"Lũ" về đồng bằng?

Cập nhật, 07:12, Thứ Năm, 27/08/2020 (GMT+7)

Những ngày này, dòng nước sông Tiền, sông Hậu trở màu ngói mới, tăng tốc đổ ra biển kết hợp bởi tác động của những đợt triều cường làm cho mực nước sông, rạch ở ĐBSCL dâng lên. “Lũ” đã về đồng bằng, ngoài gây thiệt hại, “lũ” còn mang đến nhiều nguồn lợi cho con người. Thực tế các năm qua cho thấy, từng giai đoạn, từng nơi mà người dân và chính quyền vùng châu thổ khai thác, ứng xử với “lũ” một cách khác nhau...

“Lũ” ở ĐBSCL tạo ra một “mùa nước nổi” trên diện tích rộng lớn.
“Lũ” ở ĐBSCL tạo ra một “mùa nước nổi” trên diện tích rộng lớn.

Ứng xử với “lũ”

“Lũ” sông Mekong đã tạo ra một “mùa nước nổi” trên diện tích rộng lớn của ĐBSCL. Các hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản cũng “ăn theo” vào các tháng mùa “lũ”. Nguồn phù sa theo “lũ” qua kinh, rạch vào đồng cung cấp lượng “dưỡng chất” đáng kể giúp bồi bổ cho đồng ruộng sau khi “lũ” rút.

Bước theo thời gian, dân đồng bằng nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng có những cách ứng xử khác nhau với “lũ”. Từ “sống chung với “lũ””, “tránh “lũ”” rồi “kiểm soát “lũ” theo khu vực, theo thời đoạn” tiến đến “chống “lũ” triệt để” và...“trữ “lũ””. Từ coi “lũ” là thiên tai, phải ngăn, phải chống “lũ”; đến xem “lũ” là nguồn lợi, là tài nguyên, rồi mong chờ, “ngóng “lũ”” về để khai thác.

Có thể thấy khoảng từ năm 1996 trở về trước, dân đồng bằng phần lớn “sống chung với “lũ”” vì khi đó “lũ” hiền hòa, “lũ” lớn xảy ra có chu kỳ, có nhiều nguồn lợi; nhu cầu tăng vụ, hoạt động sản xuất nông- ngư nghiệp chưa lớn; nguồn lực “trị thủy, trị “lũ”” còn hạn chế.

Năm 1996, từ Quyết định 99/TTg ngày 9/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Về định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm 1996- 2000 đối với việc phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng nông thôn ĐBSCL”.

Trong giai đoạn này, nhờ vốn đầu tư không hạn chế, giải pháp thủy lợi không còn tránh né “lũ” bằng bờ bao, chuyển đổi mùa vụ và bảo vệ lúa Hè Thu như trước đây, mà bằng những giải pháp đắt tiền tấn công trực diện vào “lũ”.

Hàng loạt hệ thống công trình thủy lợi được thực hiện: đào mới, nạo vét mở rộng các kinh trục tăng khả năng thoát “lũ” nhanh về sông Tiền, sông Hậu và ra biển Tây (như kênh Tuần Thống, Lung Lớn, Luỳnh Huỳnh, Thần Nông, Tà Hem,...); kiểm soát “lũ” tràn biên giới đã xây dựng tuyến ngăn “lũ” Châu Đốc- Tịnh Biên, xây đập tràn “lũ” cao su Trà Sư, Tha La,... đắp bờ đê, xây cống chống “lũ” kết hợp giao thông,...

Một số dự án thủy lợi lớn đã được thực hiện hoàn thành như đắp đê bao ngăn “lũ” vùng Chợ Mới, khu vực Bắc Vàm Nao (An Giang), dự án ngọt hóa Quảng Lộ- Phụng Hiệp (Bạc Liêu- Sóc Trăng), Ô Môn- Xà No (Kiên Giang- Hậu Giang-Cần Thơ) và Nam Măng Thít (Vĩnh Long-Trà Vinh), xây dựng cống ngăn mặn Ba Lai (Bến Tre)...

Giai đoạn năm 2006- 2010, Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi ĐBSCL dành khoảng 14.000 tỷ đồng đầu tư thực hiện 79 dự án, công trình thủy lợi có quy mô lớn như nạo vét kinh trục, đắp đê bao ngăn “lũ” cho vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau và vùng giữa sông Tiền- sông Hậu. Đến cuối năm 2018, toàn vùng có gần 25.000km đê bao ven các tiểu vùng ô bao.

