Viết cho "em"

Cập nhật, 15:02, Thứ Sáu, 19/08/2016 (GMT+7)

-         Con học khoa gì?

-         Dạ con học Môi trường ạ. Còn em nó học khoa gì vậy cô?

-         Điện - điện tử đó con.

-         Wow! - Ngành đó học tốt hông con?

-         ... Dạ con chỉ biết khoa đó học giỏi thôi, điểm chuẩn đầu vào cao mà cô.

(cười mãn nguyện)

Đó là cuộc trò chuyện của tôi cùng 1 phụ huynh ngày đầu dẫn con đến đăng ký ở Trường Đại học Bách khoa (TP Hồ Chí Minh).

Tôi nhìn chàng tân SV vẻ mặt ngập ngừng, nhút nhát y như tôi 4 năm trước. Có lẽ em vừa trải qua đợt "vượt vũ môn" căng thẳng nên em vẫn còn chưa hoàn hồn chăng? Tôi tự hỏi, khi em đặt chân vào giảng đường ĐH rồi, em sẽ đi qua chặng đường 4 năm đó như thế nào?

Liệu em có xõa thả ga khi thoát được vòng tay Ba Mẹ để rồi tự do ăn ngủ, vui chơi để bù đắp cho năm tháng phổ thông? (đứa nào mà chẳng vậy nhỉ?). Liệu em có sớm tìm được lý do việc học để rồi cố gắng trao dồi, cải thiện kỹ năng lẫn chuyên môn của mình sau này...

Tôi nghĩ ngợi nhiều như vậy bởi cảm nhận sự học - điều quyết định cho sự nghiệp, tương lai sau này của em vẫn còn đang bị che lấp bởi sự kỳ vọng của Mẹ em, của gia đình, của xã hội.

Mẹ em quan tâm và hỏi tôi rằng: "Ngành đó học tốt hông con?" nhưng có bao giờ Mẹ đã hỏi em rằng: "Con thực sự muốn học gì, làm gì sau này" chưa?

Ờ mà cho dù Mẹ em hỏi thì có lẽ em cũng chưa thực sự biết được câu trả lời. Bởi từ lâu, không riêng gì em, câu trả lời đã bị chôn vùi lấp bởi những tiết chuyên đề, những công thức để giải nhanh Sinh Lý Hóa, những bài làm văn mẫu...

Tất cả nhằm mục đích giúp em chiến thắng cuộc đua không hồi kết, để đặt 1 bước vào giảng đường. Và để ngôi trường em học đạt được KPI những con số đậu Tốt nghiệp, ĐH cao vút, thu hút học sinh mới nữa.

Tôi thương cho em. Tôi muốn nhắn nhủ với Mẹ em rằng, tôi không phải là thằng SV năm 4 như tôi đã thưa, mà đã năm 5 rồi. Tôi đã cay đắng thế nào khi phải "cưới" người mình hông còn yêu (mặc dù đã từng nồng nàn).

May là cuộc "hôn phối" này chỉ kéo dài 9 học kỳ thôi và tôi còn cả cuộc đời còn lại để chung sống hạnh phúc với "người" mình thực sự yêu. Tôi đã "ly thân" 1 năm để đi tìm chính mình. Không quá dài, cũng chẳng quá ngắn, vừa đủ để tôi lắng lại, tạm dừng và bước ra khỏi guồng quay của sự kỳ vọng xã hội đó.

Để bây giờ, tôi quay lại "ngôi nhà" cũ đó, với một cái tôi mới, hiểu rõ mục đích của mình và sẵn sàng cho chặng đường nước rút còn lại. Dẫu rằng, bơi ngược dòng kiểu này cũng cô đơn lắm!

Tôi thương em vì tôi không muốn em phải trải qua những đêm dài bất tận, trằn trọc và dằn vặt với những ước mơ cháy bỏng của mình mâu thuẫn với những gửi gắm của gia đình, bạn bè, họ hàng.

Hay khi mặc cho cơn mưa rào ào ạt dập vào mặt mình từng cơn lạnh buốt giữa lòng phố đêm, để người ta không thấy được những dòng lệ rơi của thằng nam nhi.

