Ghi chép

Mần chi cũng lắm công phu

Cập nhật, 18:20, Thứ Ba, 28/09/2021 (GMT+7)

Năm rồi, khi trời đang lập đông, khí lạnh tràn khắp nẻo, sáng sớm bước ra khỏi phòng, tay phải vội vơ lấy áo ấm, tôi bước ra sân, len lỏi trong vườn cây để cảm nhận cái lạnh trên những chiếc lá khô hanh. Những chiếc lá già sậm, có cái ngả vàng như chực buông cành để chao theo gió, nền đất dưới chân có dấu nứt nẻ, cỏ già lởm chởm mấy bụi. Một ý nghĩ thoáng qua: “Mình sẽ làm điều nghịch thiên!”

Trong đạo làm người, kẻ nghịch thiên sẽ bị trời phạt. Trong nghề làm vườn, nếu nghịch thiên, biết đâu, được trời đãi! Nghĩ thế, tôi không chắc lắm, nhưng thử coi!

Sau những vụ trúng mùa liên tiếp, bài học tôi rút ra: Nếu ai cũng thuận thiên thì sẽ đụng hàng, giá thấp. Nhưng cái đáng sợ nhất là không có nhân công thu hoạch khi vào vụ, trái cây rụng đầy lăn lóc dưới chân, một bước đi qua, tiếng kêu nghe lộp bộp… xót xa trong lòng. Nghề vườn bây giờ chỉ có những người lớn tuổi từ ngũ tuần cho đến thất thập. Tuổi trẻ thì rời làng mưu sinh sau trận dịch chổi rồng trên cây nhãn, thỉnh thoảng lễ, tết mới về. Có người biền biệt chục năm, khi về tóc pha sương, con cháu trong nhà ngơ ngác hỏi bà rằng ai…

Người ly hương được gọi là có chí tiến thủ, biết tìm cơ hội đổi đời nơi đô thị phồn hoa, cũng biết mang chút đỉnh tiền về xây nhà, mua sắm cho cha mẹ, rồi lại đi…

Có một số trai làng ở lại, không phải vì hiếu thảo, cần cù với ruộng vườn mà là những người thích “du lịch Châu Âu” trên màn hình, chơi gà, số đề và rượu. Đứng sau những người trên là kẻ cho vay nặng lãi. Họ đắm chìm trong thú chơi, một thời gian sau cũng ly hương để trốn nợ. Công an địa phương liên tục nhận báo án. Cứ như thế lớp này đi, lớp kia trỗi dậy. Chỉ còn người già nhìn lên thấy cây cao vời vợi. Đến mùa, vào vụ thu hoạch, sợ nhất là những cuộc gọi lúc 4 giờ sáng, thương lái báo giá, đặt hàng. Chủ vườn bằng mọi cách phải có hàng để giao vào đầu giờ chiều.

Những cuộc gọi kêu nhân công thu hoạch liên tục truyền đi, trả lời: “Em bận hái hàng nhà!” hoặc “Em nhận mối rồi!”… Thì coi như hư chuyện, cứ nhìn cơ hội trôi đi, giá hàng ngày càng giảm dần, trái tiếp tục rụng ngoài vườn.

Nói thuận thiên là nói thuận tiết. Nghịch thiên là nghịch tiết. Nghề vườn nếu theo thuận tiết thì nhẹ nhàng hơn. Chỉ tác động sơ qua ở khâu bón phân, tưới nước, gặp tiết thích hợp cây tự ra bông. Còn nghịch tiết thì khác.

Trong vườn nhà tôi, trồng 2 thứ nhãn- nhãn xuồng vàng và nhãn Ido xen nhau. Trước đây, vườn nhà như một nơi sưu tập cây giống, nghe nơi nào có giống nhãn quý, mới thì không lâu sau trong vườn cũng có. Nhưng rồi, theo chọn lọc, tôi quyết giữ lại 2 giống này.

Nhãn xuồng vàng sẽ ra bông tự nhiên vào tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch khi gió Tây Nam thổi, khí trời ẩm, nóng bức. Người ngồi trong nhà đổ mồ hôi hột, trên đầu cành nhãn lồ lộ đâm bông. Tiết trời hầm hập, thời may có 1- 2 cơn mưa rào thì mặt đất có tuyệt phẩm vàng ươm, đậm hương, tiếng u… u của ong hút mật, ve sầu trỗi nhạc vào hè. Nhà vườn sẽ thu hoạch trái vào tháng 6, tháng 7. Đó là lúc, người người ra vườn, trên đường làng tiếng xe chạy không dứt. Chỉ rầu một nỗi giá cứ rớt dần…

Tôi muốn làm điều nghịch thiên là để lách vụ.

Nhìn lên cành, nhãn chỉ vừa cơi đọt, đang thời ngủ đông. Muốn đánh thức nó phải nhất nước, nhì phân. Những bao phân được giao sau cuộc gọi không lâu. Loại phân đơn thuần túy: đạm, super lân, kali. Tôi không dùng phân hỗn hợp trộn sẵn vì nó đắt, công thức cố định, nhưng được cái tiện, khỏi rối trí khi tính toán tỷ lệ pha trộn.

Qua nhiều năm dùng phân đơn tôi nghiệm ra rằng, dùng 3 bao phối hợp có thể tiết kiệm tiền tương đương 1 bao so với dùng phân hỗn hợp trộn sẵn. Sự thiếu hụt trung- vi lượng trong phân đơn có thể khắc phục thông qua phân bón lá. Vấn đề trên đã được kiểm chứng qua nhiều vụ. Có lợi kinh tế, nhưng hơi phiền về công. Công phối trộn và tính toán công thức, ước tính khối lượng… là một phép tính tam suất rắc rối với nhiều người. Hầu hết các nhà vườn đều chọn giải pháp phân NPK hỗn hợp vì muốn tránh rắc rối này.

Tôi chọn công thức theo tỷ lệ đạm và lân cao, kali thấp để thúc chồi. Thời điểm này nhiệt độ dao động 22- 25 độ C để cây đâm chồi là vấn đề khó, ban đêm khí lạnh và gió làm nước bốc hơi nhanh. Để cấp đủ nước, cần tưới mỗi ngày. Nói chuyện tưới, nhớ thời mới lập vườn, những năm 70 của thế kỷ trước, một gia đình đông nhân công muốn lập vườn chỉ có thể dưới 1ha vì một lẽ: vườn cần tưới nước và làm cỏ.

Thời ông tôi lập vườn trồng chôm chôm xen ổi, cả nhà phải tưới bằng gàu. 4 công vườn, mỗi sáng 2 người tưới khi mặt trời lên khoảng 3 tầm mới xong. Tuy cực, bù lại, nhờ công việc này mà tôi có được cơ bắp và múi đẹp ở tuổi dậy thì. Sau có máy kohler 4 chế làm thùng tưới dắt trong mương. Người tưới, người trầm mình dắt máy chịu ướt lạnh đến móp cả ngón tay, ngón chân…

Bây giờ hiện đại hơn, với hệ thống tưới phun điều khiển từ xa bằng điện thoại, tôi có thể giải quyết chuyện tưới dù đang ở bất cứ đâu. Khi chủ động được nước là đạt được bước đầu thành công của vụ nghịch. Còn chuyện cỏ, đã có máy cắt và hóa chất trừ cỏ… Công việc nhẹ nhàng hơn chục lần so với dao yếm cầm chai cả da tay.

Lộc đông xuất hiện lơ thơ đầu gió… Trời đang vào tiết đông chí. Tiết đông chí năm Canh Tý là 8/11 âm lịch, nhằm 21/12/2020. Khí trời lạnh, mù sương lãng đãng đất trời, trong vườn sương tụ đầy mặt lá, long lanh buổi ban mai.

Khi lá non chuyển già, cả vườn phun qua một lượt phân bón lá MKP- tên gọi đầy đủ là: Mono Potassium Phosphate, với thành phần dinh dưỡng lân 52%, kali 34%. Công dụng của phân này có ưu điểm là cung cấp dinh dưỡng cao, làm cho lá mau già đồng loạt.

Tuần sau là xử lý thuốc và xiết gốc. Thuốc là Kali clorat- KaClo3 loại dùng cho nhãn Ido trộn với Kali muối theo tỷ lệ 1- 4, rải xung quanh gốc rồi tưới đẫm nước trong một tuần, sau đó duy trì giữ ẩm mặt đất.

21 ngày sau xử lý gốc, bón phân theo công thức 20-20-15 để kích thích rễ phát triển, tăng sức đề kháng cho cây.

20 ngày sau bón phân, nhãn nhú mầm hoa, sử dụng Nitrat kali- KNO3 phối hợp GA3-Gibberellin, phun trên và dưới mặt lá để kích thích ra hoa đồng loạt, kéo dài chồi hoa, tăng tỷ lệ đậu trái.

Khoảng 35 ngày sau, nhãn bắt đầu xuống nhụy, 15 ngày sau trái non bằng tăm nhang hình thành. Gió đưa cành nhãn la đà, hương rơi xuống đất, ong sà trên cây… Một không gian ngát hương và tiếng u… u của đàn ong hút mật…

Tính từ khi xử lý cho đến lúc có trái non khoảng 85 ngày, thêm khoảng chừng ấy thời gian nữa là thu hoạch…

Có bông đậu trái là một chuyện, làm cho trái to đẹp, không bị rụng trái trong quá trình phát triển là một vấn đề không giản đơn. Việc dùng phân cân đối, đủ lượng cho một chu kỳ bón là một kinh nghiệm cần đúc kết cho mỗi nhà vườn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: độ cao mực nước, loại đất, sức khỏe của cây nhìn theo màu sắc, chủng loại phân và giá thành…

Một vấn đề không nhỏ nữa là phòng trừ sâu, bệnh trên bông và trái. Thiên tạo có cái hay: Thời điểm cây ra hoa cũng là lúc nhộng hóa bướm, trưởng thành khi hoa xuống nhụy để có mật mà hút, nuôi sống và tái tạo vòng đời. Khi thấy đôi bướm chập chờn, sóng đôi trong vườn nhãn ra bông, đấy là lúc chuyện tình của bướm thăng hoa. Một tuần sau bướm cái đẻ trứng, ấu trùng nở ra sâu và cắn cạp bất cứ thứ gì mà nó gặp phải, cũng là lúc nhãn đậu trái non. Nếu không phòng trừ đúng thời điểm, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách thì nhà vườn thiệt hại không hề nhỏ.

Bệnh hại có loại gây thối nhũn trái là đáng kể hơn cả, không tuân thủ “4 đúng” nói trên, tổn thất có thể lên đến 50%. Bệnh này thường gặp trong những vườn có cành dày đặc, thiếu ánh sáng, vệ sinh vườn kém, thêm cộng hưởng loại ruồi vàng đục trái gây phiền không ít. Các loại thuốc trên thị trường không thiếu, cái cần có là sự đánh giá, phán đoán và hành động như thế nào mà thôi.

Năm nay, tiết thanh minh- năm Tân Sửu là ngày 24/2 âm lịch (4/4/2021), nhãn sớm trái trong vườn bằng đầu đũa ăn. Nhãn mùa nhà hàng xóm đang nở nhụy.

Những trận mưa rào đầu tiên làm cây nhãn vặn mình, oằn theo gió, la đà xuân vũ…

Ngắm thành quả của mình, lòng vui vì bao công sức chăm sóc, thời tiết thuận lợi cho cây sinh trưởng, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Nhưng nỗi lo khác ập đến: dịch COVID-19 ngày càng phức tạp trên toàn cầu. Nông dân thấp thỏm, sợ rằng giá nhãn xuống sâu làm chìm những ước mơ bình dị của mỗi gia đình...

LÊ MINH HÀ