Đi tìm hột gạo ngày xưa

Kỳ 1: Sống lại miền ký ức lúa mùa

Cập nhật, 09:12, Thứ Bảy, 29/08/2020 (GMT+7)

Năm 2011, đi coi Festival lúa gạo ở Sóc Trăng, tôi khoái nhứt là cái bảng xếp hạng các giống lúa mùa cho gạo ngon của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (MDI) thuộc Trường ĐH Cần Thơ, bởi vì tôi sinh ra và lớn lên từ văn hóa lúa mùa và đang ước mơ phục hồi lại việc trồng lúa mùa tại quê nhà.

Cấy lúa mùa trên ruộng của Lê Quốc Việt.
Cấy lúa mùa trên ruộng của Lê Quốc Việt.

Trong bảng xếp hạng này, đứng đầu bảng là giống Nàng thơm Chợ Đào, thứ hai là Trắng tép, thứ ba là Châu Hạng võ và một số giống được xếp loại khá tiếp theo như Tàu hương, Mê hương, Thơm nút đít… Hình ảnh đó in sâu vào đầu và luôn thôi thúc tôi làm thế nào để tìm được, trồng và giới thiệu lại cho các thế hệ mai sau.

Nàng thơm Chợ Đào là giống lúa mùa truyền thống đặc hữu, chỉ mang đầy đủ phẩm chất vốn có của nó khi được trồng tại vùng đất thuộc xã Mỹ Lệ (huyện Cần Đước- Long An). Theo khảo sát của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam (2005- 2007) thì vùng lõi trồng giống Nàng thơm Chợ Đào cho chất lượng tốt nhất chỉ hơn 44ha, các vùng phụ cận được gọi vui là “ăn theo”.

Theo Thạc sĩ Lê Thanh Phong (2019), Trung tâm Nghiên cứu- PTNT thuộc Trường ĐH An Giang thì có một số dòng do phân ly tự nhiên từ giống Nàng thơm Chợ Đào khi trồng thử nghiệm tại An Giang vẫn có mùi thơm đặc trưng.

Thông tin này đã động viên tôi cố gắng trồng thử nghiệm giống Nàng thơm Chợ Đào tại vùng đất quê hương với hy vọng, nếu không đạt là Nàng thơm Chợ Đào thì đạt cỡ Nàng thơm Chợ Cù Là cũng chấp nhận được!

Tôi biết đến giống lúa mùa Trắng tép khi về nhận công tác ở cơ sở chớ hồi nhỏ tôi là con nhà nghèo, hổng được ăn cơm gạo giống này. Những lão nông tri điền kể cho tôi nghe câu chuyện về hai thằng bạn chơi thân với nhau, rồi một thằng cưới vợ trước. Một hôm, anh chàng chưa vợ đến thăm thằng bạn có vợ trước, thấy em vợ thằng bạn bén ngót, bèn năn nỉ: “Mầy gả em vợ cho tao nghen”.

Thằng kia trả lời: “Đâu dễ mậy, phải hai chục giạ Trắng tép mới nói vô được!” Giống Trắng tép ám ảnh tôi từ câu chuyện mắc cưới vợ đó, đến khi nhìn thấy bảng xếp hạng của MDI thì sự ham muốn tìm cho được giống này càng thôi thúc dữ hơn nữa. Năm 2017, tôi hành động, chính thức biến đam mê văn hóa lúa mùa từng bước thành hiện thực.

Khi 5 nguồn gien lúa mùa đầu tiên được MDI hỗ trợ có tên giống Trắng tép tôi vui mừng khôn tả, ngày đêm nâng niu, chăm sóc. Qua năm 2018, giống Trắng tép được 10 ký, tôi hổng dám xay ăn thử, đem gieo mạ cấy hết, cuối năm thu hoạch được vài chục giạ, xay ăn thử thì hỡi ơi, nó vừa không thơm vừa cứng cơm!

