Mù u

Cập nhật, 06:33, Chủ Nhật, 19/09/2021 (GMT+7)

 

Hoa và trái mù u.
Hoa và trái mù u.

1. Không rõ ai đặt tên cho loại cây trái này và tự bao giờ. Nhưng tôi nhớ, lúc còn nhỏ xíu, cùng lũ bạn biết làm món đồ chơi đầu tiên là từ trái mù u. 

Thời chưa có phong trào cải tạo vườn tạp, hầu như vườn nhà nào cũng có mù u. Mù u ở khắp nơi, mọc chen dày cùng sắn, gáo, tre gai, đủng đỉnh... và mấp mé bờ nước, dưới gốc cây thì ô rô, cóc kèn bao quanh. 

Mù u mọc hoang dại chứ chẳng mấy ai trồng. Nó phát tán khắp nơi. Hồi nhỏ mỗi lần theo mẹ đi xuồng, hôm nào tôi cũng vớt được một vốc mù u. Bởi thế nói không ngoa, người ở quê chưa biết gì về đời đã biết mù u. 

Bọn trẻ chúng tôi thích dùng trái mù u để làm hai món: chong chóng và đạn bắn chim.

Làm đạn bắn chim rất đơn giản, có thể dùng đất sét vo viên phơi khô nhưng hay hơn cả là dùng trái mù u. Trẻ con đánh nhau thế nào cũng có trang bị ná và mù u. Bắn trúng đau phải biết. 

Làm chong chóng thì công phu hơn. Lựa trái già, gọt bỏ vỏ, cạy mài nơi đầu cuống trái sẽ có một lỗ tròn bằng đầu đũa ăn. Sau đó dùng đinh ngoái rút ruột bỏ, dùi dưới đít trái một lỗ, hông một lỗ. 

Cánh chong chóng làm bằng vỏ cây mía hoặc cật nứa, gắn vào cọng dừa có quấn chỉ. Chỉ luồn qua lỗ hông trái mù u. Thế là hoàn thành một cái chong chóng. Mỗi lần kéo nghe rè rè vui tai... 

Tuổi thơ nhà quê là thế. Người thị thành mấy ai được biết đến mù u. Có chăng là tưởng tượng qua lời ca của Trần Tiến: 

Bướm vàng đậu trái mù u rồi 

Lấy chồng sớm làm gì 

Để lời ru thêm buồn... 

Cả đời tôi chưa từng thấy bướm vàng đậu trái mù ù bao giờ. Có chăng là bướm bà. Thi nhân nhạc sĩ có khác! 

Bướm thì tôi không rõ nhưng có một loài sinh vật thích đậu trái mù u và làm tổ trên cây: ong. 

Ong có hai loại: ong bần và ong vò vẽ. Ong vò vẽ to, hung dữ và độc hơn ong bần. Ong bần đánh thì đau hơn kiến vàng cắn tí chút, nhưng vò vẽ thì khác, chọc tới ổ, nó chích cho phù đầu, làm sốt. Trâu vô vườn bị ong đánh còn chết, nói chi con người…

Nói thế chứ ong có cái quyến rũ khác mà ai cũng mê. Đó là đốt tổ, bắt nhộng non chiên mỡ, ăn khỏi chê. Làm được chuyện này phải công phu lắm. Trong vườn nhà tôi hồi đó cũng có mấy tổ trên cây mù u... 

Với người ở quê, mù u là một danh mộc. Giống cây này lạ. Nó mọc ở đủ tư thế, gặp những cây lớn chặn đường thì nó né, thậm chí nằm ngang mặt đất. Nhưng nó mọc thẳng đuột thì thành của quý: làm cột nhà. 

2. Những cặp vợ chồng mới cưới, cha mẹ cho ra riêng, điều đầu tiên họ nghĩ đến: cây mù u. Nhà tôi hiện còn một cặp cột loại này. Từ lúc nó trở thành cột đến giờ nó lớn hơn tuổi tôi có đến trăm năm. Khi ông nội tôi ra riêng cùng bà thì bộ cột nhà bằng mù u này đã có.

Sau này, ông tôi cất nhà tường thì bộ cột truyền lại cho cha tôi. Lúc tôi có mảnh đất nho nhỏ, má tôi cũng đã cất nhà mới nên cho tôi hai cột cái để làm nhà.

Nhìn nó rắn chắc, tuy có vài lỗ mọt trứng. Trên thân còn lại một hai cây đinh to để mắc võng. Nhổ mãi không ra. Nhớ người ta hay nói: “Chắc như đinh đóng cột”. Mà phải cột mù u thì mới khỏi nhổ!

Gỗ mù u còn làm mặt bàn, tủ, ghế. Tôi nhớ ông tôi có mấy mươi ghế đẩu bằng mù u, hàng xóm hay mượn để bày đám cưới, đám giỗ.

Hồi đó, ở quê dân cư thưa thớt. Nhà này cách nhà kia mấy lần hú. Vì vậy, để phòng trộm cướp và bảo vệ cho nhau, làng quy định mỗi nhà phải có một mõ mù u. Nhà ông tôi cũng có một mõ. Mõ là khúc gỗ mù u dài sáu tấc, đường kính khoảng gang tay. Dùng đục khoét rỗng ruột và để bít ở hai đầu.

Khi có chuyện, mõ được đánh lên… Mỗi lần nghe hiệu lệnh, trai làng lập tức lấy gậy gộc tập trung vây bắt trộm cướp.

Thân làm cột, làm mõ, thớt… nhưng nhánh cũng hữu dụng. Với đặc tính dai, chắc, không nứt nên người ta dùng làm cán leng vít đất, cán dao. 

Có hai việc mà bà tôi hay làm: dùng trái mù u để trị nhọt, trị bỏng và làm đèn bằng mù u. Cách làm thuốc thì tôi không rành. Còn làm đèn thì tôi biết. 

Cứ cuối đông, đầu xuân thì mù u ra hoa trắng xóa. Trái lớn trong ba tháng xuân. Đầu hè trái rụng. Cứ thế bà tôi mang rổ, thúng đi lượm trái mù u. 

Bà già lượm trái mù u 

Bỏ quên ống ngoái chổng khu la làng... 

Tưởng chỉ là câu hát dân gian nhưng có thật. Bà tôi biết ăn trầu từ thời con gái. Bởi bà thường phải têm trầu cho cụ cố tôi. Thử riết rồi ghiền. Thời đó, hầu như nhà khá giả chút ít là có vườn trầu.

Hồi ông đi hỏi bà, được tin, bà chạy trốn. Vườn trầu nào cũng có khai mương, bà nhảy qua mương hai thước, mười cái như thế. Chân dài có khác! 

Bà tôi có một món bà quý như báu vật: ống ngoáy trầu. Nó đẹp lắm, vàng óng. Khách đến chơi nhà, mỗi lúc thấy bà tôi ngoáy trầu thì mắt cứ trố lên nhìn.

Người ta nghĩ nó bằng vàng. Mà nếu bằng vàng thì khoảng ba lượng chứ ít sao. Chìa ngoáy có nút bằng sừng bóng dợn.

Mỗi lần có ai hỏi, bà tôi bảo không phải bằng vàng. Họ không tin, câu chuyện về cái ống ngoáy của bà lan xa nhiều người biết. 

Hồi đó tôi chưa biết giá trị của vàng, nhưng tôi biết cái ống ngoái trầu của bà tôi rất đẹp. Nó bóng đến nổi soi cả mặt người còn rõ. 

Bà tôi nói có thể nhịn đói chứ không thể nhịn trầu được. Mỗi lần têm trầu và ngoáy xong, bà từ tốn đưa vào miệng nhai.

Lát sau, màu nước đỏ ối rỉ ra bên miệng, bà “dọn” lại bằng một cục thuốc xỉa Cao Lãnh. Động tác kế tiếp là dùng khăn lau sạch mặt trong ống ngoái, vắt chân trái lên bộ ngựa gõ, gang bàn chân hướng ra ngoài, lấy ống ngoái chà lên gang bàn chân.

Cứ thế bao giờ lên nước bóng mới thôi. Đôi khi tôi tự hỏi có phải động tác ấy bây giờ người ta gọi là liệu pháp mát xa bàn chân hay không. Bà tôi mất ở tuổi chín hai, nhưng khi còn sống tay chân nhanh nhẹn và khéo vô cùng. 

Mỗi lần đi lượm mù u, tất nhiên bà cũng không rời ống ngoái trầu. Có bận bà để nó xuống đất nơi gốc cây.

Cứ mãi lượm, gió trưa hè đưa lá trúc vàng, lá cồng, mù u bay đầy lên báu vật. Khi cơn thèm trầu đến, tìm mãi không ra, bà thét kêu cháu nội, cháu ngoại đến quét sạch đám lá vun thành đống để tìm. May phước...rồi cơn thèm đi qua. Từ đó áo bà lúc nào cũng có cây kim tây gài túi. 

Mù u trái phơi cho khô vỏ. Giai đoạn kế tiếp là việc của bọn trẻ: đập vỏ trái mù u. Chuyện này đơn giản không cần khéo tay, lũ trẻ chúng tôi làm được. 

Ruột trái được tách ra cho vào cối đá quết nhuyễn, sau đó cho bông gòn vào, loại gòn dồn gối ở quê nhà nào cũng có. Mùa hè, gòn chín khô nứt vỏ bay đầy như bông tuyết...

Quết xong, dùng nan tre dài khoảng bốn tấc, to cỡ đũa ăn vấn hỗn hợp kia lên và trải ra nia phơi khô. Sau đó, giắt vào ống tre như đũa. 

Cứ thế, khi trời đã tối hẳn thì đèn mù u được thắp sáng- có người gọi là rọi. Ánh sáng vàng đẹp hơn ngọn đèn dầu hôi, tỏa mùi thơm dễ chịu. Những khuôn mặt dưới ánh đèn lung linh, tiếng học bài con trẻ, câu chuyện cổ tích, lời huấn đạo của ông bà cũng được pha trong hương dầu mù u... 

Ông bà tôi là một kho cổ tích. Những câu chuyện đời xưa chứa đầy nhân nghĩa. Lúc ông kể, bà têm trầu thỉnh thoảng đệm vào nhắc cho ông. Khi bà kể thì ông vấn thuốc.

Thường thuốc hút còn hơn lóng tay, ông dụi tắt, sau đó đem dán lên cột hàng hai bằng gỗ mù u đầy lỗ kim quýt, trông giống như dế đeo cột nhà. Ông bảo phòng khi đứt tay, nhỡ khi hết thuốc, chợ thì xa... Một thói quen chừa hậu!

Tôi có người anh cô cậu bằng tuổi. Ở tuổi mười sáu, mười bảy cũng thường hóng chuyện bà kể. Khi thấy chúng tôi chớm giò, ria mép lún phún, tiếng thì bể, bà nói:

Trồng trầu thì phải khai mương

Làm trai hai vợ phải thương cho đồng 

Nhưng câu này thì thường nghe nhất: 

Dạy con từ thuở còn thơ

Dạy vợ từ thuở ban sơ mới về... 

Lúc ấy, tôi chưa hiểu cho lắm. Nhưng ông anh tôi có lẽ sâu sắc hơn mới sinh chuyện. 

Ngày ông anh lấy vợ, tôi làm phù rể. Vợ anh ta là em gái người bạn tôi thời tiểu học. Ngày rước dâu về thật vui, hai họ là dân cùng làng nên càng ra vẻ thân thiết lắm. Người ta bịn rịn lúc chia tay, nhà trai tiễn nhà gái tận ngõ. Tôi cũng lẽo đẽo theo vì mấy cô phù dâu xinh đẹp. 

Người cuối cùng chưa kịp quay lưng thì bỗng nghe tiếng thét lớn... Cô dâu từ trong buồng vẫn nguyên đồ cưới chạy ra khỏi nhà vừa nức nở vừa kêu: “Má ơi! Dì Năm ơi…!

Tất cả quay lại. Đàng gái cũng kịp tập hợp như mới đến. 

- Cái gì vậy con? 

- Ảnh đánh con!

Tiếng khóc hay tiếng gào tôi không rõ nữa. Chỉ kịp nhìn thấy trên gương mặt chưa kịp tẩy trang của cô dâu in hằn cả bàn tay với các ngón dài, ngón vắn. Phân trần, đôi co, năn nỉ... nhưng cuối cùng nhà gái kiên quyết bắt cô dâu xuống thuyền về nhà cha mẹ. Tiệc tan mà người chẳng chịu tan. Tiếng máy nổ của thuyền hoa đưa dâu xa dần...

Nhà trai triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Tôi cũng có mặt. Ông anh tôi buộc phải trình bày lại chi tiết. 

Cô dâu có lỗi gì trong ngày cưới ? Không! Tát cảnh cáo đấy! 

Trời ạ! Ông dạy vợ từ lúc “ ban sơ mới về”! 

Hiểu ra, cánh đàn ông vỗ đùi đến đau. Đàn bà thở dài ngơ ngẩn. Mất hai tiếng đồng hồ để bàn sách lược. 

Chạng vạng tối, tôi cùng ông anh, quần áo chỉnh tề, cùng lễ vật tạ lỗi, lội bộ mười hai cây số cả đi lẫn về để giải thích cho nhà gái về cái tát. 

Gần bốn mươi năm trôi qua, bây giờ nhớ lại, hôm đó tôi say lắm. Lúc về, đêm sắp sang ngày mới…

Mù u, ánh đèn mù u sao nhiều kỷ niệm trong đời người. Có một dạo thế giới khủng hoảng giá dầu. Nghe báo chí nói rùm là người ta đang nghiên cứu tìm năng lượng thay thế. 

Tôi nghĩ bụng, bà tôi đi trước thời đại mấy mươi năm...

Bài, ảnh: LÊ MINH HÀ