Thủ lĩnh thanh niên "2 giỏi"

Cập nhật, 06:16, Thứ Ba, 27/12/2016 (GMT+7)

Đó là cách gọi thân tình của người dân dành cho anh Nguyễn Thanh Dinh- Bí thư Xã Đoàn Hòa Ninh (Long Hồ) và anh Nguyễn Văn Ngoan- Bí thư Chi đoàn ấp Tân Biên (xã Tân Thành- Bình Tân). Sở dĩ gọi như thế bởi vì 2 thủ lĩnh này không chỉ nhiệt tình với công tác Đoàn ở địa phương mà còn giỏi làm kinh tế.

Anh Dinh luôn biết sắp xếp thời gian để công tác tốt lại làm vườn hiệu quả.
Anh Dinh luôn biết sắp xếp thời gian để công tác tốt lại làm vườn hiệu quả.

Công tác tốt, làm vườn hay

Đồng hành cùng chúng tôi đến nhà anh Dinh, Phó Bí thư Huyện Đoàn Long Hồ Nguyễn Ngọc Phong giới thiệu: Ít ai được như Dinh, vừa làm tốt phong trào Đoàn vừa làm vườn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm…

Qua phà Đình Khao chưa đầy cây số, anh Phong chỉ vào vườn mai kiểng sung túc và bảo: “Tới nhà rồi”. Xa xa, hàng trăm cây mai lớn nhỏ được tạo dáng mát mắt, khiến tôi không khỏi trầm trồ và nghĩ rằng: chắc chủ vườn giỏi lắm!

Gặp anh Dinh ngoài vườn, tôi ngỏ ý hỏi thăm chuyện làm kinh tế thì anh đồng ý liền. Tay cầm kéo cắt tỉa những nhánh mai xấu, anh cho biết: kiểng mai này phải dưỡng kỹ để qua TP Vĩnh Long bán cho khách trang trí nhà cửa dịp tết.

Dắt chúng tôi tham quan một vòng quanh vườn, anh kể: vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh nghỉ học phụ gia đình. Lúc đầu, anh nhận vét mương, khi thì phụ hái nhãn, chôm chôm để kiếm tiền.

Mong muốn có thêm thu nhập, anh tận dụng đất trống gần nhà trồng thử vài gốc mai kiểng và gửi người chú bán dùm, vậy mà hiệu quả. Từ đó, anh đã tìm ra hướng đi mới thúc đẩy kinh tế gia đình
phát triển.

Theo anh, trồng mai kiểng đòi hỏi phải có đam mê, kiên trì đeo bám. “Mình phải biết cách chăm sóc, tạo dáng và phải xem thời tiết “nóng hay lạnh” để canh mai nở bung đúng dịp tết. Có như thế mai mới bán được giá”- anh nói.

Chính nhờ “bí kíp” trồng kiểng mai ấy, mà anh thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn trồng thêm hoa cẩm tú cầu. Loại hoa ở xứ lạnh này rất khó trồng, vậy mà anh đã “tự học được cách chăm sóc riêng” để hoa nở rất đẹp. Mỗi cái tết, gia đình anh bỏ túi trên 60 triệu đồng từ loại hoa này.

Nghe anh nói chuyện làm vườn say sưa quá, tôi hỏi đùa: “Anh mê làm kinh tế như vậy có ảnh hưởng đến công việc ở cơ quan hay không?” Anh đáp ngay: “Mình phải ưu tiên công việc chứ. Làm vườn giờ nào làm chẳng được”.

Là cán bộ Đoàn, anh luôn xông xáo, tích cực vận động thanh niên chăm lo làm kinh tế. Anh thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia như: sửa chữa đường giao thông, dọn dẹp vệ sinh môi trường, trồng cây...

Địa phương hôm nay ngày càng “thay da đổi thịt” cũng có phần thanh niên góp sức, trong đó có một phần đóng góp của anh.

“Nhiều năm liền Xã Đoàn đạt danh hiệu vững mạnh nhưng cũng vẫn còn không ít thanh niên còn thờ ơ với phong trào tuổi trẻ. Nghĩ tới điều đó, tôi thấy trách nhiệm của mình càng nặng nề hơn…”- anh trăn trở.