Ở Vĩnh Long, quá trình kiểm soát “lũ” khởi động chậm hơn so với các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long. Sau năm 1999, vấn đề trị “lũ” bằng đê bao bảo vệ cho cây lúa, rau màu và dân cư đã bắt đầu thực hiện mạnh mẽ, nhất là sau cơn bão số 7 (năm 1999). Quá trình “sống chung với “lũ”” đã được chuyển sang “kiểm soát “lũ” theo khu vực theo thời đoạn” và “chống “lũ” triệt để”.

Nhân dân, chính quyền đã nhanh chóng xây dựng đê bao ngăn “lũ” chắc chắn cho vùng cây ăn trái tập trung ở các cù lao trên sông Tiền, sông Hậu và cho cả vùng sản xuất 3 vụ lúa ăn chắc.

Sau 3 năm “lũ” lớn (2000- 2002), đê bao càng phát triển nhanh hơn. Số lượng đê bao gia tăng từ 2.700km (năm 2002) và 3.540km (năm 2010), 3.600km (năm 2015) và 3.642km (năm 2019), tốc độ tăng bình quân 100 km đê/năm. Đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 112.855ha đất sản xuất nông nghiệp được khép kín thủy lợi, nằm trong vùng đê bao, đảm bảo sản xuất (chiếm 94,24% đất sản xuất nông nghiệp).

Mặc dù quá trình lên đê trong thời gian đầu có nhiều ý kiến trái ngược như: gây mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến môi trường, ngăn cản nguồn tôm, cá và phù sa tràn vào đồng... nhưng về sau thực tế cho thấy: sản xuất phát triển nhảy vọt, làm được 3 vụ lúa với năng suất ổn định, sản lượng lương thực ngày càng tăng, nhiều mô hình sản xuất nông- ngư nghiệp có hiệu quả kinh tế hình thành, giá trị thu nhập từ các loài cá tạp tràn vào đồng khi “lũ” về không đáng kể so với nguồn lợi thu được từ các mô hình nuôi trồng thủy sản (như nuôi cá trong vèo, trong lưới, trên ruộng lúa...), trẻ em đến trường không nghỉ học gián đoạn trong mùa “lũ”, các hoạt động văn hóa- xã hội được mở mang, giao thông phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao- nhất là vùng nông thôn.

Công tác giúp dân “tránh “lũ”” được thực hiện thông qua Chương trình cụm- tuyến dân cư vùng ngập lụt ĐBSCL. Ở giai đoạn 1 (2001- 2007), toàn vùng xây dựng 1.043 cụm- tuyến bố trí gần 200.000 dân vào ở. Riêng ở tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2002- 2007, đã hoàn thành 42/43 cụm- tuyến dân cư vùng ngập lụt ổn định nơi ở cho 6.000 hộ.

Giai đoạn 2 (năm 2008- 2010), tỉnh Vĩnh Long tiếp tục có 12 cụm- tuyến và 6 bờ bao, thực hiện 48 dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong các cụm- tuyến để bố trí 2.350 hộ dân vào sinh sống. Chương trình còn kéo dài đến năm 2020.

... Xu thế “lũ” ở đồng bằng

Thống kê trong 60 năm trước thời điểm năm 2000, bình quân cứ 2 năm thì có 1 năm “lũ” vượt báo động cấp III (mức nước quy định ở Tân Châu vượt 4,2m). 3 năm liền 2000- 2002, ở ĐBSCL đều bị “lũ” lớn (đỉnh “lũ” năm lớn hơn 4,5m), mực nước đỉnh “lũ” tại Tân Châu vượt qua 4,75m.

Tuy nhiên, quy luật đó dần bị phá vỡ do nhiều nguyên nhân như nạn phá rừng; xây dựng các dự án, công trình thủy nông, thủy điện ở thượng, trung nguồn sông Mekong càng gia tăng; quy hoạch kiểm soát “lũ”, xây dựng các công trình kiểm soát “lũ” mang tính cục bộ ở từng địa phương làm cho dòng chảy “lũ”, phân “lũ” trong vùng thêm phức tạp, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu- nước biển dâng.

“Lũ” sẽ chuyển tải từ vùng có đê bao vững chắc sang vùng không vững chắc (phần lớn là các đô thị và vùng ven sông chưa có đê bao hoặc không thể làm đê bao).

