Chòm xóm bất hòa vì ranh đất

Cập nhật, 09:38, Thứ Tư, 14/04/2021 (GMT+7)

Xóm giềng “tối lửa tắt đèn” chỉ vì ranh đất mà đôi bên trở mặt không nhìn và còn kiện nhau ra tòa để phân định thắng thua.

Ông P.T.N. và bà T.T.P.L. có đất ở cận kề nhau và mương nước được xem như ranh giới xác định vị trí đất của 2 nhà. Mâu thuẫn phát sinh từ khi ông N. bơm cát lấp mương. Sau đó, bà L. trồng cây trên nửa phần mương được lấp dẫn đến tranh chấp kéo dài và ông N. đã gửi đơn khởi kiện ra tòa.

Ông N. cho rằng được UBND TP Vĩnh Long cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) và nhà ở thuộc thửa 72-2 ngày 5/8/2015, giáp ranh với thửa 226 do bà L. đứng tên. Quá trình sử dụng đất, bà L. tự ý dời trụ ranh lấn sang đất của ông và trồng cây trên đó nên ông yêu cầu chặt đốn cây trồng trả lại phần đất lấn chiếm 39m2.

Bà L. không đồng ý với lý do bà sử dụng đúng ranh đất đã có cọc mốc cắm giữa con mương. Khi ông N. bơm cát đã lấn mương qua phần đất của bà chứ bà không lấn ranh sang đất ông N.

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N., buộc bà L. di dời cây trồng trả lại 32,9m2 đất thuộc chiết thửa 72-2 cho ông N. Do không đồng ý với cách giải quyết trên nên ngày 30/9/2020, bà L. gửi đơn kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm và bác đơn khởi kiện của ông N.

Quá trình giải quyết vụ án, HĐXX cấp phúc thẩm căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã nhận định: Nguồn gốc đất tranh chấp do cha mẹ ông N. cho vào năm 2009 và ông N. đã xin đổi cấp giấy chứng nhận QSDĐ vào ngày 5/8/2015. Khi đo đạc theo chương trình VLAP, cha bà L. và ông N. đã xác định ranh đất. Từ đó, các bên đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ đúng quy định pháp luật. Sau đó, bà L. được cha tách cho một phần đất từ thửa 226. Khi khảo sát đo đạc để giải quyết tranh chấp, phía bà L. cũng xác định ranh giáp với đất của ông N. chưa hết thửa 226.

Theo kết quả đo đạc, khảo sát thì phần đất tranh chấp diện tích 32,9m2 được cơ quan quản lý về đất đai xác định thuộc thửa 72-2 do ông N. đứng tên. Trong khi bà L. cho rằng không lấn sang ranh đất của ông N., cọc mốc ranh nằm giữa con mương có từ trước, khi ông N. bơm cát đã lấn mương qua phần đất của bà nhưng bà không có chứng cứ chứng minh. Do đó, án sơ thẩm buộc bà L. di dời cây trồng, trả lại 32,9m2 đất tranh chấp cho ông N. là có cơ sở. TAND TP Vĩnh Long không vi phạm thủ tục tố tụng cũng như nội dung giải quyết vụ án nên không có căn cứ hủy bản án sơ thẩm theo yêu cầu kháng cáo của bà L.

Từ những nhận định trên, tòa cấp phúc thẩm đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N., buộc bà L. di dời cây trồng để giao trả 32,9m2 đất cho ông N.

Vậy là qua 2 cấp xét xử, bà L. không có đủ chứng cứ chứng minh phần ranh đất đang sử dụng là tài sản của mình nên thua kiện. Dù thắng hay thua thì những người trong cuộc cũng không có được sự vui vẻ trọn vẹn khi nghĩa xóm tình làng đã bị phá vỡ chỉ vì vài mét đất vô tri.

DIỄM PHƯỢNG