Biên giới trong trái tim ta

Cập nhật, 15:22, Thứ Ba, 15/11/2016 (GMT+7)

Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Sông Tiền đóng quân trên địa bàn xã Vĩnh Xương và “phụ trách” luôn xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang - nơi đầu nguồn con sông Tiền chảy vào Việt Nam. 40 năm qua, Đồn Biên phòng CKQT Sông Tiền không chỉ là chỗ dựa vững chắc trong thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ sự bình yên vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc, mà còn in đậm trong lòng nhân dân nơi đây những tình cảm khó phai về hình ảnh người lính “bộ đội Cụ Hồ” mang quân hàm xanh…

Ký ức về người lính biên phòng

Đường lên 2 xã biên giới Phú Lộc và Vĩnh Xương nay khác lắm rồi, đã được bê tông, tráng nhựa phẳng lì, chứ không còn lầy lội, gồ ghề, đất đá lởm chởm, bụi mịt trời… như trước. Dãy nhà dọc hai bên đường, hầu hết đều xây tường, lợp ngói hoặc tôn, có thể thấy đời sống người dân đã được cải thiện rõ rệt...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT Sông Tiền giúp dân gặt lúa bị ngập úng
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT Sông Tiền giúp dân gặt lúa bị ngập úng

Tôi đã sống trọn vẹn, gắn bó với nơi đây ngót nghét cũng gần 20 năm. Cứ lặn ngụp dưới dòng nước sông Tiền và những ngọn gió “hoang dại” nơi miền biên giới mà lớn lên.

Gần 15 năm làm người xa xứ, thỉnh thoảng về rồi lại vội vã ra đi, nhưng lúc nào trong hành trang của tôi cũng đầy ắp những kỷ niệm tuổi thơ, ấm áp tình người nhân hậu nơi miền biên giới này.

Và trong những mảng ký ức đó, có hình ảnh người lính quân hàm xanh đưa đón học sinh đến trường trong những ngày lũ lớn nơi đầu nguồn sông Tiền.

Tôi còn nhớ những năm 1996 - 1997, nước lũ lên rất cao, xã Phú Lộc như một biển nước mênh mông, xa xa mới có một “ốc đảo”, những ngôi nhà sàn cao hơn 2m đều ngập, nhân dân di dời đi nơi khác tránh lũ hoặc nước lên tới đâu thì kê nhà cao hơn để có chỗ ở.

Ngoài việc bộ đội biên phòng giúp nhân dân di dời, sửa lại nhà cửa xiêu vẹo, sắp sập, còn thường xuyên cứu hộ, cứu nạn những xuồng ghe giăng câu gặp dông bão; đặc biệt là việc đưa đón học sinh cấp 2 đến trường.

Học sinh cấp tiểu học ở xã lúc đó được nghỉ học, còn chúng tôi học cấp 2 phải đến Trường THCS Vĩnh Xương, cách đó khoảng 8km.

Mấy ngày đầu, chúng tôi phải chèo xuồng đi học từ 4 giờ sáng mới kịp, nhưng thường xuyên bị chìm xuồng mỗi khi có dông gió, làm ướt hết tập vở, quần áo và nguy hiểm đến tính mạng.

Thế là các chiến sĩ biên phòng lên kế hoạch tổ chức đưa đón lũ trẻ chúng tôi hàng ngày. Lúc đó, mỗi ấp tập trung học sinh lại một điểm, đến 5 giờ 30 đã có ghe của bộ đội biên phòng đến chở đi, rồi lại đến giờ đón về. Nhờ vậy mà gần 20 học sinh ở xã Phú Lộc mới tiếp tục được việc học.

Ký ức những năm tháng đó đi theo suốt cuộc đời chúng tôi, thỉnh thoảng bạn bè cũ gặp lại, vẫn kể nhau nghe những ngày gian khổ, lũ lụt, vượt lên đầu con sóng để học cái chữ, cũng là một cách nhớ đến hình ảnh mến thương của những chiến sĩ biên phòng.

Với những lão nông như bác Trần Văn Xét (78 tuổi, sống ở ấp Phú Bình, xã Phú Lộc) lại có những kỷ niệm sâu sắc khác.

Bác kể với tôi: “Bác nhớ nhất là mùa lũ năm 1998, nước dâng lên sớm, mấp mé đường đi; ngoài đồng thì lúa mới đỏ đuôi, nguyên cánh đồng Phú Lộc, Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa rộng mênh mông, nguồn sống của người dân 3 xã bị đe dọa.

Thế là các chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT Sông Tiền cùng với xã đội và nhân dân ngày đêm túc trực giữ đê, chặt tre làm cọc, đổ đất vào bao để tấn dọc theo chân đê.

Còn trên đồng, công lúa nào cắt xong là suốt liền, chở rơm ra be bờ giữ đê… thế là cầm cự được tới khi thu hoạch gần hết lúa, nước mới tràn vào đồng, chỉ một số ít bị ngập, nhưng tất cả tập trung cắt rồi đưa lên xuồng chở về, thất thoát ít thôi…”. Bác vừa kể vừa lộ rõ sự yêu mến và biết ơn những chiến sĩ “bộ đội Cụ Hồ”.

Ánh mắt hiện rõ niềm vui, bác Xét kể tiếp: “Lúc đó quân với dân như một gia đình, cùng ăn cùng ở và cùng cứu lúa… Không riêng gì tôi đâu chú, ở đây, bà con xóm giềng mang ơn chiến sĩ biên phòng mấy mươi năm nay đã luôn bên cạnh giúp đỡ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân như một gia đình”.

Tôi hiểu và cảm nhận được tình cảm mà bác dành cho những chiến sĩ biên phòng lúc đó. Rồi bác lại lẳng lặng nhìn xa xăm trên con đường tráng nhựa, cao ráo, hai bên rợp bóng cây xanh, rồi nhè nhẹ cất lên tiếng hát, mặc dù giọng run run nhưng vẫn còn mùi mẫn lắm, bài Tiếng hát từ biên cương (dân ca Nam bộ -  điệu Lý qua cầu):

Cùng em chung sức ca xây đời/Mà lòng anh thấy bao niềm vui/Này em mến yêu ơi!/Từ miền xa xôi anh ngày đêm canh giữ đất trời/Ngoài nơi biên giới /lắng nghe tình quê phơi phới/Son sắt niềm tin người ơi/Khúc ca này gởi gắm bao lời…

Còn riêng anh Trần Văn Tân (xã Tân Thạnh - Tân Châu) bồi hồi nhớ lại: “Tôi không nhớ năm nào, nhưng hơn 10 năm rồi vào một mùa lũ, nếu không nhờ ca nô tuần tra của chiến sĩ đồn biên phòng kịp thời đến cứu là tôi đã chết.

Đang giăng câu trên đồng nước gần biên giới, có dông gió đến, nhưng tôi ráng móc mồi cho xong, còn đâu gần 50 lưỡi câu thôi, rồi về, không ngờ sóng gió mạnh lên, trở tay không kịp, chỉ trong vài lượn là chiếc xuồng câu của tôi bị chìm…

Sóng cứ dồn dập, tôi đu cái can 5 lít mà nương theo lượn sóng, thả trôi… Can nhỏ mà sóng to quá, tôi bị ngộp và sặc nước, trong lúc gần đuối sức thì ca nô “cứu tinh” của biên phòng đến kịp lúc”. 

Mỗi người dân sinh sống nơi tuyến đầu này mấy chục năm nay đều có những ký ức, những tình cảm riêng quý báu dành cho người lính quân hàm xanh.

“Quân - dân như một gia đình”, đó là truyền thống tốt đẹp mà Bộ đội Biên phòng An Giang đã xây dựng được trong 40 năm qua.

Và hôm nay, tiếp tục truyền thống của cha anh, như lời khẳng định của đại tá Trịnh Ngọc Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang: “Đối với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng An Giang, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, phải thường xuyên bám sát địa bàn, đẩy mạnh công tác dân vận và giúp đỡ nhân dân, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, từ đó tạo được niềm tin trong nhân dân, tạo được sự gắn bó đoàn kết giữa cán bộ, chiến sĩ biên phòng với bà con nơi địa bàn như một gia đình…”. 

Tiếp bước truyền thống

Làm việc tại Đồn Biên phòng CKQT Sông Tiền xong, tôi đi cùng thượng úy Võ Văn Khu, Chính trị viên phó, chạy dọc theo con đường biên giới từ sông Tiền (Vĩnh Xương) đến con kênh Năm Xã (Phú Lộc), nếu chạy thẳng theo con đường này sẽ tới xã Phú Hữu (huyện An Phú) hơn 10km.

Lúc trước, nơi đây chỉ là con đê, hoang sơ, không có ai sinh sống, chỉ có vài chòi vịt, hoặc lều bạt để ở làm ruộng, vậy mà bây giờ là một con đường bê tông bề thế, chiều ngang gần 5m, nhà cửa đông đúc và khấm khá.

Còn con kênh đào chạy dọc theo tuyến đường biên giới này là nơi đầu tiên thông nước giữa sông Tiền và sông Hậu, ngoài ý nghĩa chiến lược về quốc phòng, con kênh đào này còn là nơi cung cấp nước tưới tiêu cho nhân dân làm nông nghiệp.

Khoảng giữa tuyến đường biên giới, khoảng những năm 1980, Nhà nước huy động nhân dân đào một con kênh xẻ dọc dài gần 20km, lấy nước từ con kênh đào trên biên giới rồi thông ra con sông Hậu tại xã Châu Phong, chảy qua 5 xã (giờ là 7 xã) là nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân nơi đây, cũng là phương tiện đường thủy quan trọng của nhân dân trong vùng, khi phương tiện đi lại còn lạc hậu...

Sau khi con kênh Năm Xã được thông nước thì xã Phú Lộc cũng được thành lập từ một phần đất của xã Phú Hữu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu, Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa và Tân An, lúc đó đều thuộc huyện Phú Châu (lúc này chưa tách ra thành 2 huyện Tân Châu và An Phú).

Việc thành lập xã Phú Lộc ngoài mang ý nghĩa quốc phòng, giữ vững chủ quyền nơi biên giới còn tạo cơ sở để vận động nhân dân về đây sinh sống lập nên làng xã như ngày nay.
 
Tôi miên man dài dòng, để khẳng định rằng, nhìn bề ngoài thì khu vực địa bàn biên giới đầu nguồn sông Tiền có vẻ đơn giản, vì không có đồi núi trập trùng, rừng rậm hoang vu, đường giao thông hiểm trở… nhưng thật sự đây là khu vực địa bàn phức tạp, vừa có đường bộ, đường thủy, lại là đường thủy huyết mạch của tỉnh, dân cư đông, đường biên giới dài…

Từ đó, việc đảm bảo trật tự, bình yên nơi tuyến đầu này là rất cam go, mới thấy chỉ huy và chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT Sông Tiền đã phải thật sự bản lĩnh và khéo léo.

Và một trong những thành tích nổi bật của đồn biên phòng là công tác dân vận khéo, tạo nên thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đảm bảo bình yên và chủ quyền nơi biên giới.  
 
Anh Phan Thế Truyền, Chủ tịch UBMT Tổ quốc xã Phú Lộc, cho biết công tác phối hợp giữa đồn biên phòng và địa phương rất chặt chẽ.

Lúc nào cán bộ, chiến sĩ biên phòng cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ nhân dân trong xã như giúp cắt lúa gần 7ha tại ấp Phú Yên bị ngập úng cục bộ trong năm 2015, đắp đường sạt lở tại ấp Phú Quý, thường xuyên thăm hỏi động viên và tặng quà cho học sinh nghèo, xây dựng và bàn giao nhà đại đoàn kết, hỗ trợ xây dựng và tổ chức sinh hoạt định kỳ “Điểm sáng văn hóa”…

“Đặc biệt là phối hợp trong công tác tuyên truyền về Luật Biên giới quốc gia, Luật Giao thông đường bộ, phòng chống tội phạm giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn... Nhân dân trong xã rất yêu mến các anh chiến sĩ biên phòng, nhiều người còn đòi “bắt rể” nữa đó”, anh Truyền vui vẻ nói thêm.

Không nén được những tình cảm xúc động, thượng úy Vũ Văn Khu tâm tình: “Cán bộ, chiến sĩ ở Đồn Biên phòng CKQT Sông Tiền luôn cố gắng phát huy tinh thần và hình ảnh “bộ đội Cụ Hồ”, tận tụy với công việc, gần gũi, đồng hành với nhân dân trong hoạt động sản xuất cũng như đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn”.

Chiến sĩ biên phòng chúng tôi luôn khẳng định “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” mà.
 
Chiều biên giới em ơi/có nơi nào đẹp hơn bằng hình ảnh bóng các anh nghiêng nghiêng trên đường tuần tra, những bước đi rắn rỏi và hiên ngang, giữ vững bình yên và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tổ quốc và nhân dân luôn trong trái tim các anh và chúng tôi hiểu hơn tâm tình của những người lính biên cương đang chung tay xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển với nước bạn Campuchia.

Biên giới luôn trong trái tim chúng ta…

Theo SGGPO