Phỏng vấn nhanh

Nhân dân đồng thuận với “văn hóa giao thông”

Cập nhật, 06:53, Thứ Năm, 31/01/2013 (GMT+7)

Văn hóa giao thông được Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia triển khai thực hiện từ năm 2010.

Đây là dự án quan trọng, mang tính nhân văn, nhằm nâng cao nhận thức văn hóa giao thông cho mọi người về giao thông, ATGT, trách nhiệm của mọi người khi tham gia giao thông. Nội dung này được thực hiện ở TP Vĩnh Long ra sao? Trung tá Lê Văn Thanh- Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông TP Vĩnh Long đã có một số nhận định.


*
PV: Thưa ông! Ông có thể nêu những giải pháp chủ yếu nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người tham gia giao thông qua thời gian thực hiện văn hóa giao thông?

- Trung tá Lê Văn Thanh: Nhằm từng bước nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về trật tự ATGT, thực hiện văn hóa giao thông của người tham gia giao thông, năm 2012, Ban ATGT TP Vĩnh Long đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT đường bộ, đường thủy nội địa gồm Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 của Chính phủ quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 và các văn bản có liên quan; lồng ghép tuyên truyền văn hóa giao thông; xem đây là một trong những biện pháp cơ bản, lâu dài.

Công tác phối hợp các ban ngành, đoàn thể cũng không kém phần quan trọng nhằm tuyên truyền trực tiếp, sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân với 2.878 cuộc, có 304.010 lượt người tham dự.

Tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng 452 bản tin, 65 bài và 115 buổi thông tin cổ động. Phát hành 12.000 bản cam kết thực hiện tiêu chí văn hóa giao thông, 66 buổi văn nghệ và 3.500 tài liệu tuyên truyền Năm ATGT, phát 23.594 bản cam kết thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Lắp đặt trên 60 biển tuyên truyền ATGT tại các tuyến quốc lộ, đường liên xã.

* PV: Những tín hiệu vui từ phía người tham gia giao thông khi được tuyên truyền văn hóa giao thông như thế nào, thưa ông?

- Trung tá Lê Văn Thanh: Qua công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATGT, văn hóa giao thông, đa số người tham gia giao thông đều có nhận thức và chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ như chấp hành nghiêm tín hiệu đèn giao thông, thực hiện nghiêm quy định đội nón bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy; không vi phạm lấn chiếm lề đường; không gây gổ, đánh nhau khi xảy ra va chạm giao thông.

Nhờ đó, trong năm 2012, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn thành phố được giữ vững và ổn định, tai nạn giao thông đã được kéo giảm cả 3 mặt: số vụ giảm 29,62%, số người chết giảm 25,92% và số người bị thương giảm 18,18%, đặc biệt không xảy ra tổ chức đua xe trái phép và ùn tắc giao thông.


Cảnh sát giao thông TP Vĩnh Long làm nhiệm vụ.

* PV: Lực lượng cảnh sát giao thông đã làm gì để nâng cao việc thực hiện văn hóa giao thông thưa ông?

- Trung tá Lê Văn Thanh: Chúng tôi đã tiến hành tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức sâu sắc, tầm quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT, kéo giảm tai nạn giao thông, giảm đau thương mất mát cho người bị nạn, gia đình nạn nhân, xem đây là mục tiêu cao nhất.

Thường xuyên trau dồi kiến thức nghiệp vụ, nhất là các văn bản pháp luật về ATGT, quy trình tuần tra kiểm soát và xử lý hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, nội dung cuộc vận động “Công an Nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, quy tắc ứng xử và văn hóa giao tiếp của cán bộ cảnh sát Công an TP Vĩnh Long.

Năm 2012, cán bộ cảnh sát, cảnh sát giao thông đã có những chuyển biến như tiếp xúc nhân dân luôn hòa nhã, lịch sự; hướng dẫn ân cần, giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong trong lúc làm nhiệm vụ trên mặt đường và cả ngay tại trụ sở cơ quan, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, ý thức phục vụ nhân dân từng cán bộ cảnh sát nâng cao, từ đó cũng nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong thực hiện văn hóa giao thông.

* PV: Cảm ơn ông!

ANH MINH (thực hiện)