Hai nhà chung vách trở mặt vì vài mét đất

Cập nhật, 05:13, Thứ Sáu, 07/05/2021 (GMT+7)

(VLO) Họ từng là hàng xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau, đến khi một bên cất lại nhà và xây vách riêng thì phát sinh tranh chấp đến nỗi kiện nhau ra tòa.

Gia đình bà N.T.N. và anh N.V.L. (cùng ở xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) có chung vách nhà và nhiều năm sống thuận thảo bên nhau. Đến năm 2016, khi anh L. cất lại nhà và xây vách mới thì bị bà N. ngăn cản với lý do anh L. đã lấn sang đất của bà.

Sự việc được hòa giải tại ấp, có lập biên bản nhưng sau đó anh L. vẫn tiếp tục xây nhà và đã hoàn thành căn nhà kiên cố trên đất tranh chấp nên bà N. bức xúc khởi kiện ra tòa.

Bà N. trình bày: Thửa đất số 52, diện tích 200m2 có nguồn gốc của mẹ ruột bà N. cho, đến ngày 14/7/2003, bà N. đã được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Khi có chương trình đo VLAP, bà N. không chứng kiến ký tứ cận ranh đất và vì không biết chữ nên không biết diện tích đất ghi trên giấy chứng nhận QSDĐ mới bị mất 28,3m2. Đến năm 2016, khi anh L. cất lại nhà và xây vách lấn sát tường nhà bà thì bà mới phát hiện.

Bà N. cho rằng nguyên nhân bị mất 28,3m2 là do anh L. đứng tên trên giấy chứng nhận QSDĐ chỉ 40m2 nhưng thực tế sử dụng gần 70m2.

Hiện trên diện tích đất lấn chiếm đó, anh L. đã cất căn nhà cấp 4 nên bà N. yêu cầu tòa buộc anh L. tháo dỡ di dời nhà trả lại 28,3m2. Bà cũng không đồng ý hỗ trợ chi phí di dời hay bồi thường vì anh L. tự ý xây nhà và lúc xây bà cũng có ngăn cản.

Anh L. không đồng ý với yêu cầu trên, cho biết: Anh L. được mẹ ruột cho 40m2 đất, sau đó anh mua của chủ đất kế cận và được cậu vợ cho thêm 26m2 nữa nên diện tích đất sử dụng tăng gần 70m2. Năm 2016, vợ chồng anh L. kê khai đăng ký lại và được đứng tên giấy chứng nhận QSDĐ diện tích 66m2.

Trước đây, anh L. sử dụng chung vách nhà của bà N. Khi cất lại nhà, anh L. được chính quyền địa phương giải quyết cho xây vách riêng. Do đã được cấp QSDĐ 66m2 nên anh L. không đồng ý tháo dỡ di dời nhà trả lại 28,3m2 theo yêu cầu của bà N.

Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, HĐXX đều nhận định: Phần đất anh L. sử dụng có nguồn gốc của mẹ ruột cho là 40m2, còn lại anh L. mua của ông N.T.T. và cậu vợ là ông L.V.C. cho nên tăng lên 66m2 là phù hợp với tư liệu địa chính năm 1991 cùng lời khai của những người làm chứng.

Tại Công văn số 381/UBND-NC ngày 11/4/2019 của UBND TX Bình Minh cũng xác định việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ anh L. tại thửa 63 là phù hợp với quy định của Luật Đất đai.

Bà N. được cấp giấy chứng nhận QSDĐ vào năm 2003 tại thửa 52, diện tích 200m2. Công văn số 371/PTNMT ngày 3/12/2019 của Phòng Tài nguyên- Môi trường TX Bình Minh xác định theo đo đạc VLAP thì thửa 52 được tách thành 2 thửa là thửa 48 diện tích 171,7m2 và thửa 31 diện tích 15,4m2.

Trong đó, thửa 48 giảm diện tích 28,3m2 là do ảnh hưởng làm đường đan và tách thửa nên việc bà N. cho rằng hộ anh L. được cấp giấy chứng nhận QSDĐ tăng lên 26m2 do lấn chiếm đất của bà là không có căn cứ.

Tuy nhiên, theo trích đo bản đồ địa chính khu đất ngày 26/9/2018 của Phòng Tài nguyên- Môi trường TX Bình Minh thì anh L. xây dựng nhà có lấn chiếm của bà N. 6m2.

Xét trên phần đất 6m2 đó hiện có một phần căn nhà kiên cố của anh L., nếu tháo dỡ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kết cấu căn nhà. Tại tòa, phía anh L. đồng ý trả giá trị đất theo giá thị trường do hội đồng định giá ngày 4/1/2021 là 1 triệu đồng/m2 là phù hợp.

Nếu anh L. được quyền sử dụng 6m2 thì diện tích còn lại 0,9m2 nằm liền kề phía trong bà N. không sử dụng được nên việc anh L. nhận luôn 0,9m2 đất này và đồng ý trả giá trị 6,9m2 đất cho bà N. bằng 6,9 triệu đồng là phù hợp pháp luật.

Do đó, HĐXX đã tuyên anh L. được quyền sử dụng hợp pháp 6,9m2 đất thuộc chiết thửa 48 nhưng phải trả cho bà N. giá trị phần đất tương đương 6,9 triệu đồng.

Kết quả giải quyết rất đơn giản, bên được nhận tiền và bên còn lại được đứng tên QSDĐ nhưng anh L. và bà N. đã không tìm được tiếng nói chung chỉ vì không ai chịu nhường một bước dẫn đến tranh chấp kéo dài phải nhờ luật pháp phân xử nên mối thâm tình bị tan vỡ một cách đáng tiếc.

DIỄM PHƯỢNG