã cộng hưởng tạo nên một cơn khát nước ngọt nặng nề nhất trong 100 năm qua.

Lần đầu tiên, Bộ Nông nghiệp- PTNT nhìn nhận đó là thiên tai đặc biệt nghiêm trọng. Tổng thiệt hại do hạn mặn ở ĐBSCL khoảng 7.900 tỷ đồng với gần 400.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt.

Ngành sản xuất nông nghiệp- trụ đỡ của kinh tế ĐBSCL, lần đầu tiên tăng trưởng âm.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà, tổng dòng chảy vào ĐBSCL có xu hướng giảm với trung bình mỗi năm khoảng 1,87 tỷ mét khối (tương đương khoảng 120 m3/giây), gây sụt giảm lượng nước trữ trong mùa khô. Ngoài ra, tổng lượng lũ giảm và thời gian lũ có thể kéo dài hơn khiến nhiều nơi sẽ không có lũ.

Còn thực tế, PGS.TS Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ)- lo ngại các đập thủy điện ở thượng nguồn xây xong thì phù sa sẽ tiếp tục giảm hơn một nửa, trước đây từ khoảng 160 triệu tấn/năm, còn chỉ 75 triệu tấn.

Và con số này sẽ tiếp tục giảm thêm nếu các đập trên dòng chính sông Mekong ở Lào và Campuchia đi vào hoạt động.

TS Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ), khẳng định: “Lượng phù sa này sẽ bị các đập thủy điện ngăn lại gần như vĩnh viễn. Không có phù sa, đồng bằng sẽ chìm dần”.

ThS. Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia về sinh thái ĐBSCL- cho rằng quá trình kiến tạo ĐBSCL diễn ra từ 6.000 năm trước, nhưng sự mất cân bằng phù sa hiện nay sẽ làm đảo ngược quá trình kiến tạo đó và dẫn đến nguy cơ tan rã đồng bằng.

GS.TS Trần Thục- Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn quốc gia về biến đổi khí hậu- khẳng định: “Với ĐBSCL, tài nguyên nước có vai trò quyết định cho phát triển bền vững”.

Việc thay đổi chế độ dòng chảy đến đồng bằng, đặc biệt là suy giảm dòng chảy mùa cạn sẽ làm suy giảm lượng phù sa đến đồng bằng và làm gia tăng các điều kiện khí hậu cực đoan và thiên tai, nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

“Đó là vấn đề sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức và do thiếu phù sa bù đắp. Đó là vấn đề gia tăng xâm nhập mặn là những tác động lớn đối với ĐBSCL, trong đó, sụt lún đồng bằng do thiếu phù sa bù đắp là nguy cơ lâu dài và nghiêm trọng nhất đối với khu vực này”- GS.TS Trần Thục phân tích.

Dứt khoát không trồng lúa 3 vụ

ĐBSCL phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
ĐBSCL phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, dưới tác động của các đập thủy điện ở thượng nguồn, dự báo sẽ dẫn đến tài nguyên nước ngọt giảm, nước mặn, lợ tăng.

Đặc biệt, tổng lượng trầm tích về ĐBSCL có thể giảm đến 70-90% khi tất cả các đập thủy điện được xây dựng.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể đưa ra nhiều vấn đề đáng lo của vùng ĐBSCL trong tương lai.

“Các nhà khoa học cảnh báo khoảng 100 năm nữa ĐBSCL có thể biến mất nên cần có các giải pháp hữu hiệu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định

Không chạy theo sản lượng lúa và nhấn mạnh quan điểm “không tiếp tục giữ diện tích trồng lúa nhiều như hiện nay và phải cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng đa canh... Dứt khoát giảm diện tích lúa 3 vụ”. Thủ tướng cho rằng, lương thực không phải là chống đói mà lương thực ngày nay phải dinh dưỡng, phòng bệnh và chữa bệnh với những thương hiệu nổi tiếng...

Chọn đúng giải pháp mới giúp ĐBSCL không bị biển nhấn chìm”- ông nói, đồng bằng đã chịu tác động của biến đổi khí hậu, nên “không thể sản xuất theo mô hình cũ, mà phải thay đổi. 

