Đi tìm hột gạo ngày xưa

Kỳ cuối: "Trả lại tên" cho lúa mùa

Cập nhật, 13:44, Chủ Nhật, 06/09/2020 (GMT+7)

 b

Gạo lúa mùa của ông Lê Quốc Việt (Kiên Giang) đã được đưa vào tiêu thụ trong hệ thống của CLB Bếp Ngon Phương Nam (TP Cần Thơ).

Gạo lúa mùa của ông Lê Quốc Việt (Kiên Giang) đã được đưa vào tiêu thụ trong hệ thống của CLB Bếp Ngon Phương Nam (TP Cần Thơ).

 

Cuộc đời thật may mắn, tháng 6/2020, tôi được anh Đoàn Hữu Đức (chủ biên) cho đọc qua tập bản thảo cuốn sách “Cơm miền Tây” trong loạt sách chủ đề Hương vị miền Tây. Cả một miền quê miên man, nồng nàn hương lúa mùa lại chảy tràn trong tôi với niềm cảm xúc thân thương, da diết lắm.

Khi đọc bài tản văn “Dông dài cơm chay” của nhà thơ Phù Sa Lộc (ông tên thật là Diệp Ngọc Sơn, sinh năm 1946, tại Cầu Kè- Trà Vinh, một người nặng lòng với văn hóa Nam Bộ), có đoạn như sau: “…

Ăn đơn giản và khổ hạnh như vậy nhưng má vẫn mạnh giỏi như người thường. Có lẽ nhờ má ăn mạnh miệng với gạo Nàng hương, Trắng tép, Trắng lùn, Nanh chồn, Châu hồng võ… Hồi đó gạo nấu chắt nước. Nước cơm chắt là phần của má và tôi. Khuấy tan đường, má và tôi có “sữa thực vật” béo ngọt, bổ dưỡng. Không bổ dưỡng sao được khi đó là những loại gạo lúa mùa tinh sạch…” Đọc được đoạn này, tôi mừng hơn “lụm” được vàng: đây là cái giải đáp thắc mắc trong tôi!

Trong suốt quá trình chăm sóc, nâng niu 2 giống mới đem về, tôi thấy giống Châu hạng võ có dạng thon, dài, vỏ trấu màu vàng sáng nhưng khi thấm nước thì có màu hồng sậm do lớp cám (vỏ lụa) có màu tím đỏ, nếu cạo hết lớp cám thì hột gạo vẫn còn hồng nhạt chớ hổng trắng như mấy giống khác. Từ xa xưa, tổ tiên mình đã quý trọng lúa gạo nên sánh nó như châu báu và cái giống lúa này lại có đặc điểm hột gạo như vậy nên ông bà mình gọi là Châu hồng võ!

Vậy thì cái tên “Châu hạng võ” từ đâu mà ra?

Như chúng ta biết, chữ quốc ngữ bắt đầu được nghiên cứu từ nửa đầu thế kỷ XVII, đến giữa thế kỷ XIX thì cơ bản hoàn thành, đánh dấu bằng sự ra đời của tờ báo đầu tiên ở Việt Nam, tờ Gia Định báo do ông Trương Vĩnh Ký sáng lập, ông Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút với phương châm hoạt động chủ yếu là: truyền bá chữ quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân, sau đó những tờ báo tư nhân khác lần lượt ra đời; song song đó, chính quyền thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ quyết định: bắt buộc dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ nho trong các công văn ở Nam Kỳ từ tháng 2/1869, tiếp đến từ 1/1/1882 có quy định, tất cả văn kiện chánh thức, nghị định, quyết định, lịnh, án tòa, chỉ thị... được viết, ký tên và công bố bằng chữ quốc ngữ.

Năm1879, chính quyền Pháp đưa chữ quốc ngữ vào ngành giáo dục, bắt đầu ở các thôn xã Nam Kỳ phải dạy lối chữ này.

So với chữ nho, chữ quốc ngữ có lợi thế hơn hẳn là dễ đọc, dễ viết, dễ nhớ. Chính lẽ đó, trong giai đoạn này những nhà nho yêu nước cũng tích cực hưởng ứng truyền bá chữ quốc ngữ, đồng thời để lồng vào đó những tư tưởng nho giáo như trung quân ái quốc, tề gia trị quốc bình thiên hạ… không gì hay hơn dịch sách chữ Hán, đặc biệt là các tác phẩm văn học của Trung Quốc.

Năm 1929, ông Tân Dân Tử (Nguyễn Hữu Ngỡi, quê Long An) cho ra đời tác phẩm “Gia Long tẩu quốc”. Đây được xem như cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Sau năm 1930, với sự ra đời và phát triển của nhóm Tự lực Văn đoàn (thể loại văn xuôi), phong trào thơ mới (thể loại văn vần) mới xóa dần ưu thế áp đảo của thể loại sách dịch từ văn học Trung Quốc.

Nói vòng vo hổng qua nói thẳng, nhờ tủ sách của ông ngoại (sinh năm 1907) mà tôi (sinh năm 1964) được đọc từ “Xuân Thu chiến quốc”, “Đông Chu liệt quốc”, “Hán Sở tranh hùng”, “Tây du ký”, “Tam quốc diễn nghĩa”,…

Còn cái ông Hạng Võ (Vũ) kia, được dân mình đánh giá (qua sách dịch) vừa có sức mạnh phi thường, oai phong lẫm liệt vừa có lối sống nghĩa khí tình cảm nên có hẳn một vở tuồng cải lương “Hạng Vũ biệt Ngu Cơ” do nghệ sĩ nổi tiếng là Tấn Tài- Lệ Thủy hay Thanh Sang- Lệ Thủy thể hiện nữa chớ… Chính từ cái lẽ đó mà giống lúa Châu hồng võ được gọi thành Châu hạng võ cho nó nổi bật là hổng có gì khó hiểu!

Từ nay, “Tư lúa mùa” tui chính thức trả lại tên cho em (“Châu Hồng Võ”). Chú bác, cô dì, anh chị em nào thấy có lý thì theo, chưa tin thì cứ gọi tên như cũ nghen!

Tháng 8/2020, gạo lúa mùa của ông Lê Quốc Việt (Kiên Giang) đã được điểm du lịch Út Dzach thuộc CLB Bếp Ngon Phương Nam (TP Cần Thơ) đưa vào chương trình ẩm thực, với việc phục dựng lại trọn vẹn hình ảnh bếp ăn theo kiểu Nam Bộ xưa. Nhìn hột lúa mùa mình làm ra được đưa vào ẩm thực một cách đầy lòng tâm huyết như thế, ông Lê Quốc Việt đã “mừng rơi nước mắt!”

 

Bài, ảnh: LÊ QUỐC VIỆT