Người sống mãi giữa quê hương

Cập nhật, 12:06, Thứ Bảy, 11/06/2016 (GMT+7)

Theo thời gian, số lượng khách viếng thăm Khu Lưu niệm cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng lại tăng lên khá cao qua từng năm. Không chỉ đơn thuần là những con số, mà ở đây thể hiện rất rõ, rất cảm động là tình cảm, lòng tôn kính của mọi người đối với bác Hai Phạm Hùng; thông qua nhiều hoạt động, hành động vô cùng ý nghĩa.

Đặc biệt, cho đến nay vẫn tiếp tục còn nhiều hình ảnh, tư liệu quý về bác Hai tiếp tục được trao tặng cho khu lưu niệm, giúp cho mọi người hiểu rõ hơn tầm vóc, phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản, nhà lãnh đạo trong những giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước.

Học sinh các trường trên địa bàn huyện Long Hồ viếng Khu Lưu niệm cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng. Ảnh: CAO HUYỀN
Học sinh các trường trên địa bàn huyện Long Hồ viếng Khu Lưu niệm cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng. Ảnh: CAO HUYỀN

Thăm “Khu vườn nhà bác Hai”

Nếu ai đã lâu chưa vào đây viếng bác Hai, sẽ không khỏi ngạc nhiên lẫn thú vị, một khuôn viên rộng mênh mông ngày nào, giờ đây đã phủ màu xanh mướt, xen lẫn sắc màu của rất nhiều loài hoa điểm xuyết cho một không gian vô cùng mát mắt, nhẹ nhõm thư giãn.

Những hàng cây cao tỏa bóng xuống những cụm hoa, kiểng được chăm chút cẩn thận từng góc nhỏ, những dò phong lan, những giỏ hoa tươi nép mình dưới tán lá xanh, tựa như vô tình sinh sôi nảy nở ở đó rất tự nhiên.

Thay vào cảm giác của khu lưu niệm uy nghi, xa cách của những năm trước đây, giờ là tràn ngập cảm giác bình yên, gần gũi của “Khu vườn nhà bác Hai” luôn rộng mở chào đón mọi người.

Vườn nhà bác Hai ấm áp vậy, đẹp vậy chính là nhờ sự chăm chút của rất nhiều người, nhất là từ khi có việc ký kết liên tịch giữa Khu Lưu niệm và các trường học trên địa bàn.

Chị Huỳnh Thị Thùy Trang- Trưởng Ban Quản lý Khu Lưu niệm cho rằng: “Việc ký kết liên tịch này có ý nghĩa lớn hơn sự góp phần chăm sóc hoa kiểng, mà thông qua đó giúp cho các em học sinh tiếp cận tìm hiểu về cuộc đời sự nghiệp của bác Hai Phạm Hùng; từ đó thêm lòng kính yêu và ra sức học tập rèn luyện bản thân thành người có ích cho xã hội, sống có mục đích, lý tưởng phục vụ quê hương đất nước”.

Cũng nhờ vậy, mà vừa qua trong ngày giỗ bác Hai, đã tổ chức được những hoạt động hội trại thu hút hàng ngàn các bạn học sinh, đoàn viên thanh niên, thầy cô giáo với rất nhiều hoạt động vui chơi bổ ích. Trong đó, hội thi gói bánh tét được xem là rất thành công và mang đầy ý nghĩa của một ngày giỗ truyền thống của người dân Nam Bộ.

Thậm chí, có nhiều đoàn khách ở các tỉnh ĐBSCL, bà con đã mang bánh tét cùng nhiều loại bánh trái khác về đây dâng cúng, rồi cùng ăn tại đây, tạo nên cảm giác con cháu quây quần về dự ngày giỗ của ông bà trong gia đình vậy.

Tuy nhiên, những người gắn bó hàng ngày, lặng lẽ bỏ ra công sức chăm chút bằng tất cả tình cảm của mình, để tạo nên “linh hồn” của khu vườn chính là các cán bộ nhân viên ở đây.

Với nguồn kinh phí có hạn, với nhân lực khá ít ỏi, họ đã sáng tạo ra nhiều cách làm hay, tự nhân giống nhiều loại hoa kiểng, để có thể phủ kín khu vườn, mà giờ đây còn chiết cành, nhân giống ra để tặng cho nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn. Việc làm này mang đầy ý nghĩa giáo dục, tạo sự lan tỏa nhẹ nhàng mà thấm sâu vào lòng người.

“Càng tìm hiểu càng thêm kính yêu!”

Trong dịp kỷ niệm 104 năm ngày sinh cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng, chị Thùy Trang vui mừng cho biết, Khu Lưu niệm sẽ tổ chức lễ đón nhận tư liệu mới về bác Hai Phạm Hùng, do Chi cục Văn thư- Lưu trữ tỉnh Vĩnh Long trao tặng.

Được sự cho phép của lãnh đạo chi cục, tôi may mắn “sớm” tiếp cận tư liệu này, với hơn 2 trang giấy đánh máy ghi lại buổi làm việc vào năm 1987, của cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng với GS.TS Trần Văn Khê- khi đó, với tư cách là đại diện của UNESSCO.

Những dòng tư liệu này giúp cho mọi người càng hiểu rõ hơn phẩm chất, đức độ và một tầm nhìn sâu rộng của nhà lãnh đạo
Phạm Hùng.

Các em học sinh cùng nhau chăm sóc “Khu vườn nhà bác Hai”.Ảnh: NGỌC TRẢNG
Các em học sinh cùng nhau chăm sóc “Khu vườn nhà bác Hai”.Ảnh: NGỌC TRẢNG

Đó là thời điểm đất nước ta còn đối mặt với quá nhiều khó khăn, khi mới bước đầu của công cuộc đổi mới. Người dân còn đối mặt với cái ăn, cái mặc trong cảnh “gạo lường, vải tấc”, “gạo mốc, vải thô” trong một cơ chế còn tập trung bao cấp.

Vậy mà khi vừa nhận trọng trách Chủ tịch HĐBT, đồng chí Phạm Hùng đã nghĩ sâu và đặt vấn đề nghiêm túc về văn hóa, âm nhạc dân tộc; về vấn đề tiếp cận, giao lưu, hội nhập với văn hóa, âm nhạc thế giới.

Đây chính là tầm nhìn “vượt trước”, đặc biệt hơn chính thái độ trân trọng, mời gọi “hiền tài” vượt qua những chính kiến còn nặng nề lúc bấy giờ, đã tạo nên sự ngạc nhiên, cảm phục đối với GS.TS Trần Văn Khê- một nhà văn hóa lớn của dân tộc và thế giới.

GS.TS Trần Văn Khê, viết: “Tôi rất vui khi nhận thấy rằng một vị Thủ tướng Chánh phủ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không coi những người “di tản” là thù địch, mà là một bộ phận của dân tộc Việt Nam”.

Trong 2 tiếng rưỡi đồng hồ được tiếp kiến đồng chí Phạm Hùng, mà theo GS.TS Trần Văn Khê, đó là cuộc nói chuyện riêng hoàn toàn, không có báo chí, các cán bộ quan chức của Bộ Nội vụ, ngành văn hóa...

Sau khi hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình, người đứng đầu Chính phủ đã đặt vấn đề sau khi về hưu thì GS.TS Trần Văn Khê có thể tiếp tục cống hiến tài năng của mình cho đất nước Việt Nam không.

Và như chúng ta đã biết, những năm tháng cuối đời, GS.TS Trần Văn Khê đã mang toàn bộ di sản của mình trở về quê hương sinh sống, dành tất cả tâm huyết, tài năng, tri thức, trí tuệ của mình tiếp tục cống hiến cho ngành văn hóa, âm nhạc nước nhà.

Trong công việc, bác Hai là một con người nghiêm khắc, tác phong mẫu mực và cực kỳ tuân thủ nguyên tắc.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu về bác Hai thì điều làm cho mọi người vô cùng ngạc nhiên một cách thú vị, là ẩn sau con người tưởng chừng khô khan với công việc ấy, là một trái tim nhân ái, tinh tế, cảm thông như thấu hiểu mọi điều. Đặc biệt sự quan tâm lớn của người dành cho văn nghệ sĩ, đối với lĩnh vực văn hóa, âm nhạc dân tộc.

Tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của bác Hai Phạm Hùng, chúng ta càng thấy sự mênh mông mà khó lòng có thể cảm nhận được hết tầm vóc, con người của bác Hai.

Chính điều này càng thôi thúc những thế hệ trẻ sau này phải cố gắng tìm hiểu, cố gắng học hỏi nhiều hơn nữa. Và càng học hỏi, chúng ta càng thêm yêu kính một con người lịch sử bình dị- bác Hai Phạm Hùng.

 

Chị Huỳnh Thị Thùy Trang- Trưởng Ban Quản lý Khu Lưu niệm, cho rằng: “Việc ký kết liên tịch này có ý nghĩa lớn hơn sự góp phần chăm sóc hoa kiểng, mà thông qua đó giúp cho các em học sinh tiếp cận tìm hiểu về cuộc đời sự nghiệp của bác Hai Phạm Hùng; từ đó thêm lòng kính yêu và ra sức học tập rèn luyện bản thân thành người có ích cho xã hội, sống có mục đích, lý tưởng phục vụ quê hương đất nước”.

NGỌC TRẢNG