Thuê tàu biển buôn lậu dầu DO

Cập nhật, 14:22, Chủ Nhật, 29/03/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Một lần đến cảng cá huyện Trần Đề (Sóc Trăng) tìm công việc làm ăn, Trần Văn Phong (SN 1978, Lục Sĩ Thành- Trà Ôn) được bạn bè giới thiệu làm quen với một nữ Việt kiều Thái Lan và 2 người câu kết nhiều lần mua bán lậu dầu DO giữa biển khơi với số lượng 175.000 lít, giá trị lên hơn 3,1 tỷ đồng. Sau đó, Cảnh sát biển Vùng D đã bắt giữ Phong, giao về Vĩnh Long xử lý hình sự về hành vi buôn lậu.

Bị cáo Trần Văn Phong.
Bị cáo Trần Văn Phong.

Vào khoảng tháng 7/2013, Trần Văn Phong đến cảng cá huyện Trần Đề (Sóc Trăng) để tìm cơ hội làm ăn mới. Theo dự tính của Phong, sẽ tìm thuê tàu để vận chuyển trái cây và nước đá bán cho tàu đánh bắt cá ngoài biển. Sau đó, sẽ mua cá biển vào đất liền bán lại. Viễn cảnh công việc làm ăn nghe rất hay nếu như Phong không nghe người bạn “giới thiệu” chuyện làm ăn phi pháp là buôn lậu dầu DO ngoài biển.

Thông qua người quen, Phong biết được số điện thoại của người phụ nữ tên Kiều (Lâm Mỹ Kiều) có chồng là người Thái Lan. Qua điện thoại, Kiều giới thiệu chồng tên Há (tên Thái Lan Ma năk AramSri) là thuyền trưởng tàu Nang Nual 27, buôn bán dầu DO giá rẻ trên biển. Há cũng đề nghị với Phong (Há biết nói tiếng Việt) mua dầu tàu Nang Nual 27, giá chỉ 18.000 đ/lít. Phong ham lợi nên đồng ý ngay.

Để thực hiện việc buôn lậu dầu trên biển hấp dẫn này, Phong hợp đồng thuê tàu đánh cá của ông Phan Tiến Dũng (phường Vĩnh Quang- TP Rạch Giá- Kiên Giang) với giá 150 triệu đồng/năm. Sau đó, Phong sửa chữa lại con tàu làm hầm bằng sắt có sức chứa khoảng 42.000 lít dầu. Chuẩn bị xong, Phong liên hệ với Kiều để mua bán dầu. Theo thỏa thuận, Kiều cho người đến nhà của Phong nhận tiền trước rồi điện báo cho chồng (Há) bơm dầu sang tàu của Phong ở ngoài biển. Cứ thế, Phong mua dầu từ tàu Nang Nual 27 bán lại cho các tàu đánh cá biển.

Ngày 26/2/2014, chuyến ra khơi đầu tiên Phong liên hệ với Kiều mua 35.000 lít dầu DO. Kiều ở Thái Lan cho người tên Tư (không rõ họ và địa chỉ) đến gặp vợ của Phong là chị Lương Thị Thu Liễu tại cây xăng Nghĩa Hiệp 4 (ấp An Thành- Lục Sĩ Thành) nhận 630 triệu đồng (giá 18.000 đ/lít). Sau đó, Kiều liên hệ với Há đang ở tàu Nang Nual 27 ngoài biển bơm dầu sang tàu của Phong. Giao dịch xong, Phong chạy tàu về vùng biển thuộc địa phận hòn Khoai (Cà Mau) cách đất liền khoảng 20 hải lý, rồi dùng bộ đàm dò tần số rao bán dầu cho các tàu đánh cá với giá 22.000 đ/lít. Chỉ vài ngày sau đó, Phong bán hết 35.000 lít dầu, bỏ túi tiền lời 140 triệu đồng.

Với cách buôn lậu giữa biển khơi “siêu” lợi nhuận, từ ngày 26/2- 1/4/2014, Phong 4 lần mua dầu của tàu Nang Nual 27, mỗi lần 35.000 lít dầu DO. Sau chuyến thứ 4, Phong chạy tàu về quê tu sửa lại để được bám biển thời gian dài hơn.

Ngày 17/4/2014, Phong cùng 3 thuyền viên mang theo 10.000 lít dầu DO (Phong có cây xăng ở quê) chạy ra vùng biển hòn Khoai. Sau đó, Phong bán cho các tàu đánh cá được khoảng 6.000 lít dầu, nên trên tàu chỉ còn khoảng 4.000 lít. Cũng như những lần trước, Phong liên hệ với Kiều mua 35.000 lít dầu DO, giá 18.000 đ/lít. Sau khi Kiều cho người đến nhà gặp vợ của Phong nhận đủ 630 triệu đồng, cô ta lại liên lạc với chồng để bơm dầu sang tàu của Phong. Lúc này, tàu Nang Nual 27 đang neo đậu tại vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam tiếp giáp với Thái Lan. Khoảng 6 giờ sáng 23/4/2014, tàu của Phong cặp tàu Nang Nual 27 và lúc tàu Nang Nual 27 bơm dầu sang tàu của Phong được khoảng 23.000 lít, thì lực lượng Cảnh sát biển Vùng D kiểm tra. Do 2 tàu không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nguồn gốc, lực lượng Cảnh sát biển Vùng D lập biên bản và bắt giữ 2 con tàu.

Qua điều tra, Phong thừa nhận 5 lần buôn lậu từ tàu Nang Nual 27, tổng số lượng 175.000 lít dầu DO, giá trị hơn 3,1 tỷ đồng. Với hành vi trên, Phong bị khởi tố về hành vi buôn lậu.

Ngày 20/3/2015, TAND tỉnh Vĩnh Long đưa vụ án ra xét xử đối với Trần Văn Phong về tội “Buôn lậu”. Tại tòa, bị cáo Phong cũng thừa nhận hành vi làm ăn phi pháp của mình. Đây là vụ án kinh tế có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra ngoài biển rất phức tạp vì thế cần xử lý nghiêm. Mức án 7 năm tù giam dành cho bị cáo Trần Văn Phong cũng nhằm răn đe những người làm ăn bất hợp pháp.

Đối với tên Há (Ma năk AramSri)- thuyền trưởng tàu Nang Nual 27 cùng với tang vật là dầu và tàu, chuyển giao cho lực lượng Cảnh sát biển Vùng D xử lý theo thẩm quyền. Còn Lâm Mỹ Kiều- vợ của Há- và người tên Tư trực tiếp nhận tiền dầu từ vợ của Phong cơ quan điều tra chưa xác định địa chỉ cụ thể. Riêng 3 thuyền viên đi trên tàu của Phong gồm: Trần Hữu Lợi, Trần Văn Nô và Nguyễn Văn Hiếu là những người làm thuê cho bị cáo Phong không biết buôn lậu dầu nên không xử lý.

 

Bài, ảnh: HOÀI NAM