Thương cô bé mồ côi không tiền vào ĐH

Cập nhật, 05:49, Thứ Tư, 19/10/2016 (GMT+7)

Mồ côi cha hồi 2 tháng tuổi, mẹ rời quê tìm việc nuôi con, em Lê Thị Hồng Diễm (ấp Tân Nhơn, xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long) lớn lên trong khó khăn túng thiếu về vật chất lẫn tinh thần.

Vậy mà 12 năm liền, Hồng Diễm đều là học sinh giỏi, đặc biệt 3 năm cấp III em là học sinh giỏi nhất khối của Trường THPT Trưng Vương (TP Vĩnh Long).

Hồng Diễm làm thêm tại quán Kỳ Duyên.
Hồng Diễm làm thêm tại quán Kỳ Duyên.

Không có tiền đóng học phí

Trúng tuyển ngay đợt xét đầu tiên vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long nhưng Hồng Diễm chưa thể nhập học vì không có 3,8 triệu đồng đóng học phí.

Ngậm ngùi đến trường, Hồng Diễm xin được hoãn đóng tiền đến ngày 19/9. Rồi vẫn chưa có tiền, ngoại Diễm phải mượn tiền hàng xóm đóng cho em nhập học.

Hồng Diễm nói: “Mẹ nói cha em chết từ khi em 2 tháng tuổi, ngay sau đó mẹ em cũng đi làm ở Bình Dương”. Diễm cũng chưa từng được nhìn thấy di ảnh của cha, không biết gì về ông bà nội.

Mẹ Diễm- cô Lê Thanh Hằng- đi làm, Diễm cùng ông bà ngoại chủ yếu sống bằng nghề “ai thuê gì làm đó”. Cô Hằng do không biết chữ nên chỉ làm thuê việc lau dọn, thu nhập ít.

Những dòng nước mắt Diễm chảy dài: “Em thường khóc khi nhìn thấy bạn bè có cha mẹ rước, khi thấy mình có 2 bộ đồng phục mặc mấy năm trời nhưng rồi em tự nhủ “mẹ thương mình lắm, mẹ đi làm kiếm tiền nuôi mình, mẹ không bỏ mình đâu, mình có ông bà ngoại thương mình nữa mà””.

Năm Diễm học lớp 12 thì cô Hằng bị bệnh khớp nặng và sưng phù chân nên không thể đứng làm việc lâu. Diễm nức nở khi nói về mẹ: “Mẹ em bị thấp khớp và hen suyễn nữa.

Tiền lương còn dành để uống thuốc mỗi ngày, lo cho ông bà ngoại. Mẹ làm ở khâu quét keo, bị dị ứng da, tối nào mẹ cũng ngứa không ngủ ngon được”.

Cô Hằng định làm đến qua tết thì nghỉ tìm việc khác làm. Diễm thở dài lại thêm một nỗi lo vì mẹ không biết chữ, không biết chạy xe, sức khỏe lại yếu xin việc ở đâu đây?

Ông bà ngoại thì ngày một già, những công việc làm thuê như nhận đất thùng, cắt lúa mướn đã trở nên quá sức. Hồng Diễm rưng rưng: “Đã có lúc em định nghỉ học đi làm công nhân nuôi mẹ, nhưng em lại sợ lâm vào cái vòng luẩn quẩn, cứ làm công nhân thì khi nào mới thoát nghèo?”

Nuôi ước mơ làm kỹ sư

Buổi gặp gỡ giữa tôi với Diễm dù chan đầy nước mắt của em nhưng vẫn ánh lên niềm tin vào nghị lực cô trò nhỏ. Diễm đang làm thêm ở quán cà phê Kỳ Duyên (Phường 8) với mức lương 40.000 đ/buổi.

Diễm vui hẳn khi nói về công việc của mình: “Số tiền này em có thể mua giáo trình, tập vở,… ”.

Trong suốt thời gian đi học, Diễm cũng chỉ đi học thêm duy nhất một môn Hóa học. Diễm nói: “Vì cô kêu em học, cô không lấy tiền”.

Cô Phan Thị Thùy Dung- giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Hồng Diễm vui vẻ khi nhắc đến học trò của mình: “Diễm là học sinh giỏi nhất khối 3 năm liền. Em rất tập trung lắng nghe, chịu khó học hỏi và sẵn sàng giúp bạn bè trong lớp”.

Ngày Diễm đậu ĐH, mẹ sợ không có tiền để đi học, nhưng Diễm quyết tâm đến trường với lời hứa: “con sẽ vay vốn để đóng tiền học, con sẽ đi làm thêm nữa, con muốn đi học để có tương lai”.

Sự rắn rỏi, kiên quyết ánh lên trong đôi mắt Diễm: “Ước mơ của em là trở thành kỹ sư điện- điện tử, có một công việc ổn định để lo cho mẹ và ông bà ngoại”.

Cô Phạm Kim Xuân- chủ quán giải khát Kỳ Duyên

Hồng Diễm xin vào quán tôi làm gần 1 tháng nay, mỗi ngày làm khoảng 6 tiếng. Diễm rất siêng năng, nếu đông khách mà chưa đến giờ học là em sẵn sàng ở lại phụ giúp ngay.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN