Giúp người bán dâm hòa nhập cộng đồng

Cập nhật, 06:25, Thứ Ba, 10/11/2020 (GMT+7)

 

Một trường hợp mua bán dâm bị cơ quan chức năng bắt quả tang và lấy lời khai. Ảnh tư liệu
Một trường hợp mua bán dâm bị cơ quan chức năng bắt quả tang và lấy lời khai. Ảnh tư liệu

Thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016- 2020, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, địa phương triển khai công tác phòng chống mại dâm, hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm sự kỳ thị và phân biệt với những người từng sa chân vào con đường lầm lỗi.

Tính từ năm 2016 đến nay, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị có liên quan phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động mại dâm trên các phương tiện truyền thông đại chúng và tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm được hơn 12.000 cuộc, có hơn 673.000 lượt người dự.

Ngoài ra, tuyên truyền qua tờ rơi, áp phích, băng rôn, loa truyền thanh vận động nhân dân tham gia cùng cơ quan chức năng đấu tranh, phòng ngừa, cung cấp nhiều nguồn tin giá trị giúp ngăn chặn, triệt xóa các tụ điểm mại dâm.

Vừa qua, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm Công ty TNHH Tỷ Xuân (KCN Hòa Phú- Long Hồ) và Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long. Qua đó, đã cung cấp cho các công nhân, sinh viên những kiến thức cơ bản về tác hại của ma túy, mại dâm và những thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ của bọn tội phạm.

Thời gian qua, ngành chức năng đã tăng cường công tác đấu tranh triệt phá các đường dây, tụ điểm mại dâm, giảm tái phát sinh tụ điểm mới. Song song, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội cấp huyện và cấp xã được tập huấn, nâng cao năng lực về công tác phòng, chống mại dâm.

Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện mô hình thí điểm về công tác hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện cho người bán dâm được tiếp cận dịch vụ tư vấn tâm lý, pháp lý, chăm sóc sức khỏe, học văn hóa, học nghề, hỗ trợ vay vốn gắn với các chương trình an sinh xã hội, giúp họ ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Trong đó, Đội Xã hội tình nguyện huyện Bình Tân kết hợp với đoàn thanh niên các xã tư vấn giới thiệu việc làm cho 55 người tham gia lao động mùa vụ tại địa phương như: cuốc khoai mướn, bốc vác, trồng rau,…. với mức thu nhập trung bình khoảng 250.000 đ/người/ngày. Ngoài ra, kết hợp hội phụ nữ các xã tổ chức dạy nghề gia công các mặt hàng thủ công, giúp 35 chị em có việc làm ổn định.

Đội Xã hội tình nguyện xã Hòa Thạnh (Tam Bình) vận động nhà hảo tâm 200 triệu đồng cất 5 căn nhà cho hộ nghèo.

Đội Xã hội tình nguyện xã Song Phú (Tam Bình) giới thiệu việc làm cho 16 trường hợp hộ nghèo, giới thiệu 2 trường hợp sau cai vay vốn mua máy hàn tiện, hỗ trợ 3 đoàn thanh viên nghèo được tham gia dự án chăn nuôi bò. Đội Xã hội tình nguyện huyện Trà Ôn tư vấn nghề nông thôn với các nghề đan ghế nhựa, dây nhựa,…

Tháng 8/2019, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2047 quy định nội dung và mức hỗ trợ đối với các mô hình phòng chống mại dâm trên địa bàn tỉnh theo khung định mức kinh tế- kỹ thuật hỗ trợ xây dựng thí điểm các mô hình hỗ trợ người bán dâm.

Đồng thời, sở xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, CLB người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và giảm hại, phòng chống bạo lực giới.

Đến nay, tỉnh có 1 mô hình hỗ trợ giảm hại cho người bán dâm đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm trên địa bàn TP Vĩnh Long.

Mô hình hoạt động với ban chủ nhiệm gồm 3 người và 7 đồng đẳng viên, bước đầu mang lại kết quả nhất định. 5 năm qua, ban chủ nhiệm và nhóm đồng đẳng đã tiếp cận và truyền thông tư vấn pháp luật cho 100 lượt người bán dâm và người có nguy cơ cao đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

Bên cạnh đó, thực hiện chuyển gửi dịch vụ y tế khám sức khỏe cho 35 trường hợp là người bán dâm và có nguy cơ cao đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn mại dâm để phát hiện, điều trị kịp thời và có biện pháp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục, ngăn ngừa HIV/AIDS lây lan trong cộng đồng.

Tuy nhiên, ngành chuyên môn dự báo tình hình hoạt động tệ nạn mại dâm sắp tới sẽ gia tăng, thủ đoạn tinh vi, trong đó có việc lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo, môi giới mua bán dâm.

Trung tá Đặng Văn Hùng- Đội trưởng Đội Chống tệ nạn xã hội và mua bán người thuộc Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh)- đề xuất, cần có sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, giáo dục phòng chống mại dâm phù hợp địa bàn và quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có điều kiện.

Bên cạnh đó, các văn bản, quy định của pháp luật về phòng chống mại dâm nên sửa đổi phù hợp thực tế, nâng mức xử lý hành vi mua bán dâm để phòng ngừa chung cho toàn xã hội.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH