Chủ động ứng phó mưa lũ

Cập nhật, 07:34, Thứ Năm, 18/09/2014 (GMT+7)

Ảnh hưởng cơn bão số 3 nên những ngày qua trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa nhiều kèm gió mạnh, gây khó khăn cho người dân, nhất là các địa phương trồng rau màu, lúa Thu Đông vào vụ thu hoạch. Ghi nhận của nhóm phóng viên về sự chủ động ứng phó, đề phòng của các địa phương trong tỉnh.


Tuyến đê bao ngoài 4 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ đang được thi công.
Ảnh: Trần Phước

Hiện các địa phương đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB- TKCN) đến các ấp và người dân. Đồng thời, phân công trách nhiệm cho từng thành viên từ huyện đến cơ sở, tận dụng tối đa “4 tại chỗ”, tiến hành phân loại nhà có nguy cơ sập, tốc mái, thường xuyên theo dõi tình hình để có kế hoạch ứng phó, kịp thời giải quyết hậu quả do mưa lũ gây ra.

Bình Tân: Làm đập dã chiến

Trong mùa mưa lũ năm nay, công tác PCLB- TKCN được địa phương đặt lên hàng đầu. Để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời khi tình huống xấu xảy ra, mùa lũ năm nay, ngay từ đầu năm địa phương đưa ra nhiều giải pháp.

Ông Nguyễn Văn Tập- Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết, trong tổng số 34 căn nhà dự báo không an toàn trong mùa mưa bão năm nay, đã được chằng chống đảm bảo an toàn. Ngoài ra, địa phương còn triển khai 8 đập dã chiến, tại các điểm xung yếu thường xuyên chịu ảnh hưởng mưa, lũ.

Qua ghi nhận, tuyến kinh Tân Hiệp- Tân Thới ven sông Trà Mơn là điểm xung yếu thường chịu ảnh hưởng lũ hàng năm, hiện chính quyền và người dân địa phương gia cố khá khẩn trương. “Hiện mực nước lũ nội đồng đang lên nhanh, gây ngập nhiều tuyến đường đan.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã xây dựng xong các phương án thực hiện, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị phục vụ công tác PCLB, nhằm bảo đảm sản xuất cho hàng trăm hecta trồng hoa màu trên địa bàn được an toàn”- ông Tập khẳng định.

Ông Trừ Trung Tín- Bí thư Đảng ủy xã Thành Lợi cho biết, hôm 25/8 âl, 25 con đập dã chiến trên địa bàn xã đã được thực hiện xong, phòng chống lũ rất hiệu quả. Việc canh tác, vận động nông dân thu hoạch rau màu không neo đợi giá phòng tránh mưa lũ cũng đang được địa phương thực hiện.
 
Chủ nhiệm Hợp tác xã Rau an toàn Thành Lợi ông Lê Văn Trung cũng cho biết, mưa lũ gây ảnh hưởng lớn đến việc canh tác rau màu. Hợp tác xã hiện còn hàng trăm hecta rau màu đang thời kỳ thu hoạch. Vì vậy, với việc xây dựng đê bao không chỉ bảo vệ an toàn cho những diện tích này, còn góp phần tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân trong mùa lũ.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT Bình Tân, trong đợt triều cường tháng 7 âl vừa qua, địa phương có khoảng 1,5ha rau màu bị ngập nhưng không ảnh hưởng nhiều đến năng suất.

Để đảm bảo an toàn sản xuất con nước rằm tháng 9 âl, địa phương đã thi công hơn 30 đập dã chiến, bố trí trên các sông rạch với tổng kinh phí thực hiện khoảng 160 triệu đồng. Các đập được thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Thạc sĩ Võ Văn Theo- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Bình Tân, nhận xét: “Cái hay của đập dã chiến là ít tốn kém, có thể vận dụng cây cối trong dân để xây đắp. Hàng năm, Bình Tân triển khai từ 30- 40 đập dã chiến khi vào mùa mưa lũ, nhằm bảo vệ sản xuất cho hơn 7.000ha đất sản xuất nông nghiệp được đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, trên 500 căn nhà không đảm bảo an toàn khi có mưa bão cũng được địa phương triển khai chằng chống.

Long Hồ: Hỗ trợ tầm vông chằng chống nhà

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Long Hồ, huyện đang triển khai đưa tầm vông, kẽm về các xã- thị trấn hỗ trợ người dân chằng chống nhà yếu nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Theo đó, mỗi xã- thị trấn được cấp 120 cây tầm vông, 40kg kẽm để kịp thời giao cho người dân chằng chống nhà, dự kiến hoàn thành trong tuần này. Đồng thời, vận động người dân thực hiện PCLB với phương châm “4 tại chỗ”.

