Mô hình nuôi chuột đồng ở các tỉnh miền Tây- con dao hai lưỡi

Cập nhật, 08:31, Thứ Bảy, 09/07/2016 (GMT+7)

 

Ông Bình đang rất tâm đắc với mô hình nuôi chuột tại gia của mình.
Ông Bình đang rất tâm đắc với mô hình nuôi chuột tại gia của mình.

Mặc dù loài chuột sinh sản rất nhanh, thế nhưng chuột đồng vẫn cứ khan hiếm, không đủ cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng trong khu vực.

Trước nhu cầu của thị trường và lợi nhuận, nhiều nông dân ở các tỉnh ĐBSCL âm thầm đua nhau nuôi chuột đồng lấy thịt. Họ bất chấp những tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh từ chuột và mùa màng bị phá hoại nếu như chuồng trại không an toàn.

Nuôi chuột đồng theo kiểu tự phát

Sau nhiều ngày nắm thông tin, chúng tôi nhanh chóng có mặt tại Hậu Giang, nơi mà nhiều nông dân tự mày mò kinh nghiệm nuôi chuột đồng và âm thầm mang chuột về nhà rồi xây chuồng trại, cho chúng sinh sản…

Vượt hàng trăm cây số, men theo con lộ giao thông nông thôn, chúng tôi mới tìm đến được nhà của ông Đỗ Văn Giàu (SN 1951, trú tại ấp Tân Lợi, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A)- người có thâm niên chục năm với nghề nuôi chuột.

Biết chúng tôi đến viết báo, ông Giàu không ngần ngại chia sẻ: “Nghề nuôi chuột đồng lấy thịt cũng kiếm được tiền tăng thêm thu nhập cho gia đình”

Nói về cơ duyên và kinh nghiệm, ông Giàu cho biết:

“Tôi vốn là nông dân chính hiệu, lại có sở thích chăn nuôi. Trong một lần đi làm đồng, tôi bắt được 1 cặp chuột cống nhum (giống chuột to, hung dữ, trọng lượng mỗi con trưởng thành nặng khoảng 0,8kg- 1kg), sau đó mang về nhà bỏ vào lu (loại lu dùng để chứa nước) để nuôi.

Không lâu sau đó thì chúng sinh sản, điều đặc biệt là chuột con khỏe mạnh, ít khi mắc bệnh và lớn rất nhanh, thức ăn chính là lúa và các loại củ quả…

Nhiều người bạn đến xem, tôi thường bắt chuột làm thịt. Thấy mồi nhậu ngon, ai cũng khuyến khích nuôi nên tôi duy trì và phát triển nghề này”.

“Cứ 3 tháng là chuột “bắt cặp”, mỗi lứa chúng sinh sản khoảng chục con, đẻ nhiều từ tháng 10 đến tháng 12. Chuột nuôi được thuần nên rất dạn, không còn hung dữ nữa. Chuột cũng giống như loài mèo, vài ngày phải tắm rửa và vệ sinh nơi ở của chúng.

2 năm thì phải thay chuột mẹ một lần vì chúng sinh sản yếu đi. Ngay tại thời điểm tôi nuôi chuột, chủ yếu cung cấp chuột thịt cho các quán ăn, nhà hàng khắp các tỉnh trong cả nước. Lúc khan hiếm, giá chuột thịt cao ngất, lên đến 75.000 đ/kg, chuột con giống giá từ 100.000- 200.000/cặp.

Có người ở tận Lâm Đồng cũng tìm đến tôi mua chuột giống mang về nuôi, đồng thời xin chia sẻ kinh nghiệm”- ông Giàu vui vẻ kể.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh?

Cách nhà ông Giàu chừng 30km, chúng tôi phải qua một con đò nhỏ mới đến được “trang trại” nuôi chuột của ông Lê Văn Bình (SN 1955, ngụ số 288/44 ấp 7A1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy- Hậu Giang).

Ông Bình cũng là một trong những nông dân có đam mê phát triển nghề nuôi chuột. Ông bộc bạch: “Với ý tưởng nuôi chuột lấy thịt, bán cho thương lái cung ứng tại các quán ăn, nhà hàng trong khu vực thì tôi đã có từ lâu nhưng chỉ mới đưa vào hoạt động mô hình nuôi chuột tại gia đình được hơn năm nay”.

Dứt lời, ông Bình dẫn chúng tôi ra phía sau nhà để tận mắt chứng kiến “mô hình” nuôi chuột mà ông có vẻ tâm đắc. Theo quan sát của chúng tôi, nơi nuôi chuột chỉ cách nhà ở của ông vài bước chân.

Nhiều thương lái mua chuột cung cấp nguồn thịt cho các quán ăn, nhà hàng.
Nhiều thương lái mua chuột cung cấp nguồn thịt cho các quán ăn, nhà hàng.

Chuồng trại được xây bằng xi măng, cao gần 1m, diện tích khoảng 6m2, phía trên có lưới chắn. Cạnh bên chuồng trại nuôi chuột có mắc chiếc võng vải để ông Bình nằm trông giữ, bảo vệ chuột, cũng như ngăn cản lũ mèo tấn công...

“Chuột sinh sản rất nhanh, nuôi chóng lớn, vậy mà cũng không đủ nguồn chuột thịt bán cho các thương lái để cung cấp nhà hàng, quán ăn trong khu vực. Với 2 cặp con giống, chỉ sau vài tháng, đàn chuột đã lên tới hàng trăm con lớn nhỏ.

Chuột dễ nuôi, thức ăn cũng dễ tìm, rau, củ, quả, ốc,… thì chúng đều dùng được, nhưng món khoái khẩu nhất cũng lại là lúa. Để nuôi chuột thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao thì người nuôi chuột cần phải biết đặc điểm, cũng như thói quen của chúng.

Ban ngày, chuột thường ngủ, nhưng ban đêm chuột hoạt động, ăn suốt 24/24. Khi chuột sinh sản phải bỏ riêng vào lu. Chuột mẹ chăm sóc con rất cẩn thận, tuy nhiên sau 25 ngày thì cũng phải tách chuồng để chuột con tự lập và phát triển”- ông Bình cho hay.

Theo nghiên cứu của các bác sĩ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, người tiếp xúc với chất bài tiết của chuột hoặc bị chuột cắn thì có thể mắc một số loài vi rút, vi khuẩn và ký sinh trùng gây suy thận cấp do Hanta vi rút, ngoài ra còn mắc nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Hanta lan truyền theo đường hô hấp từ các loài động vật gặm nhấm, loại vi rút này gây sốt xuất huyết thể thận, bệnh được xác định ở khu vực Châu Á và Đông Nam Á với tỷ lệ tử vong từ 4-15%.

Ngoài ra nếu vì sự cố nào đó đàn chuột xổng ra môi trường và sinh sôi với cấp số nhân thì không ai tính được thiệt hại cho mùa màng, sức khỏe như thế nào.

 

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Quốc Hải- Trưởng Ban nhân dân Ấp 7A1 (xã Vị Thanh) cho biết: “Mô hình nuôi chuột đồng ở đây hơn chục hộ. Nông dân chủ yếu là nuôi tự phát. Mô hình này cũng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương. Nguồn cung chủ yếu là cho các nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn TP Cần Thơ và khu vực lân cận”.

 

Bài, ảnh: TRUNG NGUYỄN