Vĩnh Long- dấu ấn 5 năm xây dựng và phát triển

Cập nhật, 06:02, Chủ Nhật, 18/10/2015 (GMT+7)

Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa IX, Vĩnh Long đã có sự phát triển cơ bản toàn diện trên tất cả các mặt. Vĩnh Long đã đạt mục tiêu đề ra là vươn lên đạt tỉnh trung bình khá trong khu vực ĐBSCL. Kết quả đó có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là thực hiện 6 chương trình hành động Tỉnh ủy cùng 2 khâu đột phá.

 Những thành tựu nổi bật

Trong 5 năm qua, Vĩnh Long có sự phát triển khá toàn diện trên tất cả các mặt. Sự thay đổi đó bắt nguồn từ các chủ trương đúng đắn mà Đảng bộ tỉnh đề ra. Vào đầu nhiệm kỳ 2010- 2015, Tỉnh ủy cụ thể hóa nghị quyết thành 6 chương trình hành động, trong đó có 2 khâu đột phát đã tác động tích cực đến sự phát triển chung của tỉnh.

Khu công nghiệp hình thành, thúc đẩy đô thị, thương mại- dịch vụ phát triển. Ảnh: VINH HIỂN
Khu công nghiệp hình thành, thúc đẩy đô thị, thương mại- dịch vụ phát triển. Ảnh: VINH HIỂN

Trên lĩnh vực nào Vĩnh Long cũng có những thành tựu nhất định, như lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thời gian qua luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Phan Nhựt Ái, tỉnh đã hình thành vùng luân canh màu trên đất lúa quy mô lớn, tập trung, có thương hiệu như vùng trồng khoai lang tím Nhật, rau xà lách xoong,…

Hình thành được nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái: bưởi Năm Roi, cam sành, chôm chôm, sầu riêng… và nhiều cơ sở đã được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Đặc biệt, xây dựng được những cánh đồng lớn, chất lượng cao theo mô hình gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm.

Hiện nay, tỉnh đã đáp ứng gần 100% nhu cầu giống nguyên chủng và gần 80% diện tích sử dụng giống xác nhận. Một thành tựu nổi bật của ngành là hoàn thành vượt mức yêu cầu an ninh lương thực, sản lượng lúa luôn đạt trên 1 triệu tấn/năm và đảm bảo thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đúng hướng; sản lượng rau màu gần 1 triệu tấn/năm, sản lượng cây ăn trái trên 500.000 tấn/năm.

Theo ông Phan Nhựt Ái, từ sự đầu tư này, giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản giai đoạn 2010- 2015 tăng bình quân 2,74%/năm, chiếm 33,1% trong cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh. Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng từ 101,39 triệu đồng/ha (năm 2010) lên 160 triệu đồng/ha (năm 2015).

Ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có mức tăng trưởng khá, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng tốt. Theo ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Công thương, tỉnh đã hình thành một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh: giày da, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ.

Việc bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống đã góp phần khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ tạo việc làm, cải thiện thu nhập người dân nông thôn. Thương mại- dịch vụ phát triển theo hướng đồng bộ, nâng cao chất lượng, thúc đẩy sản xuất phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Tăng trưởng bình quân đạt 11,61%/năm, khu vực dịch vụ tăng khá và đạt mức 8,03%/năm.

Một trong những thành tựu quan trọng trong 5 năm qua là tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ theo hướng ưu tiên các công trình phục vụ phát triển. Đây là một trong 2 khâu đột phá ở nhiệm kỳ này và đã tạo điều kiện để phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Theo ông Trần Hoàng Tựu- Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải, 5 năm qua, riêng tổng mức đầu tư cho giao thông trên 3.200 tỷ đồng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.435km đường ôtô, tăng 633km so năm 2010, trong đó 100% các xã có đường ôtô đến trung tâm, hoàn thiện đường ôtô liên ấp qua hơn 70% khu vực đường nông thôn; đối với đường xe 2 bánh đều lưu thông thuận lợi 2 mùa. Ngoài ra, các hạ tầng về y tế, giáo dục, văn hóa được tập trung đầu tư đồng bộ.

Đến nay, điện lưới quốc gia đã phủ kín 100% khóm- ấp, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,5%. Có 96% hộ dân đô thị (tăng 11%) và 60% hộ dân nông thôn (tăng 31%) được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. 94% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên 35%.

Xác định đúng khâu đột phá

Trong 5 năm, tỉnh đã tập trung thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo ông Phan Nhựt Ái, ước đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 21/89 xã được công nhận xã nông thôn mới, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn tăng từ 3 tiêu chí/xã lên 11,2 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2014 đạt 24,87 triệu đồng/người/năm, bằng 1,83 lần so năm 2010.

Chương trình đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn rút ngắn khoảng cách về đời sống vật chất và tinh thần giữa đô thị và nông thôn.

