Người đưa ra chứng cứ bị tố cáo là giả mạo có quyền rút lại

Cập nhật, 15:44, Thứ Năm, 14/01/2021 (GMT+7)

Tôi và người bà con tranh chấp tài sản của ông bà để lại. Để làm bằng chứng, tôi đưa ra một số giấy tờ có liên quan tìm được trong túi hồ sơ của ba. Sau một thời gian tranh cãi không xong, cả hai bên thống nhất đưa đơn đề nghị tòa án giải quyết. Tôi sẽ là nguyên đơn. Nhưng trước khi khởi kiện, bên sẽ là bị đơn nói rằng giấy tờ làm chứng cứ tôi đưa ra là giả mạo. Nếu sau khi tôi khởi kiện, chứng cứ đó vẫn bị bên sẽ là bị đơn tố cáo là giả mạo thì tôi phải giải quyết như thế nào?

H.V.D. (TP Cần Thơ)

Trả lời:

Nếu khẳng định giấy tờ anh đưa ra là sự thật thì anh cứ yên tâm khởi kiện. Trái lại, nếu còn băn khoăn trước sự phản kháng của bên tranh chấp tài sản, anh nên tìm hiểu nguồn gốc của giấy tờ để xác định lại sự thật hoặc tìm chứng cứ khác. Bởi, theo quy định tại khoản 1 Điều 103 Bộ luật Tố tụng dân sự:

1. Trường hợp chứng cứ bị tố cáo là giả mạo thì người đưa ra chứng cứ đó có quyền rút lại; nếu không rút lại thì người tố cáo có quyền yêu cầu tòa án hoặc tòa án có quyền quyết định trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 102 của bộ luật này.

2. Trường hợp việc giả mạo chứng cứ có dấu hiệu tội phạm thì tòa án chuyển tài liệu, chứng cứ có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

3. Người đưa ra chứng cứ được kết luận là giả mạo phải bồi thường thiệt hại nếu việc giả mạo chứng cứ đó gây thiệt hại cho người khác và phải chịu chi phí giám định nếu tòa án quyết định trưng cầu giám định.

Xin lưu ý với anh, theo khoản 1 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự về việc xác định chứng cứ: Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