Rặng bần sông quê

Cập nhật, 14:34, Thứ Hai, 12/07/2021 (GMT+7)

 

Trái bần gắn liền với ký ức tuổi thơ trẻ con miền sông nước.
Trái bần gắn liền với ký ức tuổi thơ trẻ con miền sông nước.

Mấy đứa nhỏ tíu tít bơi xuồng ra sông. Né đống chà dụ cá với mấy cái đăng cha đặt từ sớm bửng. Đứng trên xuồng với tay hái trái bần, những trái cao quá thì đành nhảy ùm xuống sông, leo lên cây hái trái rồi từ trên cao, ngó nghiêng trời đất. Người lớn nói với nhau “Chỉ cần với tay chạm đóa hoa bần, là đã với tay chạm mặt quê hương”. Mấy đứa nhỏ lẩm bẩm theo nhưng làm sao hiểu. Cho đến khi lớn khôn… rời xa mấy rặng bần.

Ở miền Tây Nam Bộ, bần mọc thành rặng, đan xen với dừa nước và các loại dây leo. Rặng bần cao lớn, uốn quanh theo mé sông trước nhà, ở cù lao, ở vàm sông. Ít có loài cây nào có sức sống mãnh liệt, kỳ diệu như cây bần. Rễ bần lan tỏa chằng chịt, bám chặt, sâu vào tầng tầng lớp lớp phù sa. Nước lớn, ngập cỡ nào thì bần vẫn tươi xanh. Nước chảy xiết cỡ nào, bần đứng sát bên nhau, dang tay rộng giữ bờ, chống xói lở. Cũng giống như những con người của đất này, vượt lên đạn bom, vượt lên giông bão, rặng bần như có một sức mạnh vô tận trong đất.

Những trưa hè oi ả, tụi con nít hay trèo lên cây bần bắt tổ chim dòng dọc rồi nhảy ùm xuống sông chơi trò ném sình vào nhau hay trốn tìm. Đêm đến thì tụi nhỏ canh bắt đom đóm. Đom đóm thắp đèn, rặng bần như mở hội hoa đăng. Bần gắn chặt với đời sống sông nước, hồn nhiên đi vào ca dao vào bài đồng dao ngộ nghĩnh của trẻ thơ: “Khoanh tay lo nghèo/ Là trái bần ổi/ Sông sâu chẳng lội/ Là trái mãng cầu…”.

Mùa mưa đến là mùa bông bần nở. Lúc còn búp, bông tim tím, đến khi bung nở thì trắng tinh một màu. Bà ngoại có “món tủ” là gỏi bông bần. Bữa thì trộn với thịt gà vườn, còn bữa nào rượt gà đẫm mồ hôi mà không bắt được gà thì trộn gỏi chỉ toàn là bông nhưng vẫn ngon “bá chấy”. Bần có 2 loại mà dân mình quen gọi là bần dĩa và bần ổi. Bần dĩa trái to tròn như cái dĩa. Còn bần ổi thì được con người trồng ở gần nhà cho tiện hái trái ăn theo mùa, quả nhỏ hơn trái bần dĩa nhiều lần. Con nít thì khoái ăn bần “dốt dốt” vừa chín tới. Trái bần xanh xẻ ra, chấm muối ớt vị chua chua chát chát, mùi hăng hắc càng thấm hơn khi ngồi dưới gốc bần nhìn lên khoảng trời xanh ngắt. Còn mấy ông chú trong xóm thì có mồi nhậu là mắm sặt với bần chua. Trái bần không quá chín, vừa chua tới, ăn vừa giòn vừa bùi. Những hạt bần va chạm với răng ngấu nghiến, pha lẫn vị chát của hạt làm cho con mắm sặt có sức quyến rũ lạ thường.

Dân quê hay lấy bần chín nấu canh chua thay cho me, tắc. Canh chua bần phải nấu với cá tra bần thì mới đúng điệu. Cá tra bần sống dưới những rặng bần xanh, chúng chuyên ăn trái bần chín rụng xuống nên thịt vừa chắc vừa thơm. Canh nấu chung với một số loài rau nhà quê như bông súng, bông điên điển, bông lục bình. Món canh có một không hai bởi hương bần chín nồng nàn, cái vị bần chua đậm đà, ai từng thưởng thức món canh chua trái bần, dù chỉ một lần cũng khó mà quên.

Bần chấm muối ớt “càng ăn càng ghiền”.
Bần chấm muối ớt “càng ăn càng ghiền”.

Mùa bần chín, trái rụng xuống theo con nước lớn ròng. Khi chu du dọc bờ sông theo con nước, nó nằm lại trên nền phù sa non, hạt nảy mầm và mọc thành cây, vươn lên cùng bãi bồi rộng mở. Cứ thế, bần mọc thành rừng, nối tiếp nhau từ đời này qua đời khác, kiên gan giữ đất, níu hạt phù sa cho vườn cây ngọt ngào trái chín. Nếu không có tấm lưng trần của rặng bần che chắn sóng thì làm sao có phù sa miệt vườn, miệt ruộng biếc xanh màu bình yên. Ngày nay, người ta còn chế biến cả kẹo bần, mứt bần, bột bần khô để xuất khẩu. Các món ăn đồng quê từ bần còn được đưa vào các nhà hàng để thực khách gần xa thưởng thức.

Ngoại vẫn nhắc nhở chúng tôi dù có đi đâu cũng nên nhớ về quê hương nguồn cội, những thứ tưởng như vô hình mà lại luôn hiển hiện. Trái bần- cái tên sao nghe “nghèo” quá mà lại “giàu có” vô cùng. Loài cây trái dung dị mà đầy ắp tình xứ sở. “Chỉ cần với tay chạm đóa hoa bần, là đã với tay chạm mặt quê hương”. Như bà ngoại từng nói, nếu không còn thấy mấy rặng bần nữa, thì quê nhà buồn biết bao nhiêu!

™Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