Trang viết xanh

Dễ thương hai tiếng "cảm ơn"!

Cập nhật, 15:12, Thứ Tư, 14/12/2016 (GMT+7)

Cô học trò xinh xắn mặc đồng phục bước vào tiệm tạp hóa hỏi thăm đường đến bến xe buýt. Nhìn nét mặt hồn nhiên pha lẫn chút lo lắng của cô học trò, chị chủ quán liền cặn kẽ chỉ đường và các tuyến xe chạy.

Nhận được câu trả lời, cô học trò nhỏ gấp gáp bước đi nhưng cũng không quên khoanh tay chào và gửi lời “cảm ơn cô”!

Chị chủ quán vốn đã quen với cách hành xử của các cô cậu tuổi teen, lại ngẩn ngơ trước cái khoanh tay và lời cảm ơn của cô học trò!

Ừ, thì lạ lắm! Bởi lâu rồi chị mới thấy học sinh tuổi teen khoanh tay chào người lớn. Dẫu đó là quy tắc ứng xử đầu tiên mà một đứa trẻ được dạy khi bi bô tập nói và khi đến trường.

Nhưng dường như bây giờ mấy đứa nhỏ ngày nào đã... “mắc cỡ” khi phải khoanh tay, gật đầu chào hay cảm ơn ai đó. Vì xung quanh, trên các mạng xã hội hay trong phim thần tượng không có ai dạy người nhỏ phải như thế!

Một câu chào thưa, một lời cảm ơn với người trong nhà thì còn “ráng thực hiện”, nhưng với người lạ thì người trẻ thường dễ dãi cho qua vì đó chỉ là chi tiết nhỏ.

Cứ thế mà nhiều bạn trẻ mặc kệ cho qua những cái “nhỏ nhặt” để tập trung vào thành tích lớn như: phải học tập giỏi, thi đậu vào những trường danh tiếng, phải có chỗ làm ở những công ty lớn, có lương cao…

Riết rồi thành quen, nhiều bạn rất “ngại” khi phải làm cái hành động mà trong suy nghĩ chỉ là của… con nít! Thậm chí nhiều bạn còn “tiết kiệm” lời chào hỏi hay cảm ơn người khác. Thế nhưng các bạn quên rằng điều đó đã vô tình làm mất đi nét đẹp truyền thống mà ông bà xưa đã dạy, làm “mình lớn mà không hoàn chỉnh” vì thiếu kỹ năng ứng xử cần thiết.

“Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Người trẻ chúng ta hãy nên hình thành cho mình thói quen chào hỏi và cảm ơn ngay bạn nhé! Như thế mới trưởng thành toàn diện và đẹp hơn trong mắt mọi người xung quanh.     

PHƯƠNG VY