ĐỔI MỚI THI TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC

Cạnh tranh công bằng

Cập nhật, 13:33, Thứ Tư, 23/07/2014 (GMT+7)

Tuyển chọn người thực sự có năng lực vào đội ngũ công chức (CC), tạo nguồn nhân lực mới phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội; đặc biệt là phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.
 
Đã có nhiều giải pháp, chính sách đề ra; trong đó, việc tổ chức thi tuyển bằng hình thức cạnh tranh và thi trực tuyến trên máy tính đã mở ra hướng đi mới, đáp ứng nguyên tắc “khách quan, công bằng và chất lượng”.


Thí sinh Phạm Thị Hồng Nhan đã hoàn thành xong phần thi của mình.

Điểm mới trong thi tuyển

Đây là năm thứ 2, tỉnh Vĩnh Long tổ chức thi tuyển CC khối nhà nước bằng hình thức cạnh tranh. Năm đầu tiên, đã nhận được sự đồng thuận của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh. Bởi, mọi công dân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đều có cơ hội như nhau để đăng ký và tham gia quá trình lựa chọn vào CC.

Điều đặc biệt là, tỉnh Vĩnh Long luôn luôn sẵn sàng chào đón tất cả thí sinh trong và ngoài tỉnh có năng lực thật sự, sẽ có cơ hội trở thành CC Nhà nước làm việc tại Vĩnh Long.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế là chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyển sinh. Trong quá trình tổ chức thi, có một số khâu dễ nảy sinh tiêu cực, dư luận vẫn còn hoài nghi, đánh giá không cao. Đó là nội dung và hình thức thi còn nặng về học thuộc lòng nên có một số thí sinh tìm cách mang tài liệu, sử dụng tài liệu trong phòng thi.

Để khắc phục những bất cập, tồn tại, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong cải cách hành chính và cải cách công vụ, CC; điều cần thiết là phải đổi mới hình thức và nội dung thi tuyển CC. Do vậy, tỉnh đã xây dựng đề án thí điểm thi tuyển CC và được sự chấp thuận của Bộ Nội vụ.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch tổ chức thi tuyển, làm cơ sở để Hội đồng tuyển dụng CC thực hiện. Điểm mới trong kỳ thi lần này là thí sinh thi các môn trắc nghiệm (nghiệp vụ chuyên ngành, tin học và tiếng Anh) trên máy tính.

Theo đó, máy tính sẽ đảm nhiệm về thời gian thi và chấm điểm cho bài trắc nghiệm. Bài thi được chấm theo thang điểm 100. Thí sinh phải đạt điểm thi từ 50 điểm trở lên ở mỗi môn thi mới đủ điều kiện và được thi tiếp phần thi tự luận môn thi kiến thức chung và nghiệp vụ chuyên ngành.

Điểm đáng chú ý là thí sinh làm bài xong có kết quả ngay, người không đạt sẽ... rời khỏi cuộc thi ngay. Đổi mới này rất được các thí sinh tin tưởng, đánh giá cao vì “được tham gia một kỳ thi có sự cạnh tranh công bằng”.

Ông Nguyễn Hiếu Nghĩa- Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng tuyển dụng CC tỉnh nhận định: Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thi tuyển là cách làm khá hiệu quả. Bài thi được chấm điểm nhanh chóng và đặc biệt là không phải chấm phúc khảo.

Với hình thức “sàng lọc”- loại trực tiếp như thế này, sẽ giảm bớt số lượng thí sinh vào vòng thi viết, tạo ra tính “dân chủ, công bằng và minh bạch”.

Cơ hội cho người có năng lực

Theo ông Nguyễn Hiếu Nghĩa: Với hình thức thi tuyển cạnh tranh, mọi người đều có cơ hội ngang nhau, không có sự phân biệt giữa người đã đi làm hay chưa đi làm. Hội đồng tuyển dụng CC căn cứ kết quả tổng điểm theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí việc làm, của từng cơ quan đơn vị tuyển dụng.

“Thí sinh thi đậu thì sẽ được bố trí việc làm ngay. Đối với thí sinh đã được hợp đồng làm việc trước đó, nếu dự thi không đạt thì tùy theo nhu cầu của cơ quan, đơn vị có thể sắp xếp vào một vị trí khác, hợp đồng không chuyên trách hoặc chấm dứt hợp đồng”- ông Nghĩa cho biết.

Hoàn thành xong phần thi trắc nghiệm, thí sinh Nguyễn Thị Kim Chi (xã Hòa Bình- Trà Ôn) thở phào nhẹ nhõm.

“Trước khi thi, tôi thấy rất áp lực, thi cử thì “ngán” lắm, nhưng vì tương lai phải ráng thôi”- chị Chi tâm sự. Tốt nghiệp đại học năm 2012, chị đã phải vất vả nộp đơn và “gõ cửa” nhiều nơi, nhưng đến nay vẫn là con số không tròn trĩnh. Theo chị, “đây là cơ hội rất tốt để tôi tìm việc làm đúng chuyên ngành và gần nhà”.

Chị Phạm Thị Hồng Nhan (cùng ngụ xã Hòa Bình- Trà Ôn) thì đã đi làm tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (TP Hồ Chí Minh). Trước khi thi, chị đã xin nghỉ 2 tháng, “khăn gói” về quê để toàn tâm, toàn trí lo “văn ôn, võ luyện”.

Chị cho biết, cơ quan chị đăng ký ứng tuyển chỉ cần có một vị trí kế toán, nhưng có hơn 70 thí sinh cùng đăng ký dự tuyển. Sau phần thi trắc nghiệm thì còn lại 13 người. Còn chị Nguyễn Thị Ngọc Hiếu (xã Lộc Hòa- Long Hồ) cho biết: Vị trí chị đăng ký dự tuyển cũng có trên 100 thí sinh tham gia, đến vòng thi viết thì còn lại 16 người. Tuy kết quả làm bài cũng khá ổn, nhưng vấn đề là chọn người có kết quả cao nhất nên các chị cũng khá hồi hộp.

Thí sinh Phạm Thị Như Quyên- công tác tại xã Long Phú (Tam Bình) thì tham gia kỳ thi với tâm trạng thoải mái hơn. Vị trí chị ứng tuyển là tài chính- kế hoạch huyện. Đây là công việc đúng chuyên ngành mà chị mong muốn.

Chị cho rằng, mỗi năm Nhà nước đều có tổ chức thi tuyển nên chị cũng thi để biết khả năng của mình. Tuy nhiên, việc chọn người có điểm cao nhất lại làm chị không tự tin lắm.

Theo ông Nguyễn Văn Phước- Trưởng Phòng Đào tạo Trường Chính trị Phạm Hùng: Với hình thức cạnh tranh, thí sinh mới ra trường thường có lợi thế về quỹ thời gian, nhưng kiến thức thực tế lại ít hơn người đã đi làm. Và ngược lại người đã đi làm tuy bị bó hẹp thời gian nhưng lại có lợi thế về am hiểu thực tế. Chính vì vậy, cơ hội dành cho mọi người là ngang nhau.

Kỳ thi tuyển dụng CC tỉnh Vĩnh Long được chia làm 2 đợt: đợt 1 từ ngày 18- 19/7, đợt 2 từ 21- 22/7. Có trên 500 thí sinh thuộc 15 tỉnh- thành đăng ký dự thi tuyển dụng CC cấp tỉnh, huyện. Tuy nhiên, chỉ có 263 thí sinh dự thi.

Trong đó, có 93 thí sinh làm bài thi trắc nghiệm đạt (35,4%) và bước tiếp vào vòng thi tự luận. Chỉ tiêu tuyển chọn là 35 vị trí việc làm. Về cấp xã, có 457 thí sinh đăng ký dự thi. Có 357 thí sinh dự thi. Trong đó, có 228 thí sinh thi trắc nghiệm đạt (63,8%). Chỉ tiêu tuyển chọn là 136 vị trí, việc làm.

Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN