Ngư dân Gò Công ra khơi đầu năm

Cập nhật, 14:06, Thứ Tư, 08/02/2017 (GMT+7)

Không khí chộn rộn của những ngày xuân đã dần đi qua, gác lại những cuộc vui, mọi người lại bắt đầu một năm mới với những công việc thường nhật. Cũng như mọi năm, khi vừa ăn tết xong, ngư dân Gò Công lại bắt đầu ra khơi trong tâm thế hân hoan và sự kỳ vọng vào những mẻ lưới bội thu.

Vận chuyển nước đá xuống hầm để ướp hải sản.
Vận chuyển nước đá xuống hầm để ướp hải sản.

Ngay từ những ngày trước tết, các khâu chuẩn bị nguyên vật liệu cho chuyến biển đầu năm đã được bà con ngư dân Gò Công tất bật thực hiện. Các con tàu bắt đầu lấy nước đá vận chuyển xuống hầm, hàng hóa, thực phẩm các loại được chuyển vào khoang chứa. Tại các khu neo đậu ghe tàu, khung cảnh vận chuyển hàng hóa xuống tàu diễn ra hết sức nhộn nhịp.

Hàng hóa được tập kết trước mui tàu, tiếp đó mấy anh em ngư dân khẩn trương mang vác các thứ lên tàu. Hàng hóa chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày gồm: Gạo, dầu ăn, nước mắm, nước tương, muối, mì gói… lần lượt được chuyển xuống các “mái nhà trôi”.

Mấy anh em ngư dân với bộ quần áo bạc màu quen thuộc hối hả bưng bê, những khuôn mặt rám nắng, dạn dày sương gió lấm tấm giọt mồ hôi.

Năm nay, ngư dân vùng biển Gò Công chọn các ngày từ mùng 6 đến mùng 9 tháng Giêng âm lịch để khởi hành chuyến biển đầu năm.

Anh Đỗ Thanh Tùng (thị trấn Vàm Láng) chủ tàu Bình Minh cho biết: “Để phục vụ cho chuyến ra khơi đầu năm, tôi đã chuẩn bị 10.000 lít dầu, 1.000 cây nước đá, 600 kg gạo và nhiều hàng hóa khác. Trong ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch, tàu của chúng tôi sẽ bắt đầu xuất bến”.

Hàng hóa được chuyền tay nhau chuyển xuống tàu.
Hàng hóa được chuyền tay nhau chuyển xuống tàu.

Theo lời kể, chúng tôi tìm đến nơi neo đậu của đội tàu lưới kéo Chí Tâm, đây là đội tàu mà theo nhiều người là đánh bắt đạt hiệu quả bậc nhất của thị trấn Vàm Láng. Đội tàu có khoảng 15 chiếc đánh bắt hải sản xa bờ ở ngư trường Nam Côn Sơn.

Ông Võ Văn Trúc (ấp Xóm Lưới, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) cho biết: “Đội tàu của chúng tôi đều là anh em họ hàng, luôn tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn khi mưu sinh nơi đầu sóng ngọn gió.

Đến đời tôi là gia đình đã 3 đời theo nghiệp biển, các con tôi cũng đang tiếp nối cái nghiệp mà ông cha để lại. Trong năm vừa qua, trừ tất cả chi phí, 2 chiếc tàu của tôi thu về lợi nhuận khoảng 800 triệu đồng”.

Được biết, trong chuyến biển cuối năm vừa qua, các tàu về nghỉ tết sớm hơn so với mọi năm. Một số tàu đã về bờ ngay từ cuối tháng 11 âm lịch.

Một số ngư dân cho biết, vào những tháng cuối năm, áp thấp nhiệt đới, bão liên tục xuất hiện khiến cho hoạt động đánh bắt bị đình trệ. Một số mẻ lưới đánh bắt lỗ cả tiền dầu. Chính vì thế, họ quyết định vào bờ sớm để chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm mới.

Một nguyên nhân nữa khiến cho hoạt động đánh bắt kém vui chính là giá cả hải sản luôn nằm ở mức thấp, từ đó làm cho nguồn thu sau những chuyến biển giảm sút.

Anh Đỗ Thanh Tùng trải lòng: “Cuối năm vừa qua, thời tiết không thuận lợi, sóng to, gió hơn nên đánh bắt rất thất thường.

Thêm vào đó, giá cả hải sản không như mong muốn, phương pháp đánh bắt của chúng tôi hải sản thu được chủ yếu là mực và ghẹ. Có lúc, ghẹ tuột giá xuống chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg, thấp hơn hẳn so với những năm trước”.

Gác đi những chuyến biển không như mong muốn, ngư dân vùng Gò Công lại chuẩn bị cho một chuyến biển mới với kỳ vọng sẽ được mùa bội thu.

Bởi đối với họ, thuyền là nhà, biển đảo là quê hương, gắn bó với biển như một cái nghiệp khó có thể tách rời.

Anh Nguyễn Văn Trung (thị trấn Vàm Láng) bày tỏ: “Hy vọng trong năm mới tàu chúng tôi sẽ đánh bắt đạt hiệu quả, giá cả hải sản được như mong muốn để ngư dân chúng tôi yên tâm bám biển”.

Con nước lớn mấp mé nơi neo đậu ghe tàu, tiếng máy nổ vang trời, tiếng còi liên tục vang lên báo hiệu giây phút khởi hành chuyến ra khơi đầu năm.

Các ngư dân trên tàu rời bến trong tâm thế mới, niềm tin mới - niềm tin vào những mẻ lưới bội thu. Họ luôn ý thức được rằng, người thân và gia đình họ vẫn luôn dõi theo, mong đợi họ về trên những con tàu đầy ắp cá tôm, từ đó các chuyến biển sẽ thật sự trở thành những mùa vui.

Theo Báo Ấp Bắc