Nên gắn kiếng chiếu hậu tiêu chuẩn

Cập nhật, 05:40, Thứ Tư, 04/11/2015 (GMT+7)

Kiếng chiếu hậu là một thiết bị bắt buộc phải có trên cả xe hơi và xe gắn máy. Chức năng của kiếng chiếu hậu là giúp người lái xe có thể quan sát phía sau lưng mà không phải quay đầu lại, đảm bảo an toàn khi điều khiển.

Tuy nhiên, có nhiều người lại không gắn gương chiếu hậu tiêu chuẩn, mà thay bằng những loại thời trang, không có tác dụng quan sát.

Không lắp kiếng chiếu hậu là một trong những vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.Ảnh: Internet
Không lắp kiếng chiếu hậu là một trong những vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.Ảnh: Internet

Luật Giao thông đường bộ quy định đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường phải đi về phía bên phải theo chiều đường của mình. Khi chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải quan sát bên phải, bên trái khi thấy thực sự an toàn mới được phép chuyển hướng để đảm bảo ATGT cho mình và các phương tiện khác.

Đồng thời, nhà sản xuất chế tạo xe máy đều phải có 2 kiếng nhằm tạo điều kiện cho người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường dễ dàng quan sát không phải ngoái đầu lại phía sau. Theo đó, đúng quy định, xe máy phải lắp đầy đủ 2 kiếng mới đảm bảo ATGT. Về mặt kết cấu cũng được quy định rõ: “Không được tự ý thay đổi kết cấu của xe do nhà chế tạo sản xuất ra”.

Kiếng chiếu hậu đạt tiêu chuẩn (theo nhà chuyên môn): Tất cả các kiếng chiếu hậu đều phải điều chỉnh được một cách dễ dàng quanh cán kiếng nhưng cũng không quá rung lắc, lỏng lẻo khi xe chuyển động. Phải đảm bảo bền khi bị chèn ép hoặc va chạm. Khi bị bể thì các mảnh kính văng ra phải hạn chế tối đa việc gây sát thương cho người điều khiển phương tiện cũng như những người khác. Bề mặt phản xạ của kiếng phải có hình dạng phẳng hoặc cầu lồi tùy theo các loại kiếng. Diện tích cũng như dạng bề mặt của kiếng phải giúp cho người lái xe dễ dàng quan sát qua gương, phía trước bánh xe, xung quanh xe, phía sau xe cũng như phía sau ở trong xe.

Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện môtô, xe gắn máy thường chỉ lắp 1 kiếng bên trái (quan sát được phía sau) vì không xử phạt vi phạm hành chính. Nhiều người gắn kiếng chiếu hậu bên trái, nhưng không phải là kiếng của nhà sản xuất đi cùng xe, mà thay vào đó bằng các loại kiếng thời trang không có góc quan sát chuẩn, nhằm để đối phó không bị xử phạt vi phạm hành chính.

Nhiều người sử dụng xe chỉ gắn một kiếng bên trái, nhưng là kiếng “dỏm”, mặc dù xe của họ là xe đắt tiền. Khi được hỏi vì sao lại bỏ kiếng xịn ra, hầu hết đều trả lời: “Gắn kiếng vướng víu, mất thẩm mỹ”. Còn các bạn trẻ thì “Con không quen nhìn qua kiếng chiếu hậu. Nếu có sang đường, thì con quay lại nhìn thôi, như thế tiện mà”, “Lắp kiếng chiếu hậu chỉ làm vướng xe, mà trông cứ quê quê, mất dáng của xe”...

Với nhiều người điều khiển xe gắn máy, gương chiếu hậu không thực sự cần thiết trong việc giúp họ quan sát. Chưa kể, nếu có gương chiếu hậu thì sẽ khiến xe của họ trông cồng kềnh, và nhất là… không hợp thời trang! Chính vì vậy, gương chiếu hậu được “xếp xó” ở đâu đó và nếu có, cũng chỉ dùng để đối phó với cảnh sát giao thông.

Đây là một cách hiểu sai của rất nhiều người điều khiển xe máy. Khi không có kiếng chiếu hậu, người lái thường có xu hướng nhoài người ra sau để quan sát. Điều này khá nguy hiểm vì nó có thể khiến người điều khiển phương tiện va chạm xe phía trước hoặc gặp tình huống bất ngờ khó xử lý. Vì vậy, kiếng chiếu hậu được khuyến cáo phải luôn luôn gắn trên xe.

Không lắp kiếng chiếu hậu hay không quan sát qua kiếng chiếu hậu đều là thói quen xấu của nhiều người điều khiển xe gắn máy. Các chủ phương tiện tự tin có thể quan sát đường khi chuyển hướng bằng cách ngoái đầu nhìn phía sau.

Nhưng khi lưu thông bình thường, nếu không có kiếng, người điều khiển xe sẽ không thể quan sát tín hiệu rẽ sang đường hoặc xin vượt xe của xe phía sau. Chưa kể cách quay đầu để nhìn đường khi chuyển hướng rất dễ làm người cầm lái bị hạn chế tầm nhìn, không thể ứng phó kịp với các sự cố bất ngờ xảy ra.

Khi đó, chủ phương tiện có thể gây ra va chạm với các đối tượng tham gia giao thông khác. Trong thực tế, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra do người điều khiển xe thiếu quan sát và có nguyên nhân gián tiếp từ việc người điều khiển môtô, xe gắn máy không có kiếng chiếu hậu.

Các lợi ích khi gắn kiếng chiếu hậu đúng tiêu chuẩn, giúp ta quan sát tình hình giao thông ở phía sau lưng mà không cần quay đầu lại. Việc quay đầu lại có thể khiến người lái hạn chế tầm nhìn, không phản xạ kịp trước các tình huống bất ngờ. Có thể quan sát được tín hiệu xin vượt của xe phía sau và đưa ra xử lý phù hợp. Có thể theo dõi tình hình phía sau xem có ai đi theo mình không, đặc biệt là trong lúc tình trạng cướp giật đang khá phổ biến.

Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 80.000- 100.000đ đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; kiếng chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng.

 

ĐÔNG BÌNH