Do mê muội giống này nên tôi đã bênh vực cho nó: tại giống đã phân ly nhiều nên không đạt chất lượng như xưa và tôi đã tuyển lựa, trồng riêng hai dạng hình cao và thấp. Cuối năm 2019, tôi đã có vài tấn lúa loại này nhưng dù là dạng hình cao hay thấp đều cứng cơm như nhau.

Thất vọng, hỏi kỹ lại các lão nông thì mới biết đây là loại Trắng tép vàng, hổng phải loại Trắng tép trắng, với hai chục giạ có thể cưới được cô vợ bén ngót! Một lần nữa lại nhờ anh em ở MDI ráng lục tìm trong kho coi còn loại Trắng tép nào nữa hông, khi nghe lãnh đạo MDI nói có, tôi mừng quá kiếm mượn xe du lịch lên rước về, mở túi ra coi tại chỗ thì kỳ, về tới nhà mở ra thì ôi thôi, hình dáng, kích cỡ y chang như mấy hột giống xin năm 2017!

Rút kinh nghiệm, nghe nói Trung tâm Nghiên cứu giống lúa Định Thành của Tập đoàn Lộc Trời có giữ nguồn gien Trắng tép, tôi hổng vội kiếm xe du lịch đi rước nữa mà nhờ cô phụ trách chụp hình gửi qua zalo xem trước, khi xem rồi thì mới thấy quyết định của mình là đúng đắn: hình dáng, kích thước của nó giống như là anh em với trắng tép của MDI. Vậy là giống lúa dùng để cưới vợ đẹp tiếp tục đeo đẳng trong giấc mơ của Tư Việt tôi!

Đối với giống thứ ba, mới nhìn thấy mà tôi giựt mình: sao giống lúa của ông bà mình mà lại mang tên một võ tướng người Tàu sống cách đây gần 2.200 năm và hổng có liên quan đến ĐBSCL vậy ta? Thắc mắc của tôi chỉ để bụng, hổng ai giải thích được.

Lê Quốc Việt cấy lúa mùa trên ruộng của mình.
Lê Quốc Việt cấy lúa mùa trên ruộng của mình.

Cuối năm 2018, trong lần nói chuyện với chú Nguyễn Văn Nhựt (80 tuổi, quê ở Cù Là) ở gần nhà tôi, làm nghề hàng xáo (người chuyên mua lúa xay thành gạo mang đi bán lại) khi còn trẻ, chú nói: “Có giống Châu Hạng võ, giống đó có mùi thơm đặc trưng, tui đi xuồng dưới sông, ngang nhà nào đang nấu cơm bằng gạo Châu Hạng võ là tui biết liền!”

Nghe vậy nên tôi trở lại MDI để xin nguồn gien thì được biết viện này đã bàn giao các nguồn gien lúa về cho Khoa Trồng trọt. Hổng bỏ cuộc, tôi tìm cách liên lạc được với lãnh đạo khoa để xin xỏ, cuối cùng cũng được nguồn gien của hai giống Tàu hương và Châu Hạng võ để về nghiên cứu, nhân lên.

Nhưng đời không như là mơ, mấy con chuột mê lúa mùa còn hơn tôi mê nữa. Sau mấy ngày gieo trong chậu kiểng, lúa lên rất tốt nên lòng vui khôn tả. Nào ngờ, mấy con chuột đánh hơi được gạo ngon nên nó nhũi gốc tìm hột ăn làm mấy cây lúa non héo queo, thiệt là tan nát cõi lòng!

Tôi dùng hết cách, kể cả vái trời, cứu được 42 cọng Châu Hạng võ nhưng chỉ còn có 8 cọng Tàu hương. Chắc nhờ lòng thành và sự chăm sóc kỹ lưỡng nên cuối cùng cũng thu được gần 800 gờ gam giống Tàu hương và 2,8 ký giống Châu Hạng võ.

(Mời xem tiếp kỳ cuối trên VLCN kỳ tới)

Bài, ảnh: LÊ QUỐC VIỆT