Cho rằng năm nay thời tiết bất thường, khó dự báo, tuy nhiên ông Trần Trung Hiếu- chuyên viên thủy lợi (Phòng Nông nghiệp và PTNT Long Hồ) bảo “luôn trong thế chủ động sẵn sàng ứng phó”.

Theo ông, hiện ban chỉ huy PCLB- TKCN đã được thành lập tại các xã, để kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, huyện đang ráo riết bố trí các đơn vị thi công vận dụng phương tiện chống lũ tại các xã để chủ động ứng phó khi gặp sự cố vỡ đê, lũ tràn bờ…

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT Long Hồ, trong 5.800ha lúa Thu Đông hiện đã thu hoạch xong 418ha, năng suất khoảng 5,6 tấn/ha, nhiều nhất tại các xã Thạnh Quới, Tân Hạnh,… Nhờ thu hoạch lúa chủ động, nên diện tích lúa bị ảnh hưởng do đợt mưa bão này không đáng kể.

Trong khi đó, huyện cũng chỉ đạo các địa phương, nhất là 4 xã cù lao tăng cường quản lý, nắm tình hình diễn biến mưa lũ để kịp thời chỉ đạo bố trí, di dời lồng bè khỏi vị trí nguy hiểm vào nơi neo đậu an toàn.

Ông Trần Trung Hiếu cũng cho biết, hiện huyện đang chuẩn bị tốt cho đợt diễn tập PCLB- TKCN tại xã Đồng Phú, An Bình, dự kiến vào cuối tháng 9.


Lúa bị đổ ngã do mưa bão ở Tam Bình chỉ có thể cắt bằng tay với giá công cắt hiện khá cao. Ảnh: Hoàng Minh

TP Vĩnh Long: Cảnh báo khu vực ven sông kém an toàn

Theo ông Nguyễn Thanh Hà- Trưởng Phòng Kinh tế, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCLB- TKCN TP Vĩnh Long, hiện TP Vĩnh Long có các khu vực nguy hiểm ở các vùng thường xảy ra sạt lở, vùng có nguy cơ sạt lở, khu vực ven sông, cửa sông có khả năng bão đổ bộ cần phải sơ tán dân.

Cụ thể, khu vực ven sông Tiền từ vàm sông Long Hồ (vàm sông chợ Vĩnh Long) đến rạch Cái Sơn Bé (Phường 5). Riêng đoạn từ rạch Cái Sơn Bé đến giáp xã Thanh Đức có nhiều nhà cấp 3 kém an toàn.

Khu vực ven vàm rạch Bình Lữ tại các đường Xóm Bún, Xóm Chài (Phường 2), từ vàm rạch Bình Lữ đến vàm sông Cái Cam (Phường 9) cũng còn khá nhiều nhà cặp sông. Các xã: Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa, Tân Hội đều có những khu vực sạt lở nguy hiểm cần di dời, sơ tán dân khi thiên tai xảy ra.

Đáng kể nhất là khu vực chợ cá Phường 1, đoạn từ cầu Bạch Đằng đến bến tàu khách có trên 20 hộ dân sinh sống và buôn bán. Nhiều nhà đã bị nghiêng, nhiều khả năng xảy ra sạt lở trong mùa mưa lũ. Đánh giá của Ban Chỉ huy PCLB- TKCN TP Vĩnh Long, nếu xảy ra sạt lở thì khả năng ảnh hưởng đến tính mạng của người dân nơi đây là rất cao.

Thiệt hại lớn do giông lốc

Ngay trong tháng 5/2014, lốc xoáy quét qua 2 xã Tân Mỹ và Trà Côn (Trà Ôn) làm hư hại 51 căn nhà và bị thương 1 người, tốc mái 44 căn, sập 7 căn. Cây cối đổ ngã gây ảnh hưởng khoảng 10km đường đan, gãy 1 trụ điện hạ thế, xiêu vẹo 7 trụ điện hạ thế và 12 trụ điện thoại. Ước tổng thiệt hại khoảng 470 triệu đồng.

Tại xã Trà Côn, ông Nguyễn Thanh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, qua thống kê, toàn xã có khoảng 200 căn nhà cần được chằng chống trong mùa mưa bão này.

Còn tại Vũng Liêm 9 tháng qua, cũng đã ghi nhận tình trạng mưa giông kết hợp gió xoáy làm sập 9 căn nhà, tốc mái 17 căn và cháy 1 căn, ước thiệt hại khoảng 193 triệu đồng ở các xã Trung Hiệp, Trung Chánh, Trung Thành, Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Quới An, Trung An, Trung Thành Tây, Quới Thiện, Hiếu Thuận, Hiếu Nghĩa.

NHÓM PV KINH TẾ