Dời điểm vựa phế liệu ra ngoại ô

Cập nhật, 13:19, Thứ Tư, 23/04/2014 (GMT+7)


Chất phế liệu ven lề đường khiến việc đi lại của người dân trở nên khó khăn.

TP Vĩnh Long hiện có nhiều điểm thu mua phế liệu trong nội ô. Hình ảnh các thứ bị thải loại từ chai lọ, hộp đựng thức ăn, sắt thép gỉ... chất ngổn ngang, choán cả vỉa hè đã khiến nhiều tuyến đường trở nên nhếch nhác. Không chỉ ảnh hưởng mỹ quan, các cơ sở này còn gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Ảnh hưởng lưu thông, mất mỹ quan

Theo Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, thành phố hiện có khoảng 51 điểm thu mua phế liệu có giấy phép kinh doanh.

Ghi nhận của chúng tôi tại một số điểm thu mua phế liệu ở Phường 1, Phường 2, Phường 3, Phường 8,... thì các cơ sở này đã có nhiều năm nay, hầu hết đều thuê mặt bằng với giá cao: 4,5- 7 triệu đồng/tháng. Đáng nói là hầu hết đều đóng ở khu vực đông dân cư.
 
Tới giờ thu mua (thường vào ban ngày), nhiều cơ sở nằm ở mặt tiền vô tư chất nào là sắt thép gỉ, nào là nồi chảo hư, nào là dép đứt, thau nhôm mủ bể… ngoài vỉa hè, lấn cả phần đi đường dành cho người đi bộ. Có nơi còn chất phế liệu ở 2 bên lề đường suốt cả đêm ngày, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng lưu thông.

Dì V. - một người dân ở Phường 8 bức xúc nói: “Đầu đường Nguyễn Văn Lâu có hộ mua bán phế liệu nè. Đường nhỏ mà họ cứ chất phế liệu chiếm hết diện tích 2 bên lề năm này qua tháng nọ luôn, xe cộ qua lại khó khăn, cọ quẹt hoài. Hôm bữa tôi chở cháu ngang đó bị quẹt té, may mà không sao. Chưa kể đến mùi hôi thối bốc ra từ các đống phế liệu. Mong cho họ dời phế liệu đi chỗ khác để đi lại dễ dàng hơn“.

Ghi nhận tại một điểm thu mua phế liệu ở Phường 2, tầm 15 giờ, điểm thu mua này nhộn nhịp cân, phân loại phế liệu. Trên nền nhà, bơm kim tiêm nằm xen lẫn với chai nhựa, giấy báo. Mấy bao phế liệu to đùng được bày choán ra một phần vỉa hè. Nước thải từ chai nhựa, chai mủ chảy tràn ra đường, bốc mùi khó chịu.

Càng vào sâu bên trong kho, mùi hôi càng bốc lên nồng nặc. Một người dân sống ở khu vực này nói: Mua bán phế liệu giúp nhiều người có thu nhập cũng mừng nhưng “tập kết” phế liệu giữa phố như vầy ảnh hưởng mỹ quan, ảnh hưởng vệ sinh môi trường quá. Chưa kể, nếu xảy ra cháy nổ, không những thiệt hại cho chính các cơ sở này mà còn vạ lây sang các căn nhà bên cạnh.

Phó Trưởng Công an Phường 2 Nguyễn Trường Cẩn cho biết, phường hiện có khoảng 11 cơ cở thu mua phế liệu (một số cơ sở không có giấy phép đăng ký kinh doanh), trong đó, có khoảng 4- 5 cơ sở kinh doanh ở mặt tiền các tuyến đường lớn.

Thời gian qua, công an phường đã nghe một số người dân sống quanh các cơ sở này phản ánh tình trạng các kho phế liệu gây ô nhiễm, ảnh hưởng mỹ quan môi trường sống. Có người còn sợ ảnh hưởng cháy nổ.

Dời điểm thu mua ra ngoại ô

Chú Đoàn (xã Mỹ Thuận- TP Vĩnh Long) nói: “Tui thấy nhiều cơ sở thu mua phế liệu trong nội ô thành phố vừa gây mất mỹ quan lại gây cản trở giao thông. Nhiều lần đi đường thấy xe tải, xe ba gác, lên xuống phế liệu gây cản trở giao thông. Nhiều chỗ còn lấn chiếm vỉa hè. Tui nghĩ cần có biện pháp khắc phục, tốt nhất nên dời các điểm này ra ngoại ô để thành phố mình đẹp hơn”.

Ông Nguyễn Văn Nhuần- Phó Chủ UBND TP Vĩnh Long cho biết: “Thành phố đã có chủ trương kiểm tra các cơ sở thu mua phiếu liệu ở 7 phường để có phương án di dời ra khỏi nội ô nhằm đảm bảo mỹ quan, vệ sinh môi trường và đảm bảo phòng cháy chữa cháy”.

Ông Nguyễn Trường Cẩn cho biết, phường đã vận động các hộ di dời ra khỏi nội ô, các hộ cũng đã làm cam kết di dời trong vòng 15 ngày.


Một điểm thu mua phế liệu trên đường Phó Cơ Điều (Phường 3) để phế liệu tràn ra vỉa hè.

Theo ghi nhận của chúng tôi, các chủ vựa khá lo lắng trước thông tin này. Tuy nhiên, một số vựa đã chuẩn bị tâm thế di dời. Chị Lợi- chủ cơ sở thu mua phế liệu trên đường Lê Thái Tổ (Phường 2) cho biết:

“Tui thu mua phế liệu 3- 4 năm nay rồi. Đây là nguồn thu nhập chính cho cả nhà. Với giá thuê mặt bằng 4,5 triệu đồng/tháng, trừ chi phí cũng còn lời đủ lo trang trải sinh hoạt gia đình. Vừa qua, công an phường đã yêu cầu dời ra ngoại ô rồi nên cũng đang tìm mặt bằng. Nếu cơ sở nào trong thành phố cũng dời thì tui cũng dời luôn”.

Chị Võ Thị Điệp- chủ một cơ sở thu mua phế liệu ở đường Phó Cơ Điều (Phường 3) nói:

“Tui mở điểm mua bán phế liệu ở đây hơn chục năm rồi, chỗ này thì rất thuận tiện. Nhưng tui cũng nghe các cơ sở khác nói sẽ di dời ra khỏi nội ô, thấy lo lo vì mặt bằng kho, vật dụng đều đầu tư hết rồi, dỡ bỏ xây cất lại từ đầu rất tốn kém. Tuy vậy, nếu có chủ trương di dời thì cũng sẽ thực hiện, chỉ hy vọng ngành chức năng cho một khoảng thời gian rộng rộng để di dời”.

Anh Nguyễn Văn Dũng (Phường 2- TP Vĩnh Long)


Các cơ sở thu mua phế liệu đã góp phần giải quyết lượng rác thải cho thành phố nên cần tạo điều kiện để họ mua bán. Tuy nhiên, cần sắp xếp nơi mua bán tránh tình trạng bày biện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, đảm bảo mỹ quan. Nếu dời các điểm thu mua này ra khỏi nội ô mà họ vẫn có thể mua bán thuận lợi thì rất nên làm.

Dì Trần Thị Lý- người thu mua ve chai (Long Hồ)

“Tui đẩy xe đi mua ve chai mỗi ngày rồi bán mỗi ngày cho một vựa ở Phường 3, khá tiện đường. Nếu dời các điểm thu mua này ra khỏi nội ô tui sẽ tranh thủ thời gian đi mua sớm và bán sớm hơn, cũng không bất tiện gì”


Bài, ảnh: NAM ANH- THẢO NGUYÊN