Hát gây tiếng ồn lớn, quá giờ quy định, chính quyền cơ sở có quyền phạt

Cập nhật, 05:56, Thứ Sáu, 16/12/2016 (GMT+7)

Nếu phát hiện có tình trạng hộ gia đình, cá nhân, cơ sở sử dụng âm thanh quá giờ quy định với cường độ lớn thì người dân có thể báo với trưởng công an xã- phường- thị trấn, chủ tịch UBND xã phường thị trấn đến kiểm tra xử lý- đó là trả lời của ông Lê Thanh Tuấn- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL).

* Đại biểu Trần Văn Ý (đơn vị huyện Trà Ôn) chất vấn: Hiện nay nhiều nơi tổ chức mừng tiệc, liên hoan, tụ điểm quán cà phê hát với nhau,... tổ chức ca hát gây tiếng ồn lớn cả khu vực và quá giờ quy định. Việc này ảnh hưởng rất lớn đối với các hộ gia đình xung quanh, cử tri nhiều địa phương rất bức xúc. Thậm chí có nơi đám tang vẫn tổ chức ca hát, điều này rất phản cảm,… Trong thời gian tới, cần có những biện pháp gì để quản lý và chấn chỉnh việc ca hát gây tiếng ồn lớn và quá giờ quy định?”

Ông Lê Thanh Tuấn- Giám đốc Sở VH, TT và DL

Đối với các điểm kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng như nhà hàng, Karaoke, vũ trường,… Thanh tra chuyên ngành văn hóa chỉ kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính về việc phổ biến các bài hát không có trong danh mục được phép lưu hành, hoạt động quá giờ quy định, diện tích phòng không đảm bảo, sử dụng quá số lượng tiếp viên trong một phòng,…

Về độ ồn, không thuộc thẩm quyền xử lý của ngành mà thuộc ngành tài nguyên- môi trường, công an và chính quyền các cấp.

Đối với các tiệc mừng, đám tang, liên hoan, tụ điểm quán cà phê hát với nhau,... tổ chức ca hát gây tiếng ồn lớn cả khu vực và quá giờ quy định: căn cứ Nghị định số 155 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 để xử lý. Nghị định có hiệu lực từ 1/2/2017.

Trong đó, tại Điều 17 quy định xử phạt đối với hành vi gây tiếng ồn vượt chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn sẽ bị xử phạt từ cảnh cáo đến 160 triệu đồng.

Thẩm quyền xử phạt thuộc về chủ tịch UBND các cấp, công an nhân dân các cấp, thanh tra chuyên ngành tài nguyên- môi trường và các lực lượng khác,…

Do đó, nếu có tình trạng phát hiện hộ gia đình, cá nhân, cơ sở sử dụng âm thanh quá giờ quy định với cường độ lớn thì người dân có thể báo với trưởng công an xã- phường- thị trấn, chủ tịch UBND xã- phường- thị trấn đến kiểm tra xử lý.

Thời gian tới, Sở VH, TT và DL sẽ tăng cường phối hợp với ngành tài nguyên- môi trường, công an và chính quyền các cấp trong kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm ở các điểm kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng và nơi tổ chức tiệc mừng, đám tang, liên hoan, tụ điểm quán cà phê hát với nhau.

Trước mắt, Sở VH, TT và DL đề nghị phòng văn hóa và thông tin huyện- thị- thành đưa các nội dung về quản lý tiếng ồn vào các quy ước, hương ước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở khu dân cư, để vận động nhân dân thực hiện, lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Song song đó, sở cũng đã kiến nghị với Bộ VH, TT và DL có văn bản quy định cụ thể về việc quản lý và xử phạt đối với các cá nhân và cơ sở kinh doanh hệ thống âm thanh (như quy định phải có giấy phép hoạt động, thời gian hoạt động,…).

Bổ sung thêm cho giải trình của ngành văn hóa, ông Roãn Ngọc Chiến- Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường cho biết: Quy định về xử lý các hành vi gây tiếng ồn vượt chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn được Bộ Tài nguyên- Môi trường ban hành năm 2010, quy định rất cụ thể phân thành khu vực: khu vực thông thường (nhà ở, chung cư…) có quy định về thời gian từ 6- 21 giờ, nếu quá giờ là vi phạm pháp luật.

Mức độ âm thanh cũng quy định rất rõ, những khu vực đặc biệt như cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình chùa…

Quy định về pháp luật thì có 2 Nghị định 167 và Nghị định 179 đều quy định rõ việc xử lý vi phạm hành chính về gây tiếng ồn và quá giờ.

Còn phạt thì giống như Giám đốc Sở VH, TT và DL là từ cảnh cáo đến 160 triệu đồng và còn mức phạt bổ sung là đình chỉ hẳn hoặc đình chỉ từ 3- 12 tháng để khắc phục và trả hết chi phí đo đạc, giám sát.

Về thẩm quyền xử phạt, chủ tịch UBND xã, trưởng công an xã có quyền phạt từ 2,5- 5 triệu đồng; chủ tịch UBND huyện, trưởng công an huyện, chánh thanh tra Sở Tài nguyên- Môi trường; Chủ tịch UBND tỉnh đều có quyền sinh hoạt và mức phạt cao nhất là 160 triệu đồng.

Đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quá quy định của người dân (hát với nhau) là hành vi văn hóa cộng đồng, ông Roãn Ngọc Chiến kiến nghị tuyên truyền giáo dục trước để tạo thành thói quen, nề nếp chấp hành quy định, không quá giờ trước khi xử phạt.

Và chính quyền cơ sở là quan trọng, bởi chỉ có chính quyền cơ sở mới xử phạt dạng hát tại nhà, karaoke lưu động…

THANH TÂM (ghi)