Giao thông đồng bằng: 18 triệu dân chỉ có... 42km cao tốc

Cập nhật, 05:25, Thứ Tư, 24/08/2016 (GMT+7)

Trước những yếu kém giao thông ĐBSCL cũng như dự báo nếu không tập trung đầu tư sẽ không đáp ứng phát triển kinh tế của vùng, ngày 22/8/2016, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ Giao thông Vận tải, BCĐ Tây Nam Bộ đã diễn ra hội nghị về vấn đề huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng ĐBSCL.

Cầu Cần Thơ đưa vào khai thác “nối mạch” nhiều tỉnh- thành ĐBSCL.
Cầu Cần Thơ đưa vào khai thác “nối mạch” nhiều tỉnh- thành ĐBSCL.

Nhiều địa phương, bộ ngành cùng “bắt mạch” thực trạng giao thông đồng bằng, kiến nghị giải pháp phát triển ngành này phát triển trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Cao tốc thi công quá chậm

Theo Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2010- 2016, vùng ĐBSCL đã được đầu tư hoàn thành 46 dự án giao thông (đường bộ 39 dự án), với tổng vốn đầu tư khoảng 76.462 tỷ đồng.

Ngoài các dự án đã hoàn thành, trong vùng còn hơn 20 dự án đang được tiếp tục triển khai với tổng mức đầu tư khoảng 72.301 tỷ đồng.

Đáng phấn khởi nhất là việc hoàn thành các cầu lớn trong khu vực như: cầu Cần Thơ, Hàm Luông, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Năm Căn, Mỹ Lợi,… đã phá thế ngăn sông cách trở.

Cùng với đó là việc hoàn thành các cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc đã thu hẹp khoảng cách giữa các tỉnh trong vùng, cả nước và thế giới.

Đường bộ với tổng chiều dài các tuyến quốc lộ là 2.030,41km, đường tỉnh dài 4.718,8km, đường huyện và giao thông nông thôn dài 72.851,8km với chất lượng tốt đảm bảo giao thông thông suốt.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí: “Thực tế giao thông vùng ĐBSCL phát triển rất chậm trong khi kinh tế- xã hội phát triển từng ngày”.

Thứ trưởng dẫn chứng đường cao tốc từ Trung Lương về Mỹ Thuận đã triển khai nhiều năm, khởi công lại nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa xong và “không biết khi nào mới hoàn thành”.

“Cả nước có 740km đường cao tốc nhưng vùng ĐBSCL chỉ bằng con số lẻ, chỉ hơn 40km thôi.

Theo tôi cần sớm khắc phục tình trạng này để giúp người dân các tỉnh nghèo giảm được chi phí đi lại”- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí kiến nghị.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thể- Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nêu thực trạng “quá tải” trên các tuyến quốc lộ trọng yếu hiện nay.

“Con đường từ TP Hồ Chí Minh về TP Cần Thơ còn lắm gian nan. Ách tắc lớn là từ cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận và Mỹ Thuận- Cần Thơ chưa được khai thông. Vấn đề này cần nghiên cứu triển khai nhanh, để giải quyết nhu cầu đi lại của 18 triệu dân đồng bằng”.

Cũng theo ông Thể, nhu cầu đi lại trong 5 năm tới của người dân rất cao do vùng đang phát triển nhiều mặt hàng, nhiều khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện đang xây dựng rầm rộ, rất cần giao thông thuận lợi.

Xem xét dự án BOT

Theo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), toàn vùng ĐBSCL hiện có 10 dự án thu phí đầu tư đường bộ theo hình thức BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao), trong đó có 5 trạm đang thu phí.

Trong đó, 5 dự án đang xây dựng chưa thu phí gồm Quốc lộ 1 đoạn tránh TX Cai Lậy (Tiền Giang), Quốc lộ 1 tuyến tránh Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), Quốc lộ 1 mở rộng cửa ngõ Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), Quốc lộ 53 đoạn Long Hồ- Ba Si (Vĩnh Long- Trà Vinh).

Tại hội nghị, nhiều đại biểu còn cho rằng việc thu hút đầu tư theo hình thức BOT thời gian qua đã góp phần đa dạng hóa các hình thức đầu tư phát triển, thúc đẩy quá trình luân chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế- xã hội.

Tuy nhiên, việc hình thành các trạm thu phí của các dự án BOT cần phải xem xét lại vì phần lớn dự án này nằm trên các tỉnh nghèo, kinh tế- xã hội chưa phát triển. Vì vậy, cần được tính toán tổng thể các tác động.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực có hạn nên cần tập trung đầu tư cho những dự án có giá trị lớn trong kết nối vùng.

Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Giao thông Vận tải phải phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra năng lực nhà đầu tư cũng như các vấn đề có liên quan sớm thực hiện xong tuyến đường cao tốc từ Trung Lương về Cần Thơ.

“Nhiều trạm thu phí, nhiều dự án BOT thì cũng khó do cuộc sống người dân còn nghèo. Trong khi đó, các trạm lại tập trung ở các tỉnh dân khó khăn nhất. Vì vậy, tới đây trong khi triển khai các dự án khác, ngành chức năng phải lưu tâm đến vấn đề này và có hướng đề xuất tháo gỡ…”- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics ĐBSCL vẫn còn kém phát triển, các trục giao thông chính chưa được chú trọng đầu tư nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế là nguyên nhân tác động mạnh mẽ đến các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương trong vùng. Đặc biệt là lĩnh vực đường thủy nội địa mặc dù là thế mạnh của vùng nhưng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, dẫn đến tình trạng thị phần đảm nhận của đường thủy có xu hướng giảm.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH