"Sắc mộc" tủ thờ Gò Công

Cập nhật, 14:08, Thứ Ba, 14/02/2017 (GMT+7)

 

Anh Ngô Tấn Lộc bên bộ bàn ghế bằng gỗ ghiến, cũng đã nổi nu rất hiếm thấy.
Anh Ngô Tấn Lộc bên bộ bàn ghế bằng gỗ nghiến, cũng đã nổi nu rất hiếm thấy.

 

Làng nghề tủ thờ Gò Công (Tiền Giang) đã có hơn trăm tuổi, lớp hậu thế đã cải tiến nhiều đường nét mỹ thuật vào chạm khắc và cẩn khảm, cũng như ứng dụng nhiều kỹ thuật từ máy móc; nhưng “sắc mộc” của một tủ thờ Gò Công thì vẫn giữ nguyên hồn cốt của cái thuở ban đầu, mà những ông tổ của làng nghề này tác tạo nên những chiếc tủ thờ đầu tiên.

Điều này làm cho những sản phẩm, tác phẩm làng mộc Gò Công, dù có được “gả bán” đi tận xứ nào cũng không thể lẫn vào đâu được.

Làng nghề trăm năm tuổi

Cho đến nay, vẫn còn nhiều cách kể về những người đầu tiên đã khai sinh nên làng nghề mộc ở ấp Ông Non (xã Tân Trung, TX Gò Công- Tiền Giang).

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng ở miền Tây này, nếu nói đến tủ thờ thì chỉ có 2 nơi là được khẳng định thương hiệu trăm năm của mình, đó là làng mộc Gò Công và làng mộc chợ Thủ (huyện Chợ Mới- An Giang).

Vùng đất Gò Công, riêng về mặt địa lý là cả một đề tài thú vị, vì thế nơi đây gắn liền với nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử đặc biệt của vùng đất Nam Bộ, như: Trương Công Định, Võ Tánh,… rồi Quốc công Phạm Đăng Hưng (ông ngoại vua Tự Đức), Hoàng Thái hậu Từ Dũ, Nam Phương Hoàng hậu. Nên có thể gọi là “địa linh, nhân kiệt” và quê hương của những bậc mẫu nghi thiên hạ.

Theo cảm nhận riêng, tôi thấy rằng nếu tủ thờ chợ Thủ thiên về đường nét, hoa văn mềm mại, thanh thoát, nhẹ nhàng; thì tủ thờ Gò Công thể hiện rõ sự vững chãi, uy nghiêm, bề thế, đặc biệt là kỹ thuật phân bổ các trụ không theo 4 góc tủ như truyền thống, mà nâng lên thành năm góc với 9 trụ, 11 trụ... 19 trụ, 29 trụ.

Mặt tiền của tủ thờ Gò Công được chia thành 2 phần, chính giữa là những trụ đỡ nên những chiếc tủ để đời đóng bằng danh mộc rất chắc chắn. Kỹ thuật kết nối tinh xảo bằng ngàm, mộng, chốt gỗ, mà hoàn toàn không sử dụng các loại đinh, sắt thép.

Nếu kỹ thuật lắp ráp mộc theo truyền thống làm nên cái cốt, thì tinh hoa của nghệ thuật chạm, cẩn xà cừ đã làm nên hồn vía của những “tác phẩm” tủ thờ Gò Công tuyệt hảo.

Sau những năm tuột dốc thê thảm của thời những năm 1980, thợ giỏi làng nghề quảy giỏ đồ nghề cầu thực tứ tán xuống tận miệt Cà Mau. Đến những năm 1995, nghề được phục hồi, ngày nay thì càng trở nên thịnh vượng do nhu cầu ngày càng cao, song nguồn gỗ quý thì ngày càng trở nên khan hiếm.

Ba Đức-danh trấn làng nghề

Về làng nghề tủ thờ Gò Công ở ấp Ông Non, hình ảnh nổi bật đầu tiên là những cơ sở mộc Ba Đức 1, Ba Đức 2... cho đến Ba Đức 9, hiện diện đều khắp.

Đó là tên tuổi của ông Ba Đức (Ngô Tấn Đức), mà theo ông thì “tuổi thiệt của tui là 79”, với trên nửa thế kỷ cầm cưa, cầm bào, cầm đục.

Ông gắn với nghề này từ cái “duyên ngang hông, ngoại tộc” chớ không phải chính tông chân truyền của ông tổ làng nghề này.

Nhưng để bắt đầu câu chuyện, ông đề nghị chúng tôi bước lên nhà trên- nơi thường ngày trẻ con, phụ nữ không được léo hánh lên- để thắp nhang bàn thờ tổ tiên ông bà. Với ông, đó là phong tục, lễ nghi truyền thống, hơn thế đó còn là cái đạo của người có được cơ duyên gìn giữ cái nghề đóng tủ thờ của tổ nghiệp Gò Công.

Ông Ba Đức bên cái tủ thờ trong gia đình trị giá khoảng 350 triệu đồng, bằng gỗ mun đã nổi nu tạo vân rất đẹp.
Ông Ba Đức bên cái tủ thờ trong gia đình trị giá khoảng 350 triệu đồng, bằng gỗ mun đã nổi nu tạo vân rất đẹp.

Ông Cả Non (Nguyễn Văn Non) được xem là một trong những người đầu tiên khai sinh làng nghề, còn vợ ông Ba Đức- bà Nguyễn Thị Nhàn là cháu đời thứ tư. Là người cùng xã, nhưng gia đình nghèo khó, Ba Đức đến làm công, học nghề và được thương quý như con cái trong nhà, rồi bén duyên và được “gả con gái bắt rể”.

Đến giờ, ông Ba Đức chính là người giữ gìn, làm rạng danh cho gia tộc. Hơn thế, Ba Đức là một trong những người lớp sau, đã nâng tầm “danh thơm” tủ thờ Gò Công với những tác phẩm kỷ lục để đời, từ những cải biến, sáng tạo thêm về kỹ thuật và nghệ thuật độc đáo, phù hợp với thời nay.

Người thợ tài hoa Ba Đức giờ đây được xem là “cây cao, bóng cả” của làng nghề, khi nhiều người thợ cao niên đã khuất, giờ đa phần là những người trẻ, thuộc lớp con, cháu của ông Ba Đức nối nghiệp, giữ nghề.

Tất cả các tủ thờ Gò Công đều được đóng bằng danh mộc như: cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương, căm xe, bằng lăng,... với nhiều giá cả phù hợp túi tiền của mọi tầng lớp. Những chiếc tủ bằng căm xe, chạm khắc tinh xảo nhưng cũng chỉ có giá 14 triệu đồng, đến các loại tầm trung bình khoảng 30 triệu đến trên dưới 50 triệu đồng.

Nhưng, ông Ba Đức cũng đã đóng những chiếc tủ thờ vài ba trăm triệu đến trên 500 triệu đồng. Riêng cái tủ thờ đóng theo sự đặt hàng của một người bạn, mà ông coi như em gái ở Củ Chi, có giá lên đến 750 triệu đồng.

Ba Đức chân tình chia sẻ: “Ký hợp đồng với người ta, nhận cọc 30%, dù là chỗ thân quen nhưng cũng run tay, mất ăn, mất ngủ. Tui với thằng con đeo sát theo đám thợ suốt hơn 2 tháng trời, sợ đóng xong mà người ta hổng nhận là tiêu luôn”. Đó là chiếc tủ thờ có đến 30 trụ, được trang trí 4 mặt, cẩn xà cừ loại cao cấp giá cả trăm triệu đồng/kg.

Người con thứ bảy của ông Ba Đức là anh Ngô Tấn Lộc (46 tuổi) cho biết: “Cái để phân biệt tủ thờ Gò Công với các nơi khác là “sắc mộc”.

Người thợ phải học nghề ở đây mới có thể đóng ra được tủ thờ chính gốc Gò Công, đó chính là niềm tự hào của làng nghề. Nhưng ở đây hoàn toàn không giấu nghề, có bao nhiêu dạy hết. Hồi trước, người học nghề thí công phải mang gạo tới, còn bây giờ người học nghề còn được bao ăn, ở. Học khoảng từ một năm đến vài ba năm là lành nghề rồi”.

Tủ thờ là một phần quan trọng nhất trong ngôi nhà truyền thống người Việt Nam; đặc biệt, đối với người Nam Bộ vốn từ buổi đầu rời quê tha hương thì bàn thờ lại càng quan trọng trong đời sống tình cảm, tâm linh.

Đến nơi chốn mới, lập bàn thờ cúng bái hằng tưởng về cội nguồn, xem như là sự hiện diện của tổ tiên, ông bà và mặc nhiên vùng đất mới đã trở thành quê hương mới. Bàn thờ của người Việt Nam chính là sức mạnh cội nguồn, sợi dây liên kết nhiều thế hệ đi từ quá khứ đến tương lai.

 

Làng nghề hiện có khoảng trên 180 hộ sản xuất, kinh doanh với hàng ngàn nhân công lao động. Riêng ở cơ sở ông Ba Đức đã có khoảng trên 200 nhân công. Trong những năm gần đây, tủ thờ Ba Đức còn xuất đi hàng trăm sản phẩm đi các nước: Mỹ, Pháp, Canada, Úc,... chủ yếu cung cấp cho bà con Việt kiều bên đó. Đáng mừng là nhu cầu này ngày càng nhiều hơn.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG