Bạn trẻ và mua bán online

Cập nhật, 16:22, Thứ Sáu, 05/08/2016 (GMT+7)

 

Chiếc điện thoại nhỏ vừa để liên lạc, lên mạng, xem phim và mua sắm.
Chiếc điện thoại nhỏ vừa để liên lạc, lên mạng, xem phim và mua sắm.

Không cần biết bạn đi đâu và đang làm gì, chỉ cần mở các trang mạng xã hội như facebook, zalo ra là có đủ mặt hàng buôn bán trực tuyến (online). Rất nhiều bạn trẻ mua sắm và tăng thu nhập từ việc buôn bán mới thịnh hành này, người mua tiện và người bán có thêm thu nhập thì vẹn cả đôi đường, chỉ còn chờ chất lượng…

Muốn mua gì, cứ online

Từ những trang web bán hàng qua mạng ban đầu, nay việc bán hàng online đã trở nên nhiều chưa từng có với mức độ thông tin dày đặc, kiểu cần gì có nấy.

Không kể quần áo giày dép, túi xách, mỹ phẩm, sim số,… đến miếng bánh chuối, mứt dừa hay gỏi cuốn, chè đậu… đều có trên mạng và giao hàng tận nơi. Đối với những địa điểm xa, khách hàng có thể nhận hàng qua xe khách hay bưu điện.

Bạn Phan Thị Thủy Tiên (Phường 2) vừa khao cả phòng bằng chè ngũ sắc hoành tráng, cho biết: “Chè mình mua tận Trà Vinh. Tối đặt hàng, sáng có, rất tiện lợi”. Những túi chè trôi nước đầy màu sắc xanh lá dứa, tím khoai lang, cam của gấc chín rất bắt mắt, mà ăn cũng khá ngon.

Ở TP Vĩnh Long, những món ăn vặt như bánh chuối, gỏi cuốn, bánh tráng trộn,... hàng trăm thức ăn vặt chỉ cần lên face nhắn tin là có. Bạn Nguyễn Thị Khánh Linh- nhân viên văn phòng- cho biết: “Chục cái gỏi cuốn 30.000đ cũng giao hàng tận nơi”.

Không chỉ phục vụ tận tình mà chất lượng cũng không thua kém hàng ăn ở các quán. Linh vui vẻ: “Thời gian và công việc bận rộn, nên việc mua hàng online rất hay vì tiết kiệm thời gian đi mà vẫn có thứ mình cần!”.

Còn đối với mặt hàng truyền thống như giày dép, quần áo, mỹ phẩm thì càng đa dạng và nhiều mức giá hơn. Những chiếc đầm mặc nhà vài chục ngàn đến đầm dạ hội vài trăm ngàn đồng, vải lụa áo dài, áo dài 3D, áo dài cách tân, đồ bộ, quần áo em bé, trang phục lót cũng có đầy đủ. Bạn Nguyễn Thị Kim Chi (Phường 8) cho biết thường mua hàng trên mạng xã hội.

Ban đầu, Chi bị mẹ la nhiều vì mua hớ do nhìn hình ảnh cũng không thể biết chất lượng sản phẩm. “Sau này, từ những chỗ đã mua mình chọn chỗ uy tín, giá phù hợp nên yên tâm hơn nhiều”- Chi cười nói thêm: “Như cái áo Đoàn này, mình mua rẻ hơn ở tiệm 10.000đ nè”.

Thêm thu nhập từ nghề tay trái

Bán hàng qua mạng thường không phải là công việc chính của các bạn trẻ mà chủ yếu là nghề tay trái. Đó là những lúc ngoài giờ làm việc, các bạn chụp ảnh và đăng lên rồi rao bán và đi giao hàng. Một số bạn trẻ còn tụ họp thành nhóm hoặc có cộng tác viên để mở rộng việc giao hàng, bán hàng.

Là giáo viên tiểu học, bạn Lưu Nhật Thiên Lan đã bán hàng qua mạng xã hội zalo khoảng 1 năm nay. Lan cho biết, mình dạy môn Nhạc nên không mất nhiều thời gian, tuy nhiên thu nhập của giáo viên mới ra trường thật sự khiêm tốn.

Thời gian rảnh, Lan nghĩ mình phải làm cái gì đó: “Ai cũng sử dụng Internet vào mạng xã hội và ít có thời gian mua sắm nên mình chọn làm đại lý cho một công ty thời trang bán hàng online”.

Thiên Lan còn mở shop quần áo ngay tại nhà để khách ở gần có thể trực tiếp đến lựa xem. Lan chia sẻ: “Mình bán hàng thì dựa trên chất lượng sản phẩm và giá cả phù hợp, có uy tín khách cũng đông hơn”.

Cách rao hàng là rất quan trọng, vừa hút khách vừa thể hiện hình ảnh và nói rõ về chất liệu, size, tư vấn,… Lan nói: “Khách hàng rất khó tính, mình phải nói rõ về chất lượng, màu sắc… rồi mới chốt đơn hàng và đem giao”.

Nhiều bạn có điểm kinh doanh nhỏ, lẻ hoặc vị trí không thuận lợi thay vì thuê mặt bằng, các bạn rao bán sản phẩm và giao hàng tận nơi cũng rất đông khách.

Bạn Nguyện Việt An bán kẹo mứt online cho biết: “Trước đây ra trường chưa có việc làm, mình bán hàng online song song với các công việc phụ khác cũng có thu nhập kha khá”.

An không có mặt bằng nhưng có mối cung ứng mứt ở Đà Lạt. Bạn mua về rao bán và giao hàng tận nơi, An cho biết: “Kinh nghiệm của mình là chụp ảnh sản phẩm và giới thiệu sao cho thật ngon, giao hàng nhanh chóng và chất lượng là hàng đầu”.

Bạn Lê The- nhân viên văn phòng ở TP Vĩnh Long- thì có nguồn mỹ phẩm đảm bảo nên yên tâm buôn bán trên zalo, facebook. The cho biết “ban đầu buôn bán rất khó khăn vì có rất nhiều nơi bán, cạnh tranh giá cả nữa”.

Công việc bận rộn, The có ít thời gian để bán hàng nhưng “thu nhập từ nghề tay trái này cũng giúp mình phần nào”- The cười. Bí quyết giữ khách của The là sau khi giao hàng liền gọi hỏi thăm khách về chất lượng có hài lòng không và lắng nghe mọi góp ý của họ.

Đây là hình thức bán hàng mới, hay nhưng người bán cần tạo được lòng tin với khách bằng uy tín, chất lượng thật sự.

 

Bạn Lưu Nhật Thiên Lan cho rằng: “Các bạn bán hàng online cần có cái tâm với nghề, đừng vì đồng tiền mà lừa gạt để mất lòng tin của khách hàng với những người bán hàng online”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN