Người vợ chăm sóc gia đình, không đi làm được tính là lao động có thu nhập

Cập nhật, 04:56, Thứ Sáu, 28/10/2016 (GMT+7)

Vợ chồng tôi đang chuẩn bị yêu cầu tòa án giải quyết cho ly hôn. Vì có nhiều bất đồng, chúng tôi không tự chia tài sản được mà phải nhờ tòa án giải quyết luôn. Trước khi kết hôn, tôi có đi làm việc và có thu nhập, nhưng từ khi sinh con thứ hai đến nay trên 5 năm, tôi phải ở nhà chăm sóc con và gia đình không đi làm nữa. Từ đó, tôi lệ thuộc kinh tế hoàn toàn vào chồng. Do vậy, chồng tôi nói tài sản chỉ do anh ấy tạo lập nên chỉ chia cho tôi 1 phần trong khi tôi đề nghị chia đôi… Trường hợp này sẽ được giải quyết ra sao?

L.T.H.T. (TP Vĩnh Long)

Trả lời: Theo khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình, một trong những nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn, đó là tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Trường hợp chị hỏi thuộc quy định tại điểm b khoản 2 nói trên. Theo điểm b khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC- VKSNDTC- BTP: “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