Cha qua đời, 4 anh chị em tranh giành 3,7 công đất

Cập nhật, 13:30, Thứ Năm, 26/03/2015 (GMT+7)

Chị em từng sống thương yêu, hòa thuận nhau, nay có con cháu đề huề, tưởng chừng tình cảm đó sẽ gắn chặt hơn. Thế nhưng, khi cha qua đời thì tình cảm của họ rạn nứt, chỉ vì 3,7 công đất mà cha không để di chúc.

4 anh em tranh chấp đòi chia tài sản, mỗi người chỉ được khoảng 940m2 đất nông nghiệp. Vụ việc phải nhờ đến cơ quan pháp luật giải quyết.

Ông Phạm Văn Hon, bà Phạm Thị Ba, Phạm Thị Tư và Phạm Thị Năm là anh chị em ruột, cùng ở xã Thành Lợi (Bình Tân). Khi cha qua đời vào năm 1998, có để lại 3,7 công đất ruộng tọa lạc ấp Thành Công (xã Thành Lợi) nhưng không có di chúc. “Phần đất trên do cha tôi (Phạm Văn Hai) đứng tên nhưng chị Ba (Phạm Thị Ba) chiếm đoạt và canh tác cho đến nay. Đây là tài sản chung của cha mẹ, nên các con đều được hưởng phần thừa kế. Tôi cũng như anh em khác yêu cầu chị Ba trả lại phần đất của cha để chia thừa kế theo đúng quy định của pháp luật...”- bà Năm trình bày.

Về phía bị đơn, bà Phạm Thị Ba phân trần: “Trước đây, khi cha còn sống có bảo con cháu ai về nhà ở chung chăm sóc phụng dưỡng ông sẽ hưởng phần 3,7 công đất ruộng. Có lẽ anh chị em ngại trách nhiệm phụng dưỡng cha nên không ai về sống với ông. Lúc này, con gái tôi là Bùi Thị Đèo về ở với ông ngoại và khi cha tôi chết đương nhiên được hưởng phần đất theo nguyện vọng của cha để lại. Anh và các em đòi chia tài sản cũng thiệt thòi cho cháu. Phần đất này, cháu đã canh tác hơn 17 năm, cũng bỏ ra nhiều công cải tạo mới có được như ngày hôm nay…”

Theo tính toán thì phần đất tranh chấp có diện tích 3.700m2, là loại đất nông nghiệp, nếu chia cho 4 anh em (ông Hon, bà Ba, bà Tư và bà Năm) mỗi người chỉ khoảng 940m2 đất, giá trị không đáng giá là bao. Tuy nhiên, họ quên đi tình thâm ruột thịt, “gà cùng một mẹ” tranh giành đất của cha mẹ để lại khiến nhiều người cảm thấy xót lòng. Vụ việc ngày càng căng thẳng khi mỗi bên nhất quyết đòi chia tài sản, chính quyền địa phương nhiều lần hòa giải nhưng cũng bất thành. Cuối cùng, anh chị em dắt nhau ratòa đòi giải quyết theo pháp luật. Tòa cũng nhiều lần mời đến hòa giải, hàn gắn tình cảm anh em ruột thịt, nhưng “tình anh em máu mủ ruột rà vẫn thua tấc đất tấc vàng”.

Hôm xét xử, 4 anh em dùng đủ lời biện minh để đòi quyền lợi riêng tư cho mình, quên hẳn phía bên kia là anh em ruột. Để đảm bảo quyền lợi công bằng cho mỗi bên và giải quyết vấn đề đúng pháp luật, tòa án cũng tìm hiểu kỹ nguồn gốc của phần đất tranh chấp. Theo tòa án nhận định: phần đất trên thuộc tài sản chung của cha mẹ để lại chưa chia thừa kế cho các con. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 02/2004/NQ- HĐTP của Hội đồng thẩm phán tối cao và theo quy định của pháp luật thì “tất cả các đương sự (ông Hon, bà Ba, bà Tư và bà Năm) không đưa ra được những văn bản xác nhận đồng thừa kế hoặc sau kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản của người chết để lại chưa chia thì tài sản đó chuyển thành tài sản chung chưa chia…”.

Từ quy định của pháp luật và những chứng cứ có được, tòa án bác đơn yêu cầu chia tài sản của nguyên đơn là bà Phạm Thị Năm, đồng thời tòa cũng không chấp nhận chia cho các đương sự khác. Để chia tài sản, các đương sự phải kiện trong một mối quan hệ pháp luật khác.

Như vậy vụ việc chia tài sản vẫn chưa xong, mọi người ra về mà tâm trạng không vui.

Đất đai tài sản luôn gắn liền với cuộc sống của mọi người. Thời gian qua, cũng vì đất đai mà nhiều người quên đi tình thâm ruột thịt, tranh giành lợi ích riêng tư của mình rồi dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc. Thiết nghĩ, khi xảy ra tranh chấp tài sản trong nội bộ gia đình, mọi người cần bình tĩnh giải quyết vấn đề trên tinh thần bao dung, chia sẻ, yêu thương nhau thì sẽ có kết quả tốt hơn.

 

HOÀI NAM- TRUNG HƯNG