Từ xác định đúng khâu đột phá, kinh tế Vĩnh Long tiếp tục tăng trưởng khá. Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 6,97%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Đây là mức tăng cao so với các tỉnh trong khu vực.

Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt trên 36,6 triệu đồng/người/năm, tăng 1,7 lần so năm 2010; huy động được ngân sách nhà nước tăng bình quân 13%/năm. Theo kết quả nghiên cứu, nếu như giai đoạn 2006- 2010, Vĩnh Long có tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm trung bình yếu (xếp thứ 9/13 tỉnh khu vực ĐBSCL) thì giai đoạn 2011- 2013, Vĩnh Long có tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm trung bình khá xếp thứ 4/13 tỉnh.

Hiện nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh Vĩnh Long đã vượt qua ngưỡng cân bằng giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, đánh dấu thời điểm phát triển tiền công nghiệp hóa, thuộc nhóm có tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh ở ĐBSCL.

Đánh giá về 2 khâu đột phá, đồng chí Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, chương trình phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giúp nâng tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật lên 55% (tăng hơn 20% so nhiệm kỳ trước), có nghĩa là vừa góp phần nâng cao dân trí vừa giúp người dân có cơ hội tìm việc làm.

Đối với cán bộ, tỉnh tập trung đào tạo về chính trị tăng gấp 2 lần, về chuyên môn tăng gấp 10 lần đã góp phần giải quyết thiếu hụt về cán bộ lãnh đạo quản lý rất lớn. Qua đào tạo đã nâng cao hiệu suất làm việc, tạo nguồn để quy hoạch cán bộ lâu dài cho tỉnh. Về chương trình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật có sự đầu tư tốt đặc biệt là hạ tầng về giao thông và thủy lợi.

Tạo điều kiện đi lại dễ dàng, giao thương 2 chiều rất tốt và giúp tăng thu nhập cho người dân. Riêng về thủy lợi cơ bản được khép kín, trước hết là phục vụ chức năng “đa mục tiêu”- vừa phục vụ cho sản xuất, vừa phục vụ dân sinh. Mà quan trọng hơn là đã giải quyết được chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, tức là khả năng thâm canh, luân canh, tăng vụ… được áp dụng trong trồng lúa, trồng màu và tạo ra hiệu quả kinh tế rất lớn.

Nông nghiệp vẫn ưu tiên hàng đầu

Theo đánh giá của BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010- 2015, tuy có sự phát triển khá nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Cụ thể, nếu tính chung tất cả các tiêu chí thì kinh tế Vĩnh Long vẫn còn đang ở mức trung bình trong khu vực.

Trong nhiệm kỳ 2015- 2020, Vĩnh Long vẫn xác định nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu.Ảnh: VINH HIỂN
Trong nhiệm kỳ 2015- 2020, Vĩnh Long vẫn xác định nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu.Ảnh: VINH HIỂN

Và trong nhiệm kỳ 5 năm, còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt so với nghị quyết đề ra, đó là tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6,97% (chỉ tiêu 13%); tỉnh xác định kinh tế tăng trưởng chưa bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng chưa chắc chắn, quy mô sản xuất công nghiệp còn nhỏ lẻ.

Theo đồng chí Trần Văn Rón- Bí thư Tỉnh ủy, bài học kinh nghiệm rút ra trong nhiệm kỳ qua là tỉnh xem việc xây dựng Đảng là then chốt, xem sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ Đảng, trong cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt. Đồng thời, tỉnh cũng chọn đúng khâu đột phát để tập trung chỉ đạo và luôn xem công tác cán bộ là quan trọng cho nên tập trung đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức, ngang tầm với nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong nhiệm kỳ 2015- 2020, tỉnh sẽ chọn 3 khâu đột phá để thực hiện, đó là tiếp tục phát triển và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội và tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến. Để thực hiện tốt 3 khâu đột phá đó, tỉnh sẽ xem xét lại tình hình thực tế của địa phương hiện nay để làm sao bố trí cán bộ ngang tầm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của năm 2015- 2020.

Thứ hai là tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội một cách đồng bộ. Trong nhiệm kỳ 2015- 2020, tỉnh Vĩnh Long xác định cơ cấu kinh tế vẫn lấy nông nghiệp ưu tiên và là mặt trận hàng đầu. Do đó, tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đặc biệt, cần phải đưa công nghiệp hóa vào nông nghiệp, nông thôn, có như vậy thì nông nghiệp mới phát triển. Thứ ba là tỉnh cũng sẽ đầu tư toàn diện cho công nghiệp, kêu gọi và thu hút đầu tư vào các cụm- tuyến công nghiệp vì tiềm năng của tỉnh còn rất nhiều, tỉnh xác định làm tốt khâu hạ tầng để kêu gọi đầu tư nhằm tạo những bước đột phá trong phát triển kinh tế tỉnh nhà nhằm sớm đưa Vĩnh Long trở thành tỉnh có mức phát triển khá trong khu vực.

THANH TÂM