Du xuân cuối biển Tây

Cập nhật, 11:06, Thứ Bảy, 11/02/2017 (GMT+7)

Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, nằm cận vịnh Thái Lan, thuộc tỉnh Kiên Giang. Phú Quốc ngày nay còn có thêm mỹ danh là “Đảo Ngọc” bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, tài nguyên phong phú, đa dạng…

Vượt biển Tây đến Đảo Ngọc

Chúng tôi xuống tàu tuyến Hà Tiên - Phú Quốc. Thành phố Hà Tiên với núi Bình San, nhà phố lô nhô mờ xa. Núi Pháo Đài, Đại Tô Châu, Mũi Nai dần khuất sau những con sóng bạc giữa màu xanh bao la của biển Tây…

Con tàu lướt phăm phăm trên mặt biển với vận tốc 30 hải lý/giờ  mang theo gần 300 hành khách với hơn 20 xe tải lớn nhỏ, chừng 100 xe máy và hàng hóa.

Đứng bên boong tàu phóng mắt nhìn ra phía biển bao la với những hòn đảo lớn nhỏ, đẹp như trong tranh thủy mặc… Kiên Giang là tỉnh có vùng biển với hơn 105 hòn đảo. Một Hạ Long thu nhỏ của phương Nam.

Sau 3 giờ hải hành, tàu cập cảng Bãi Thơm. Chúng tôi lên xe, vượt con đường đất đỏ gập ghềnh gần 10km, hai bên là rừng nguyên sinh rậm rạp, thỉnh thoảng có những con suối nước trong leo lẻo cắt ngang, cảnh vật hoang sơ tĩnh lặng, giống như những con đường xuyên rừng qua dãy Trường Sơn ở Bắc Tây Nguyên. Chúng tôi về Dương Đông, thủ phủ của huyện đảo Phú Quốc.

Niềm vui của du khách khi được trải nghiệm giữa thiên nhiên
Niềm vui của du khách khi được trải nghiệm giữa thiên nhiên

Chợ Dương Đông nhộn nhịp, đông vui, trên bến dưới thuyền. Ở đây, bạn có thể mua bất cứ thứ gì mà trong đất liền có, giá cả cũng phải chăng…

Để cơ  động trong hành trình xâm nhập thực tế hòn đảo xinh đẹp và giàu có này, chúng tôi đã thuê xe máy với giá 150.000 đồng/ngày.

Từ thị trấn Dương Đông thủ phủ của huyện đảo Phú Quốc, men theo con đường chạy cặp biển Tây đi dần về phía Nam của đảo, thiên nhiên ở đây hãy còn hoang sơ.

Khu vực này có một trại nuôi ngọc trai khá quy mô của Úc, vốn đầu tư lên đến hàng chục triệu USD. Du khách sẽ được thấy thao tác lấy ngọc từ những con trai còn sống qua bàn tay khéo léo của nhân viên kỹ thuật. Các sản phẩm “thượng vàng hạ cám” có giá từ 400.000 đồng đến trên 1 tỷ đồng, đẹp và sang trọng.

Cuối con đường cặp biển gần tới thị trấn An Thới, có một con đường rẽ lên nối với con đường trục chạy xuyên từ phía Nam lên tận Bắc đảo.

Chúng tôi đi về phía Đông và ghé Bãi Sao. Bãi Sao là một trong những bãi biển đẹp nhất Phú Quốc với cảnh quan còn khá hoang sơ.

Cát ở Bãi Sao trắng mịn, nước biển trong xanh. Dọc theo bờ biển là những hàng dừa trái oằn sai. Tắm biển xong du khách có thể lên bờ vui thú ẩm thực với hải sản tươi sống như mực nướng, ghẹ nướng, cua biển luộc nước dừa, tôm sú nướng, lẩu cá...