Vùng đầu nguồn ĐBSCL càng có khuynh hướng mất “lũ” sớm (vào tháng 8, tháng 9), cường suất “lũ” giảm và thời gian duy trì “lũ” ngắn; vùng hạ nguồn ĐBSCL bị ngập nặng hơn vào cuối mùa “lũ”, do kết hợp triều cường.

Cụ thể, trong khoảng hơn 10 năm gần đây, phân bố “lũ” ĐBSCL có xu thế tăng dần số năm “lũ” trung bình và nhỏ, nhất là từ sau 3 năm “lũ” lớn 2000- 2002, 13 năm liền (từ 2003- 2015) ĐBSCL chỉ đều là ““lũ” đẹp, “lũ” xinh” (đỉnh “lũ” tại Tân Châu, An Giang từ 4,0- 4,5m), (trừ “lũ” năm 2011), thậm chí cực nhỏ (năm 2015).

Nếu tổng lượng “lũ” vào ĐBSCL từ 380- 420 tỷ mét khối và kéo dài 5- 6 tháng như trước đây thì nay chỉ còn khoảng 330- 350 tỷ mét khối (“lũ” 2015 khoảng 220 tỷ mét khối) và kéo dài trong 3- 4 tháng.

Thêm vào đó, gần 50% vùng ngập trung bình và 30% vùng ngập sâu đã được các tỉnh tiến hành kiểm soát “lũ” để sản xuất vụ Hè Thu và Thu Đông (khoảng 700.000ha), khiến khả năng trữ “lũ” của toàn ĐBSCL giảm chỉ còn hơn một nửa so với trước đây (5- 7 tỷ mét khối xuống 3- 4 tỷ mét khối). Nhiều nơi “khát “lũ””.

“Lũ” nhỏ, thậm chí không “lũ” là nguy cơ tiềm ẩn nhất đối với ĐBSCL trong tương lai. Qua diễn biến hạn- mặn lịch sử năm 2016, 2020 cho thấy, vấn đề “lũ” và trữ “lũ” tại đồng bằng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cấp ngọt đầu mùa khô, từ tháng 12 đến tháng 2.

Giờ đây, nhân dân và chính quyền trong vùng coi “lũ” là tài nguyên, cần có cách để khai thác hiệu quả, nhưng đáng lo là triều cường ở vùng hạ nguồn ngày càng tác động tiêu cực hơn đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Làm đê bao “chống “lũ” triệt để”, chính quyền và người dân đã dần thay đổi cách ứng xử với “lũ”.
Làm đê bao “chống “lũ” triệt để”, chính quyền và người dân đã dần thay đổi cách ứng xử với “lũ”.

Thời gian gần đây tuy “lũ” thượng lưu không lớn nhưng vùng hạ nguồn vẫn bị ngập sâu hơn so với trước. Tại Vĩnh Long, số liệu mực nước cao nhất hàng năm tại các trạm Mỹ Thuận (sông Tiền), Cần Thơ (sông Hậu) cho thấy rõ điều này.

Nếu như trước đây, chỉ khi có “lũ” cực lớn (năm 2000- 2002, 2011) mực nước mới có thể đạt xấp xỉ và vượt 2m, thì nay, hầu như năm nào cũng có thể vượt trên trị số này (cụ thể là vào các năm 2011, 2013, 2017- 2019); đặc biệt liên tiếp 2 năm 2018, 2019 đỉnh triều cường năm sau cao hơn năm trước, đều vượt mốc lịch sử.

Năm 2019, mực nước cao nhất tại Mỹ Thuận đạt 2,12m, tại Cần Thơ đạt 2,25m gây ngập trên diện rộng, đáng kể nhất là tại các vùng trũng, vùng ven các sông lớn, các cù lao trên sông lớn. Các đô thị như TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, thị trấn Cái Nhum bị ngập nặng.

Năm nay, “lũ” đầu nguồn ĐBSCL được dự báo ở mức nhỏ, trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức báo động I- báo động II, thấp hơn đỉnh lũ trung bình

nhiều năm từ 0,2- 0,4m. Tuy nhiên, vùng giữa và vùng ven biển của hạ nguồn cần đề phòng triều cường ở mức cao như năm 2018, 2019, vấn đề tích trữ nước cho mùa khô những năm tới cũng cần xem xét đến để tránh bị ảnh hưởng lớn như mùa khô năm 2019-2020 vừa qua.

Bài, ảnh: HÀ THÀNH THẶNG