Chăm lo kinh tế, nhiệt huyết với phong trào

Anh Ngoan (thứ hai bên trái) luôn tận tình tư vấn, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế.
Anh Ngoan (thứ hai bên trái) luôn tận tình tư vấn, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế.

Chạy dọc theo con đường đá nhỏ vào ấp Tân Biên (xã Tân Thành), hỏi thăm anh Nguyễn Văn Ngoan nhiều người đều gọi anh là cán bộ Đoàn “2 giỏi”. Anh Nguyễn Văn Quốc- Phó Bí thư Xã Đoàn Tân Thành cho hay:

“Hỏi ai chứ Ngoan thì tui rành lắm. Anh kinh doanh giỏi lại năng nổ, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Như con đường đá dài hơn 2km này nè, nhờ có anh ra công vận động mà giờ bà con đi lại thuận lợi hơn”.

Tìm đến cửa hàng vật tư nông nghiệp, chúng tôi gặp anh Ngoan đúng lúc anh tư vấn phân thuốc và cách phòng trừ sâu bệnh cho mấy anh thanh niên địa phương.

Nghe ông chủ trẻ hướng dẫn tỉ mỉ: khi thấy bướm nhiều thì xịt thuốc ngừa sâu đục củ, còn mưa nhiều thì không tưới đạm, trời nắng tưới đọt mới phát triển...

Anh cho biết: Ai cũng có hướng đi riêng nên học xong lớp 12 tôi quyết định ở nhà phụ cha buôn bán vật tư nông nghiệp. Khi thấy người dân địa phương làm nông nhưng chưa am hiểu lắm về phân thuốc cũng như cách “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, tôi quyết định phải làm gì đó giúp nông dân làm ăn hiệu quả hơn.

Thế là anh bắt đầu tham gia các khóa khuyến nông, tìm hiểu về vật tư nông nghiệp, nắm bắt kinh nghiệm của người làm kinh tế hiệu quả về chia sẻ lại với người dân trong xóm. Hơn 10 năm qua, bà con nơi đây ai cũng an tâm khi được anh tư vấn cách bón phân thuốc, phòng trừ sâu bệnh, phân biệt phân bón thật giả...

Ngoài ra, để hỗ trợ thanh niên làm kinh tế anh còn thành lập tổ “Tư vấn vật tư nông nghiệp” với 15 thành viên tham gia. Đến đây, thanh niên cùng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và được hỗ trợ mua “gối đầu” các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà không tính lãi.

“Nhờ vậy mà tụi tui có thêm điều kiện làm nông, yên tâm canh tác. Anh em cũng biết cách bón phân xịt thuốc vào ruộng khoai nhà mình đạt hiệu quả hơn”- anh Nguyễn Văn Mẫn nói. Còn anh Võ Ngọc Gia nhờ anh Ngoan hướng dẫn trồng mít Thái siêu sớm cũng như tư vấn phân thuốc mà thu nhập đạt 150 triệu đồng/năm.

Chính nhờ sự quan tâm của chàng thủ lĩnh ấy mà việc tập hợp thanh niên tham gia vào các hoạt động tuổi trẻ ở địa phương là không quá khó.

Như mới đây, hàng chục đoàn viên và người dân cùng nhau làm cổng rào và đổ đá tuyến đường giao thông ở ấp mà không nề hà nặng nhọc. Ai cũng bảo: Cực mà có ích vì đảm bảo an ninh trật tự trong ấp và thuận lợi cho nhân dân đi lại cả trong mùa mưa.

Thời gian qua, chi đoàn ấp được chọn làm chi đoàn kiểu mẫu. Theo anh Ngoan, khi thanh niên ổn định về kinh tế thì họ sẽ sẵn sàng tham gia các hoạt động.

“Chỉ nhiệt huyết thôi vẫn chưa đủ, cán bộ Đoàn cần phải thường xuyên quan tâm, chia sẻ khó khăn với đoàn viên. Mình phải gương mẫu, cùng làm với anh em. Có như vậy họ mới tin tưởng mà chung sức tham gia các hoạt động xây dựng quê hương”- anh chia sẻ.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