Phát triển bền vững ĐBSCL- cần hành động và tư duy đột phá

Cập nhật, 05:12, Thứ Sáu, 29/09/2017 (GMT+7)

ĐBSCL được Chính phủ xác định là vùng kinh tế trọng điểm, vùng sản xuất hàng hóa lớn. Dân số ĐBSCL trên 18 triệu người, đóng góp khoảng 18% GDP với 90% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 70% lượng trái cây của cả nước.

ĐBSCL là một trong những vùng đồng bằng màu mỡ, có sản lượng nông sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam.

Tuy nhiên, những lợi thế tự nhiên sẵn có của ĐBSCL đang phải đối mặt với thách thức bất lợi của biến đổi khí hậu (BĐKH), đe dọa đến đời sống sản xuất, sinh kế của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển ổn định, bền vững về kinh tế- xã hội và môi trường.

Và vấn đề đặt ra trong bối cảnh BĐKH hiện nay: làm gì để ĐBSCL thích ứng với những thay đổi của BĐKH? Làm gì để đưa ĐBSCL trở lại trù phú?

Đã đến lúc cần có quyết sách hành động và tư duy đột phá cho ĐBSCL chủ động sống chung với lũ, chủ động sống chung với hạn mặn, cũng như thích ứng với những điều kiện tự nhiên thay đổi.

Kỳ 1: Hàng loạt vấn đề “chưa từng có” xảy ra

Hạn, mặn năm 2015- 2016 không chỉ đặc biệt nhất trong gần 100 năm; mà còn là biểu hiện rõ ràng nhất của BĐKH khi liên tiếp những thiên tai “chưa từng có” đã, đang và sẽ còn xảy ra ở ĐBSCL.

Hệ thống cống đập trữ ngọt, ngăn mặn bảo vệ sản xuất lúa ở Long Mỹ (Hậu Giang).
Hệ thống cống đập trữ ngọt, ngăn mặn bảo vệ sản xuất lúa ở Long Mỹ (Hậu Giang).

Sạt lở bờ sông đến bờ biển

Cuối tháng 8/2017, UBND tỉnh Vĩnh Long đã công bố thiên tai cấp độ 1 do sạt lở bờ sông Hậu tại Khóm 3 (phường Thành Phước- TX Bình Minh).

Nước biển dâng do BĐKH sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu người dân ĐBSCL.
Nước biển dâng do BĐKH sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu người dân ĐBSCL.

Trước đó, ngày 22/8/2017, một vụ sạt lở cũng đã xảy ra tại Tổ 6 (Khóm 3) khiến 34 hộ bị ảnh hưởng. “Năm nào cũng vậy, hễ tới mùa mưa lũ là lo sạt lở”- nhiều hộ dân sống ven sông ở đây cho biết.

Đầu mùa mưa lũ năm nay, nước từ thượng nguồn đổ về mạnh khiến nhiều địa phương ở ĐBSCL bị sạt lở bờ sông.

Ngày 14/8, tại xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự- Đồng Tháp), đoạn sạt lở gần 100m ăn sâu vào đất liền 15m, ảnh hưởng đến 6 hộ dân. Trước đó, đoạn sạt lở dài 200m cũng đã xảy ra tại xã Hòa An (huyện Chợ Mới- An Giang), ăn sâu vào đất liền từ 90-100m…

Trong khi đó, người dân vùng Đất Mũi (Cà Mau)- nơi được gọi là “đất biết đi” mỗi năm bồi đắp ra biển hàng chục mét thì nay, theo thống kê của Sở Nông nghiệp- PTNT Cà Mau, hiện có khoảng 150km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng. Khoảng 450ha đất, rừng phòng hộ bị cuốn ra biển mỗi năm.

Còn tại Kiên Giang, bờ biển dài khoảng 200km từ TX Hà Tiên đến huyện An Minh cũng đang sạt lở. Tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng... sạt lở mỗi ngày thêm nghiêm trọng.

Ở 2 xã ven biển của TX Duyên Hải (Trà Vinh) là Hiệp Thạnh và Trường Long Hòa, hàng chục hécta rừng dương phòng hộ 20 năm tuổi đã bị sóng biển đánh bật gốc, đe dọa đất sản xuất của người dân.

Con số của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam công bố cho thấy, mỗi năm ĐBSCL đang mất khoảng 500ha rừng phòng hộ. Đáng lo ngại, diện tích rừng mất đi này không thể phục hồi.

Hạn, mặn ngày càng nghiêm trọng

Sản xuất nông nghiệp đang đối mặt rất nhiều thách thức.
Sản xuất nông nghiệp đang đối mặt rất nhiều thách thức.

Trong khi đó, tại nhiều tỉnh ĐBSCL, ứng phó hạn, mặn đang là vấn đề cấp bách để bảo vệ sản xuất và nguồn nước sinh hoạt cho người dân, cả trong ngắn hạn và lâu dài. Hạn, mặn khốc liệt năm 2015- 2016 khiến nhiều tỉnh phải công bố thiên tai.

