Tri ân những người con trung hiếu

Cập nhật, 09:02, Thứ Ba, 18/07/2017 (GMT+7)

Theo TTXVN, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ, ngày 17/7/2017, tại Hà Nội, Báo Quân đội Nhân dân tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tri ân những người con trung hiếu”.

Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, Đại tá Đỗ Phú Thọ- Phó Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân nêu rõ, chính sách đối với người có công với cách mạng là chính sách đặc biệt, mang ý nghĩa chính trị- xã hội, nhân văn sâu sắc và là đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.

Trong suốt 70 năm qua, hệ thống chính sách ưu đãi người có công đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện và luật pháp hóa. Các chính sách ưu đãi được thực hiện thông qua 2 nguồn lực từ ngân sách và nguồn xã hội hóa, trong đó nguồn lực từ Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Về cơ bản, các chính sách ưu đãi người có công đã được thực hiện tốt, bảo đảm kịp thời và đúng đối tượng.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công tương đối đầy đủ, thể chế hóa được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, thể hiện trách nhiệm, tình cảm cũng như tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành chính sách ưu đãi người có công vẫn còn nhiều tồn tại. Một bộ phận người có công (khoảng 1,5%) có mức sống dưới trung bình tại khu dân cư nơi cư trú.

Đặc biệt, công tác xác nhận người có công còn nhiều hạn chế; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ còn nhiều khó khăn. Những sai sót, nhầm lẫn, tiêu cực trong thực hiện chính sách, chế độ xảy ra ở một số nơi.

Để giải quyết cơ bản tồn đọng chính sách đối với người có công và kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, trục lợi chính sách, cần tập trung nhân lực, phát huy cơ chế phối hợp liên ngành, đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương để giải quyết hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng.

Ngoài ra, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản có liên quan; nghiên cứu xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung đầy đủ các vấn đề bất cập, vướng mắc liên quan đến chính sách và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về việc thực hiện chính sách người có công trong giai đoạn mới.

Về đối tượng điều chỉnh cần nghiên cứu, xem xét bổ sung các đối tượng như: thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến bị ốm đau, bệnh tật.

Các đại biểu còn nhấn mạnh, thực hiện tốt công tác này không chỉ phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp, mà hơn thế còn góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

PV