“Sói lửa” hay khuyển vương

Một “đặc sản” góp phần cho sự nổi tiếng của Phú Quốc - ấy là chó! Chó Phú Quốc là một giống chó quý hiếm, gắn liền với truyền thuyết về loài “Khuyển vương” xa xưa trên đất đảo. 

Ông Hai Suôl, một lão nông tri điền ở xã Bãi Thơm, nhấp ly rượu nếp thơm kể về loài “sói lửa” được cho là tổ tiên của giống chó xoáy Phú Quốc ngày nay. “Sói lửa” xuất hiện có đến hàng trăm năm trên đảo.

Ngày xưa, lúc trà dư tửu hậu các cụ thường kể cho con cháu nghe về câu chuyện rất ly kỳ của chó xoáy. Vào một ngày xa xưa, trong đêm dông bão, biển động dữ dội, bất chợt từ trên không trung, một con rồng đực rơi lạc vào vùng biển Phú Quốc.

Con rồng ấy gặp con tiểu kỳ lân vốn ngụ cư trên đảo. Như duyên tiền định, hai con vật huyền thoại đã chung sống như vợ chồng.

Rồng trốn ở lại đảo, không về trời. Khi rồng bị các thiên binh, thiên tướng áp giải trở về thiên đình, tiểu kỳ lân ở lại có thai rồi sinh ra giống chó xoáy, lông vằn, chân có màng như chân vịt, bơi lội và săn bắt mồi rất tài tình!

Có giai thoại khác kể rằng, chó xoáy Phú Quốc được một đám hải tặc châu Âu nuôi trên tàu nên chúng rất thích nghi với sóng nước, biển cả.

Chúng có nguồn gốc được sinh ra trên một hoang đảo ở Ấn Độ Dương. Trong một lần đi đánh tàu buôn trên biển, gặp dông bão, hải tặc tấp vào Phú Quốc. Bầy chó xoáy sổng chuồng, lẫn vào rừng, từ đó, chó xoáy bắt đầu sinh sôi nảy nở, lan tràn trên đảo.

Người Thái Lan đã có lúc khăng khăng, mạo nhận rằng chó Phú Quốc có nguồn gốc từ  Xiêm. Nhưng những công trình nghiên cứu, phản biện chính xác, có cơ sở của các nhà khoa học đã bác bỏ điều này. Chó xoáy là loài chó đặc hữu của Phú Quốc. Trên thế giới chỉ còn lại một vài loài giống này.

Chó Phú Quốc rất được các thợ săn tin dùng, người ta thường gọi nó là “khuyển vương” hoặc “sói lửa”. Sở dĩ chúng có được “mỹ hiệu” này là vì, qua thực nghiệm, người ta thấy đây là loài chó tinh khôn, dũng mãnh. Chúng có thể tự săn mồi tha về cho chủ. Cũng có người nhìn dáng dấp, màu lông vằn mà  gọi nó là sói lửa...

Trên đường về Dương Đông, qua những đồi dốc thoai thoải, hai bên vẫn là rừng xanh bạt ngàn. Chúng tôi ghé vào một quán giải khát ven đường, tình cờ gặp người ta đang mua bán chó. Giá khoảng 300.000 - 400.000 đồng/con chó con vừa rã bầy, biết ăn.

Những con chó nhỏ, ngơ ngác trườn lên mình nhau, sủa ăng ẳng. Khi đem về đất liền, nếu nuôi không khéo, chúng sẽ khó sống.

Theo kinh nghiệm dân gian, người ta lấy một hòn đất nhỏ ở Phú Quốc, đem về đất liền, nấu với nước sôi cho chó uống vài ngày.

Khám phá và vui thú

…Chúng tôi ghé Khu du lịch Suối Tranh. Cảnh hoang sơ, tĩnh lặng rất thích hợp với du lịch sinh thái. Tôi hỏi một nhân viên bảo vệ khu du lịch: “Ở rừng Suối Tranh này còn thú nhiều không?”.