Thời gian đó, người dân và chính quyền tỉnh Hậu Giang như “ngồi trên đống lửa” vì bị mặn đánh cả 2 hướng: biển Tây và biển Đông, xâm nhập mặn vào tận tới TX Ngã Bảy.

GS.TS Trần Thục- Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn quốc gia về BĐKH- cho rằng, khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn hàng năm với diện tích nhiễm mặn lên tới 1,7 triệu hecta, ĐBSCL còn thường xuyên bị lũ lụt, diện tích bị ngập lũ lên tới một nửa, mức ngập từ 1÷4m và thời gian ngập kéo dài từ 1-6 tháng.

Ông cho rằng, với ĐBSCL hiện nay, tài nguyên nước có vai trò quyết định cho phát triển bền vững, còn thiên tai với ĐBSCL sẽ nguy hiểm hơn là nước biển dâng. Đó là thứ mà chúng ta chưa có chuẩn bị cho đối phó với những cơn bão lớn đổ bộ vào ĐBSCL. Ngoài ra, theo GS.TS Trần Thục, các dự án trên dòng chính ở hạ lưu sông Mekong sẽ gây biến động nhanh và đáng kể mực nước phía hạ lưu, gây ra sự suy giảm rất lớn về bùn cát và gây gián đoạn các mùa sinh thái- thủy văn.

“Tui sống ở đây 60 năm, chưa năm nào thấy hạn, mặn như vậy”- chú Lê Văn Út ở Ấp 7 (xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ- Hậu Giang) nói trong âu lo.

Còn tại Vĩnh Long, “mặn chưa từng có”- là cảm nhận của rất nhiều người dân ở một số xã thuộc huyện Vũng Liêm và vàm Mang Thít, khi bất ngờ “nước mặn không nuốt nổi, tưới cây quéo đọt, lúa bị sựng…”

Bất ngờ vì Vĩnh Long cách biển hàng trăm cây số, quanh năm nước ngọt, nhưng năm 2016 mới đầu mùa khô “nước ngọt đã chuyển mặn”.

Độ mặn cao nhất tại cống Nàng Âm- Vũng Liêm đo được lên đến 9,6‰. Nước mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Nước mặn đến nỗi “không thể nấu ăn, pha trà”- chuyện chưa từng có ở vùng “nước ngọt ngàn năm”.

Dù là tỉnh ven biển, nhưng người dân Bến Tre cũng bất ngờ khi hàng chục ngàn hécta lúa bị mất trắng. 160 xã nước nhiễm mặn từ 1- 2‰, chỉ còn 4 xã của huyện Chợ Lách là chưa bị nước mặn tấn công.

88.000/350.000 hộ dân trong tỉnh thiếu nước ngọt. Mặn xâm nhập năm 2016 không chỉ thiếu nước ngọt sinh hoạt mà ngay cả con bò cũng thiếu nước uống.

Nằm giữa khu vực ĐBSCL, vì thế, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho rằng: “Trong suy nghĩ và hành động cũng như thực tế của người dân TP Cần Thơ hầu như không có khái niệm đối phó với ngập sâu vào mùa mưa và xâm nhập mặn vào mùa khô.

Do đó, khi bị tác động thủy văn bất thường, những hiện tượng thời tiết cực đoan của BĐKH, cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của TP Cần Thơ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các địa phương khác”.

Tại nhiều đô thị ở TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp... thời gian qua cũng ghi nhận được tình trạng phổ biến thường gặp mỗi khi mưa lớn kết hợp với triều cường là đường phố bị ngập sâu.

Rõ ràng là BĐKH và những tác động của thay đổi dòng chảy sông Cửu Long, đã không chỉ là vấn đề của từng địa phương riêng lẻ, là vấn đề môi trường hay sản xuất, mà chính là vấn đề phát triển bền vững của cả khu vực ĐBSCL.

Các thách thức đối với ĐBSCL

Theo Bộ Tài nguyên- Môi trường, ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội ở phía thượng nguồn, phát triển kinh tế- xã hội nội tại của ĐBSCL và do BĐKH, nước biển dâng.

Thay đổi chế độ dòng chảy đến đồng bằng, đặc biệt là suy giảm dòng chảy mùa cạn; suy giảm lượng phù sa đến đồng bằng; gia tăng các điều kiện khí hậu cực đoan và thiên tai; nước biển dâng do BĐKH; sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức và do thiếu phù sa bù đắp; gia tăng xâm nhập mặn là những tác động lớn đối với ĐBSCL.

Trong đó, sụt lún ở ĐBSCL do thiếu phù sa bù đắp là nguy cơ lâu dài và nghiêm trọng nhất đối với ĐBSCL.

Bộ Tài nguyên- Môi trường nhận định: đã có nhiều quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế- xã hội của đồng bằng, quy hoạch phát triển ngành và địa phương.

Đã có nhiều nỗ lực, chương trình, dự án về phát triển và bảo vệ ĐBSCL. Tuy nhiên những nỗ lực này còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, thiếu liên kết và còn mang tính ngắn hạn.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