Một ngày ở làng Chăm biên giới

Cập nhật, 20:47, Thứ Bảy, 30/07/2016 (GMT+7)

 

Cộng đồng người Chăm sống lặng lẽ, đoàn kết, giàu bản sắc.
Cộng đồng người Chăm sống lặng lẽ, đoàn kết, giàu bản sắc.

Chúng tôi qua cầu Cồn Tiên, hướng về huyện An Phú- nơi được xem là thủ phủ của người Chăm ở An Giang. Anh Danh Du Số- người dẫn đường cho chúng tôi nhắc cả đoàn:

“… Phong tục của người Chăm ở đây rất phức tạp, đa dạng, các bạn nên cẩn thận trong việc đi lại, ăn nói, ăn uống- nhất là không “lai rai” như những nơi khác…”. Anh cười khà khà. Nụ cười rất “Chăm”.

An Giang hiện có khoảng 30.000 người Chăm tập trung tại các huyện: An Phú, Tân Châu, Phú Tân và Châu Phú. Người Chăm trước đây đa số sống bằng nghề dệt thủ công các mặt hàng thổ cẩm mang đi bán dạo khắp các nơi trong khu vực ĐBSCL.

Hiện, họ đã sinh sống bằng nhiều nghề khác như: trồng trọt, chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm,… Nét đặc biệt là người Chăm An Giang theo đạo Hồi Islam, không như người Chăm ở Ninh Thuận theo đạo Bà La Môn.

Một thánh đường Chăm vùng biên giới An Giang.
Một thánh đường Chăm vùng biên giới An Giang.

Chúng tôi tham quan khá nhiều thánh đường ở An Phú với lối kiến trúc rất đẹp, cầu kỳ, đậm nét Á Đông. Mỗi xã đều có một thánh đường riêng để người Chăm hành lễ thường xuyên. Người Chăm thực hiện rất nghiêm nhặt giáo lý, giáo luật của Hồi giáo, thực hiện các bổn phận của tín đồ như nhịn ăn tháng Ramadam, không nuôi heo, không uống rượu.

Ông Chế Lâm (huyện An Phú) kể thêm: “…Chúng tôi đến thánh đường làm lễ trưa thứ sáu hàng tuần. Tín đồ là nam đều tắm rửa sạch sẽ, y phục chỉnh tề. Tín đồ nữ được hành lễ tại nhà…”

Dọc theo các tuyến đường của các làng Chăm, chúng tôi bắt gặp khá nhiều nhà văn hóa “đặc biệt” để người Chăm sinh hoạt vui chơi, giải trí. Có rất nhiều chiếc xe lưu động bán rất nhiều hàng hóa, thực phẩm ăn uống, hàng tiêu dùng, nhiều nhất vẫn là hàng thổ cẩm rất bắt mắt mà người bán lẫn người mua đều là người Chăm.

Càng lạ hơn khi bắt gặp vẻ đẹp rất duyên dáng nhưng kín đáo của phụ nữ Chăm bởi những chiếc khăn che mặt và những bộ trang phục truyền thống. Chúng tôi còn thích thú hơn khi bắt gặp những chiếc “xà rông” đầy màu sắc mà đàn ông Chăm đang sử dụng hàng ngày lẫn ngày lễ.

Vùng biên giới Khánh Bình khá oi bức. Nhiều đoàn xe nối đuôi nhau qua lại vùng biên giới. Tình hình buôn lậu tại đây không còn sôi động như trước. Ông Danh Kon (80 tuổi, ngụ xã Khánh An) cho biết: “... Lúc trước, dân buôn lậu thuốc lá qua đây liên tục, từ khi bộ đội biên phòng và quản lý thị trường “quần” ráo riết, tình hình có phần lắng dịu hơn...”

Sẵn dịp, ông kể về chuyện bọn Pol Pot- Ieng Sary tràn qua đây bắn giết cướp bóc, bộ đội Việt Nam đánh trả quyết liệt. Người Chăm vùng biên giới này phải sơ tán khắp nơi. Giờ thì khác rồi. Họ luôn cảnh giác trước âm mưu phá hoại của kẻ thù xuyên tạc tình đoàn kết Việt Nam- Campuchia, chia rẽ dân tộc Chăm- Khmer- Kinh- Hoa.

Chúng tôi đến tham quan chùa Linh Ẩn ở thị trấn Long Bình- một kỳ quan biên giới với tượng Phật 2 mặt không lồ cao gần 40m, đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người dân Việt Nam lẫn Campuchia vùng giáp biên. Sẵn dịp, ghé tham quan cây da khổng lồ 350 tuổi.

Hầu hết người Chăm ở An Phú thường ở nhà sàn. Phía bên dưới dùng làm nơi chứa dụng cụ lao động, lúa thóc và các vật liệu khác. Bên trên để sinh hoạt gia đình và đặc biệt là nhà có rất nhiều bộ kinh thánh.

Đa phần họ không cất nhà to rộng, dù thừa khả năng về kinh tế. Nhiều người Chăm cho biết đó cũng là nét văn hóa rất lâu đời và mang tính tiết kiệm của dân tộc họ. Song song đó, người Chăm rất quý trọng tình nghĩa xóm làng, dòng tộc, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi có hữu sự nhất là trong việc hùn vốn để phát triển sản xuất.

Chúng tôi hành hương về búng Bình Thiên mà người dân còn gọi là hồ Nước Trời, nơi được xem là “biển Hồ” đất phương Nam với diện tích hàng chục ngàn héc ta với hàng trăm loại thủy sản quý hiếm.

Xung quanh hồ này có rất nhiều gia đình người Chăm sinh sống. Đây còn là nơi tổ chức rất nhiều lễ hội văn hóa của tỉnh An Giang, trong đó đa phần là lễ hội của người dân tộc Chăm bản xứ thường tổ chức mỗi khi nước lũ đổ về hàng năm.

Ông Danh Sanh (70 tuổi) thết đãi đoàn chúng tôi món “ruột” của người Chăm có tên “tung lò mò” (còn gọi là lạp xưởng bò) với hương vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò, vị chua chua của cơm nguội lên men ăn cùng rau sống.

Cạnh đó, ông còn mời đoàn thưởng thức các món cari dê, đô-rô-cha, dê “rút lò” nhồi 15 món thuốc Bắc và chanh muối khâu lại. Không rượu, không bia nhưng buổi tiệc khá rôm rả với những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” do những ca sĩ “không chuyên” người Chăm vừa hát vừa múa rất duyên dáng và sôi động.

Chia tay làng Chăm vùng biên giới, chúng tôi ra về trong tiếng chuông thánh đường ngân nga êm ả, trong tiếng đọc kinh Koran đều đều với bao nuối tiếc vì không có nhiều thời gian khám phá các làng Chăm vùng biên với nhiều câu chuyện huyền bí, liêu trai.

Bài, ảnh: TRƯƠNG THANH LIÊM