Nhập nhằng ranh đất mất tình nghĩa xóm làng

Cập nhật, 07:47, Thứ Sáu, 03/12/2021 (GMT+7)

Nhập nhằng trong việc xác định ranh đất dẫn đến 2 nhà kế cận mích lòng và tranh chấp kéo dài phải đưa nhau ra tòa nhờ pháp luật phân xử.

Năm 2008, ông L.N.T. (ở Phường 4- TP Vĩnh Long) được mẹ ruột tặng 34,1m2 đất. Đến năm 2014, ông T. xin cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) và được UBND TP Vĩnh Long cấp giấy chứng nhận với diện tích tăng thành 44,9m2. Nguyên nhân tăng được cơ quan chức năng lý giải là do đo đạc cấp đổi lại giấy chứng nhận QSDĐ theo dự án VLAP.

Vợ chồng bà L.N.L. (hàng xóm ông T.) cho rằng diện tích đất cấp cho ông T. gia tăng là do ông T. lấn qua đất của bà. Thời điểm này, giữa bà L. và ông T. đang tranh chấp ranh đất, bà cũng không ký tứ cận nhưng cơ quan chức năng vẫn cấp QSDĐ cho ông T.. Do đó, bà L. khởi kiện ra tòa yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho ông T. và yêu cầu ông T. đập bỏ máng xối, mái tôn lấn qua phần đất của bà.

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của bà L. là buộc ông T. dỡ bỏ phần máng xối, đòn tay lợp tôn lấn qua không gian đất bà L.; không chấp nhận yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ và đòi ông T. trả lại đất lấn chiếm của bà L. Sau đó, cả ông T. và bà L. đều kháng cáo.

Tại phiên xử phúc thẩm, HĐXX cho rằng: Theo trích đo bản đồ địa chính khu đất ngày 17/6/2021 của Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Vĩnh Long và thừa nhận của 2 bên thì qua các lần khảo sát, đo đạc diện tích đất tranh chấp đều khác nhau là do sự chỉ ranh của các đương sự không thống nhất. Do đó, HĐXX sẽ căn cứ diện tích đất tranh chấp đo đạc thực tế và trích đo bản đồ địa chính khu đất ngày 17/6/2021 của Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Vĩnh Long làm cơ sở giải quyết.

Cụ thể, khi ông T. đề nghị cấp đổi thửa đất diện tích 34,1m2 và được UBND Phường 4 xác nhận đồng ý đất sử dụng ổn định, không tranh chấp. Sau đó, Văn phòng Đăng ký QSDĐ xác nhận diện tích tăng thành 44,9m2 là do sai số đo đạc. Thực tế, khi đo đạc thì diện tích đất của ông T. giảm 1,7m2 so giấy chứng nhận QSDĐ và thửa đất của bà L. cũng giảm 21,6m2. Do diện tích đo đạc hiện trạng không đúng diện tích đã ghi trên giấy chứng nhận QSDĐ và khi đo đạc, 2 bên cũng không xác định hết diện tích đang sử dụng nên các bên phải có nghĩa vụ sử dụng đất đúng ranh giới theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Tại phiên tòa, các đương sự thừa nhận phần căn nhà của ông T. tồn tại từ năm 1995, nếu buộc tháo dỡ di dời các vật kiến trúc sẽ ảnh hưởng kết cấu chung của toàn bộ phần tường nhà. Do đó, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà L. và công nhận cho ông T. được quyền sử dụng phần đất tranh chấp. Trên phần đất đó có gắn liền các công trình nhà gồm cột bê tông cốt thép, mái tôn, máng xối, cục nóng máy lạnh lấn sang phần đất bà L. đang quản lý, sử dụng nên buộc ông T. trả giá trị phần đất lấn chiếm 3,7m2 cho bà L. tương đương số tiền hơn 58,6 triệu đồng. HĐXX không chấp nhận yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ và đòi ông T. trả lại đất lấn chiếm của bà L.

Chỉ vì vài mét đất mà đôi bên phải dẫn nhau ra tòa. Nếu nhẹ nhàng giải quyết bằng tình làng nghĩa xóm và thỏa thuận như trên thì đôi bên đã không mất lòng và mất nhiều thời gian tới lui kiện tụng.

DIỄM PHƯỢNG