Bởi nếu 5-10 năm nữa, mặn đi qua khỏi Sóc Trăng, thì khi đó, tỉnh chỉ còn kinh tế nước mặn”.

Phải thay đổi mô hình, tư duy sản xuất cũ thích ứng và phù hợp điều kiện thay đổi là việc phải làm ngay. Nhưng theo ThS.

Nguyễn Hữu Thiện: “Cần tôn trọng quy luật tự nhiên và tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên”. Ông cũng chỉ ra những nguy hại: “Vì canh tác thâm canh 3 vụ lúa liên tục trong đê bao khép kín làm cạn kiệt đất đai.

Đê bao khép kín làm gia tăng ngập lụt nơi khác vào mùa lũ, gia tăng hạn mặn ven biển mùa khô.

3 vụ lúa tính đúng tính đủ không làm cho người dân thoát nghèo. Đồng thời, canh tác sử dụng nhiều phân bón, nông dược gây ô nhiễm nước mặt, tăng sử dụng nước ngầm, gây sụt lún nhanh hơn”.

Từ phân tích đó, ThS. Nguyễn Hữu Thiện kiến nghị: “Phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; chuyển dần sang hướng canh tác bền vững, chú trọng chất lượng hơn số lượng; tạo việc làm và thu nhập cho người dân theo hướng đầu tư vào chuỗi giá trị sản phẩm”.

Là một nhà khoa học nghiên cứu tâm huyết và có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển ĐBSCL, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp, GS. Võ Tòng Xuân đề nghị mạnh mẽ “dứt khoát giảm diện tích lúa vụ 3”.

Vì trong điều kiện biến đổi khí hậu, nguồn nước ngọt và đất đai ngày càng hạn chế, sản xuất lúa rất tốn nước ngọt nhưng giá gạo quá thấp, dân trồng lúa không hưởng lợi bao nhiêu.

Đối với cây lúa, GS Võ Tòng Xuân đề xuất chỉ giữ diện tích lúa tại vùng phù sa có đầy đủ nước ngọt đầu nguồn.

Hạn chế lúa vụ 3 để lấy nước, đồng ruộng được phù sa, phát triển các loài thủy sinh- sen, súng, cá tôm.

Chuyển các diện tích lúa bấp bênh đầu tư cao (vùng phèn, mặn) sang nuôi trồng cây con có giá trị cao, như lên liếp trồng cây ăn trái thích hợp, nuôi cá đồng, nuôi tôm…

TS. Hoàng Ngọc Phong- nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch- Đầu tư)- đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta phải giữ trọng trách nặng nề để đảm bảo an ninh lương thực, trong khi ai cũng biết trồng lúa không thể giúp nông dân làm giàu?”

Ông cho rằng thực tế, vùng ĐBSCL chỉ cần đảm bảo nước ngọt cho khoảng 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao (đủ để người dân sống tốt) và việc đảm bảo nước ngọt cho diện tích này sẽ dễ dàng hơn (nhưng hiện đang quy hoạch đất chuyên trồng lúa ở ĐBSCL đến 1,7 triệu hecta), còn khoảng 500.000ha nhiễm mặn có thể trồng lúa mùa đặc sản và tôm 1 vụ, sẽ có giá trị cao hơn.

(Còn tiếp) 

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên- Môi trường công bố

Kết quả nghiên cứu của Na Uy ở Cà Mau trong 20 năm gần đây cho thấy: bờ biển bị lùi vào sâu trong đất liền 100m đến 1,4km. Nhiều nơi bị sụt lún đến 20- 70cm.

Tại các mốc cao độ khu vực TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh ĐBSCL, lún khoảng 0-5cm/10 năm tại phía Nam Kiên Giang, TP Cần Thơ và các tỉnh phía Đông sông Hậu (Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre và Đồng Tháp). Lúc từ 5- 10cm/10 năm tại Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và Sóc Trăng.

Kết quả nghiên cứu của Hà Lan, khu vực ven biển có tốc độ lún trung bình 2- 4cm/năm và vẫn tiếp tục gia tăng theo thời gian.

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