Tìm hiểu Nghị định số 46/2016/NĐ-CP (tt)

Cập nhật, 10:08, Thứ Tư, 16/11/2016 (GMT+7)

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, có hiệu lực vào ngày 1/8/2016. Nghị định mới có một số hành vi xử phạt vi phạm hành chính tăng nặng và bổ sung một số hành vi xử phạt so với Nghị định 171/2013/NĐ-CP. Sau đây, trang An toàn giao thông- Báo Vĩnh Long lần lượt trích những điểm cần lưu ý để bạn đọc tìm hiểu.

Mục 6. Các vi phạm khác liên quan đến giao thông đường bộ

Điều 29. Xử phạt hành vi sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; sản xuất, bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trái phép

1. Phạt tiền từ 1.000.000- 2.000.000đ đối với cá nhân, từ 2.000.000- 4.000.000đ đối với tổ chức thực hiện hành vi bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

2. Phạt tiền từ 3.000.000- 5.000.000đ đối với cá nhân, từ 6.000.000- 10.000.000đ đối với tổ chức thực hiện hành vi sản xuất biển số trái phép hoặc sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu biển số, phương tiện sản xuất, lắp ráp trái phép và còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.

Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ

1. Phạt tiền từ 100.000- 200.000đ đối với cá nhân, từ 200.000- 400.000đ đối với tổ chức là chủ môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự môtô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với giấy đăng ký xe;

b) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự môtô.

2. Phạt tiền từ 300.000- 400.000đ đối với cá nhân, từ 600.000- 800.000đ đối với tổ chức là chủ ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ôtô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Lắp kính chắn gió, kính cửa của xe không phải là loại kính an toàn;

b) Tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong giấy đăng ký xe;

c) Không thực hiện đúng quy định về biển số, quy định về kẻ chữ trên thành xe và cửa xe; trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b, c, d, đ khoản 2 Điều 28, điểm b khoản 3 Điều 37 nghị định này.

3. Phạt tiền từ 400.000- 600.000đ trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000đ đối với chủ phương tiện là cá nhân, từ 800.000- 1.200.000đ trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 80.000.000đ đối với chủ phương tiện là tổ chức giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 23 nghị định này.

4. Phạt tiền từ 800.000- 1.000.000đ đối với cá nhân, từ 1.600.000- 2.000.000đ đối với tổ chức là chủ môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự môtô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy;

b) Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe;

c) Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe;

d) Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số, giấy đăng ký xe;

đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn
sử dụng).

5. Phạt tiền từ 1.000.000- 2.000.000đ đối với cá nhân, từ 2.000.000- 4.000.000đ đối với tổ chức là chủ ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ôtô thực hiện hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự ôtô.

6. Phạt tiền từ 1.000.000- 2.000.000đ trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000đ đối với chủ phương tiện là cá nhân, từ 2.000.000- 4.000.000đ trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 80.000.000đ đối với chủ phương tiện là tổ chức giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 23 nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 23 nghị định này.

7. Phạt tiền từ 2.000.000- 4.000.000đ đối với cá nhân, từ 4.000.000- 8.000.000đ đối với tổ chức là chủ ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ôtô thực hiện một trong các hành vi vi phạm
sau đây:

a) Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy;

b) Tẩy xóa hoặc sửa chữa giấy đăng ký xe, hồ sơ đăng ký xe, giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của
phương tiện;

c) Không chấp hành việc thu hồi giấy đăng ký xe; biển số xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định;

d) Không làm thủ tục đổi lại giấy đăng ký xe khi xe đã được cải tạo;

đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 (đối với ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự ôtô), khoản 1 Điều 62 của Luật Giao thông đường bộ (đối với xe máy chuyên dùng) điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng);

e) Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

g) Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 3, điểm m khoản 5 Điều 23 nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 3, điểm m khoản 5 Điều 23 nghị định này;

h) Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 24 nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 24 nghị định này;

i) Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 24 nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 24 nghị định này;

k) Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 33 nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 33 nghị định này.

(Còn tiếp)