Tạp bút

Chênh chao nhớ tiếng rao

Cập nhật, 19:05, Chủ Nhật, 11/12/2016 (GMT+7)

Cứ mỗi sáng, người phụ nữ đẩy xe tàu hủ nóng len lỏi qua các con hẻm với tiếng rao mời “Tàu hủ, bánh lọt... h... ô... n... n... n”! Nay, nghe tiếng rao của chị, lòng thấy chênh chao. Trí não tìm về miền ký ức, nơi có những thanh âm của thời buôn thúng, bán bưng của những phận đời cơ cực trên bước đường mưu sinh.

Hồi ấy, ở làng quê, những người phụ nữ bưng thúng khoai lang nấu, thúng mắm, thúng dưa leo, mâm bánh bò, bánh da lợn, gánh tàu hủ... đi khắp các nẻo đường quê rao mời. Chính chén tàu hủ, củ khoai, trái ổi,... đã tạo nên thứ văn hóa ăn vặt?

Tôi còn nhớ như in câu rao mời của cô Năm bán mắm: “Mắm cá cơm thơm ngon béo mùi, rau răm, chuối chát bùi bùi mại vô”. Tiếng rao mời ngọt ngào, mềm mại, âm thanh trầm bổng. Tiếng rao nghe xa xa, mờ nhạt rồi tắt hẳn. Tiếng rao quen thuộc và gần gũi của một thời khó khăn, thiếu thốn.

Thời buổi hiện đại văn minh, thật khó tìm để được nghe tiếng rao hàng bằng giọng thật như người phụ nữ bán tàu hủ.

Những tiếng rao mời, tiếng chuông lẻng kẻng của người bán cà rem, tiếng tre gõ cốc cốc của người bán hủ tiếu gõ đã dần dần mờ nhạt. Được thay bởi tiếng rao thu âm và phát ra từ chiếc loa, nghe mà chát cả tai. Khó chịu làm sao, tiếng rao mang âm điệu hối hả, đơn điệu. Hay tại lòng muốn tìm về tiếng rao xưa?

TP Vĩnh Long từng bước phát triển, cuộc sống hối hả, nhộn nhịp khó tìm được tiếng rao hàng mang âm điệu trầm bổng, ngọt ngào cũng đúng thôi!

Ở đây, người phụ nữ đội chiếc nón lá, nhưng không bên quang gánh như những người phụ nữ quê ngày trước. Người phụ nữ cọc cạch chiếc xe đạp cũ sờn sơn, len lỏi các con hẻm với tiếng rao lanh lảnh.

Người ngồi thưởng thức ngay với chén tàu hủ nóng hổi, người đem ly ra mua, người mua bịch mang về.

Từng miếng tàu hủ nóng được múc vào chén, chan lên đó một ít nước đường thơm ngọt. Từng muỗng chậm rãi thưởng thức chén tàu hủ nóng hổi, thơm ngào ngạt mùi gừng. Thời tiết se se lạnh được ăn chén tàu hủ nóng thì còn gì sướng hơn. Chỉ với 5.000 đồng, thưởng thức chén tàu hủ đầy vị ngọt tuổi thơ.

Nghe tiếng rao mời, biết bán ế hay đắt. Thể hiện qua âm điệu của người rao bán. Và hình như, tiếng rao cuối câu mời bao giờ cũng kết bằng tiếng “h... ô... n... n... n” ngân dài. Có người nói vui, ra mua xong là phải hôn cô chủ bán hàng! Chớ không phải mua hông à nghen.

Tiếng rao, đánh thức cảm giác thèm thuồng, muốn thưởng thức ngay món ăn hay dạ nghe cồn cào, mua cho nhẹ lòng. Cảm giác đời thường của những người chân quê muốn chia sẻ. Tình người!

Bỗng trầm dịu và thiết tha với giọng rao chân chất, mang âm điệu khoắc khoải… giữa lòng phố thị!

MAI KHA