Tôi ước sao em có thể dành 1 năm gap year, như bao bạn trẻ SV ở các nước tiến bộ khác, nơ mà giá trị phẩm chất con người được phát triển toàn diện hơn là những con số tỷ lệ đỗ đạt huyền ảo diệu.

Tôi mong em có thể đi đó đây, kết bạn, làm quen, quan sát con người ở khắp nơi trên đất nước xinh đẹp hình chữ S hoặc đi ra biển lớn, những chân trời khác nếu em có điều kiện. Em có thể đi làm thêm, thực tập hay tham gia các CLB để được Trải Nghiệm, từ đó Hiểu Mình hơn.

Hoặc em có thể tìm gặp trực tiếp những SV năm trên, những kỹ sư của ngành em để xem và tìm hiểu coi nó có thực sự phù hợp với em hay không.

Để rồi, sau tất cả, nếu em vẫn quyết định theo đuổi nó đến cùng thì em thật may mắn. Họa chăng, em thấy không phù hợp thì em sẽ đứng giữa 2 ngã rẽ: dừng lại hay tiếp tục?

Và cho dù lựa chọn thế nào, thì ít ra em cũng đã thực sự hiểu ý nghĩa của việc học cho mình. Để từ đó, có chiến lược học tập, rèn luyện hăng say và hợp lý hơn. Cho dù có chậm 1 năm so với bạn bè cùng trang lứa nhưng còn đỡ hơn rất nhiều bạn khác bước thật nhanh để rồi hụt chân và loay hoay mãi.

168.000 ~> 225.000. Hàng năm, con số cử nhân - thạc sỹ thất nghiệp cứ tăng dần lên. Lại thêm loạt bài "liên thông ngược", khi chính các thạc sỹ lại xăn tay áo đi học trung cấp nghề để có nghề có ngỗng để làm việc.

Thử hỏi 4 năm ĐH, thêm 2 năm ĐH thạc sỹ của chừng ấy SV thì liệu đã lãng phí biết bao nhiêu thời gian, công sức và tiền bạc của gia đình, xã hội và hơn cả hết là TUỔI TRẺ của chính em.

Xã hội ta vẫn còn nặng nề trọng dụng bằng cấp. Người thân, bạn bè của em có thể sẽ tới chúc mừng khi em đậu ĐH, tốt nghiệp. Nhưng có mấy người ở lại và thực sự quan tâm đến công ăn, việc làm của em sẽ như thế nào?

Tôi muốn nhắn là quan tâm bằng tấm chân tình chứ không phải kiểu so kè, chạy đua vũ trang của các quý vị phu huynh kỳ vọng con sẽ mang lại vinh dự, hư danh về cho họ. Sẽ không ai thèm quan tâm em sẽ sống chết ra sao với cái tấm bằng đó, trừ gia đình và những người thực sự thân yêu em.

Cũng phải, em đã trưởng thành rồi mà. Em phải biết tự lo cho chính mình chứ. 18 tuổi, đánh dấu cột mốc trưởng thành cho con người.

Em đã đủ tuổi để mua thuốc lá, để uống rượu bia ở bar, ở pub; đủ để tự thuê hotel qua đêm cho mình mà không ai ngăn cấm. Và đủ để chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật, một điều không phải ai cũng may mắn có được.

Tôi muốn gửi gắm lại, cuối cùng, chính em mới là người CHỊU TRÁCH NHIỆM cho cuộc đời, sự nghiệp 40 năm của em.

Nên, em hãy sống, hãy học tập, hãy làm việc vì em, chứ đừng bao giờ núp bóng của sự kỳ vọng, hư danh mà xã hội gán nhãn lên em nữa. Hãy bước ra và mở toang cánh cửa để khám phá cuộc đời tươi đẹp này trong sự Chân Thiện Mỹ của con người, để hiểu và trả lời các câu hỏi:

-         Tôi là ai?

-         Tôi đến cuộc đời này để làm gì?

-         Tôi muốn được mọi người nhìn nhận như thế nào khi qua đời?

Một khi hiểu mình là ai, em mới có thể hiểu người, hiểu việc và hiểu "cây đời vẫn mãi xanh tươi".

Tôi chúc em sớm trưởng thành để bước vào quãng đời SV một cách rực rỡ và đáng nhớ nhất.

Thương mến,

Tôi- Sinh Viên Năm 5

PHẠM HOÀNG NGUYÊN