Anh trả lời: “Rừng Phú Quốc có rất nhiều động vật hoang dã. Nhiều nhất là khỉ, lọ nồi, thứ đến là nai, heo rừng, chồn, cheo, gấu, voọc, rắn.

Gần đây các nhà khoa học đã phát hiện thêm hai loài thú quý hiếm là khỉ bạch và sói rừng… Tôi chưa thấy cọp nhưng có nhiều người quả quyết là đã thấy dấu chân nó ở rừng lớn Bắc Đảo”.

Do xa đất liền, lại được kiểm soát nghiêm ngặt, nên những cánh rừng nguyên sinh ở Phú Quốc với hệ sinh thái đa dạng được bảo vệ khá tốt.

Biển Phú Quốc là nơi có nhiều loài rùa biển sinh sống, đặc biệt là Dugong (bò biển), loài động vật này rất quý hiếm, còn lại rất ít trên thế giới, có tên hàng đầu trong sách đỏ, chúng ăn rong cỏ dưới đáy biển…

Các ngư dân ở hòn Son, hòn Đầm thường hay gặp Dugong. Những thủy thủ, những người đi biển gọi chúng là “Nàng tiên cá” bởi chúng thường đùa giỡn và có tiếng hú nghe rất não nuột, xót lòng.

Sáng hôm sau, khi bình minh vừa ló dạng. Biển khơi và núi rừng còn chìm đắm trong màn sương. Chúng tôi hành trình lên Bắc Đảo, xuyên qua rừng nguyên sinh. Khu rừng rộng tới 31.000ha nằm ở Bắc Đảo, chạy dài và hẹp dần về phía Nam.

Theo số liệu thống kê của Viện Điều tra quy hoạch rừng, Vườn quốc gia Phú Quốc có tới 26 loài thú, 84 loài chim, 29 loài bò sát, 11 loài lưỡng thê.

Thực vật trong rừng rất nhiều chủng loại. Có nhiều cánh rừng đặc dụng với các loại gỗ như dầu, sao, vên vên, căm xe, thau lau, gõ, có cả giá tỵ (loại gỗ dùng làm báng súng).

Đặc biệt trong rừng còn có nhiều trầm hương rất quý. Những người “ăn trầm” của Campuchia trong đất liền thường lén bơi thuyền vượt biển qua đây trộm trầm, nhưng chỉ lẻ tẻ, do kiểm lâm và biên phòng kiểm soát khá chặt.  

Ngày cận cuối chuyến đi, chúng tôi  đến tham quan ngôi chùa có quy mô và kiến trúc rất hoành tráng của Phú Quốc nói riêng của Nam bộ nói chung.

Chùa Hộ Quốc tọa lạc tại ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển. Đường lên chùa là một con đường đèo nhỏ quanh co, uốn lượn, một bên là rừng núi, một bên là biển xanh. Thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc nhìn tổng thể với kiến trúc hoành tráng, tinh tế, hài hòa với thiên nhiên.

Chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc cổ kính, truyền thống theo phong cách đình chùa thời Lý - Trần, hàng năm có đến  hàng vạn phật tử và du khách đến hành hương, chiêm ngưỡng và bái vọng.

Bước vào cổng tam quan, du khách sẽ được chiêm ngưỡng 18 pho tượng La Hán bằng đá được điêu khắc vô cùng tinh xảo.

Lên dãy tam cấp cao hàng chục bậc,  khách sẽ thấy Đại Hùng Bảo Điện hiện ra vô cùng uy nghi. Từ Đại Hùng Bảo Điện nhìn ra, bên trái là tháp chuông, bên phải là tháp trống tạo thành thế đối xứng, hài hòa với cảnh sắc núi non, biển cả…

Chiều xuân với nắng vàng thật đẹp, phủ trùm trên một dải biển rừng cuối phương Nam Tổ quốc.

Theo SGGPO