Khá lên từ mô hình lúa – cá

Cập nhật, 12:53, Thứ Bảy, 22/08/2020 (GMT+7)

Từng là nông dân nghèo với đôi bàn tay trắng, nhưng giờ đây anh Trần Văn Lập ((Tư Lập), ở ấp Bào Môn, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, trở thành người khá giả nhờ biết vận dụng kiến thức, phá thế độc canh cây lúa.

Anh Lập chăm sóc những vèo cá giống thuần dưỡng, chuẩn bị cho lên ruộng thả nuôi.
Anh Lập chăm sóc những vèo cá giống thuần dưỡng, chuẩn bị cho lên ruộng thả nuôi.

Từ Quốc lộ 61 hướng Vị Thanh về Cần Thơ đến chợ Cầu Móng quẹo trái, chạy theo con đường bê tông cặp bờ kênh vào ấp Bào Môn, cảnh vật nơi đây giờ có quá nhiều thay đổi, cảm nhận của những người xa quê như tôi giờ trở lại cũng phải ngỡ ngàng.

Đường thông, cầu rộng điện lưới quốc gia đấu nối xuyên qua những cánh đồng lúa đậm màu xanh biêng biếc, đời sống người dân đã được nâng lên thấy rõ, những căn nhà lá xiêu vẹo ngày nào giờ đã là nhà cột đúc mái tôn.

Nhiều bà con trong ấp gặp nhau thường hay nói vui trong những buổi tiệc tùng: “Dân ấp Bờ Môn mình giờ hết rồi cảnh khổ mỗi khi qua sông đi chợ sợ lụy đò”.

Có được như vậy là nhờ sự tiếp tay, giúp sức của các cấp chính quyền hỗ trợ nhiều mặt và sự tiến bộ của nông dân, biết nhận thức thay đổi tư duy trong sản xuất.

Giá trị kinh tế không chỉ dừng lại ở tốc độ làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, mà còn tăng thêm phần thu nhập làm giàu cho bản thân như anh Tư Lập là một điển hình.

Tiếp tôi trong ngôi nhà mới khá nổi bật hơn so với những ngôi nhà khác xung quanh, bởi sự khang trang và rộng rãi tiện nghi sinh hoạt gia đình với ti vi, tủ lạnh, xe máy đầy đủ…

Trong bộ dạng lấm lem bùn đất, anh Tư Lập nở nụ cười tươi rói chia sẻ: “Nhà nông là vậy đó, chân không được khô, tay không được sạch tối ngày cứ chăm bẵm ngoài đồng trồng cây, nhổ cỏ, nuôi cá, nuôi gà… chỉ có giờ ngủ nghỉ mới được thảnh thơi”.

Uống hết ly trà thấm giọng, anh Tư Lập cho biết, anh không phải là người quê gốc xứ này. Anh sinh ra và lớn lên ở miệt Thới Lai, thành phố Cần Thơ, sau khi cưới vợ ra riêng, vợ chồng anh khổ lắm, cha mẹ nghèo nên con cái phải tự lập.

Nhiều năm vất vả mưu sinh bằng nghề mua gánh bán bưng, làm thuê cấy mướn quần quật quanh năm mà gia đình cũng không thoát khỏi cảnh nghèo. Lo sợ tương lai các con sau này lớn lên rồi sẽ đi vào vết xe đổ của cha mẹ, năm 2009, vợ chồng anh bàn nhau về đây lập nghiệp.

Trước cảnh “tứ cố vô thân”, xung quanh anh không ai là thân bằng quyến thuộc, hàng xóm mới quen thấy vợ chồng anh là người cần mẫn, chân chất thật thà nên thương tình cho anh thuê mướn 40 công đất ruộng (40.000m2) để làm.

Ruộng đã trao tay lòng anh mừng như mở hội, nhưng do đất trũng phèn hoang hóa lâu năm, vợ chồng anh phải hao tốn khá nhiều công sức đào đắp đê bao để tháo chua rửa phèn, vừa chủ động được nguồn nước tưới tiêu và tiện bề chăm sóc lúa.

Do mặt đất ruộng thấp nên hàng năm, mỗi khi con nước lũ về thường hay nhấn chìm hết phần lúa Thu đông (vụ 3) của anh. Thấy một năm chỉ canh tác được 2 vụ lúa Đông xuân và Hè thu, những tháng còn lại bỏ đất trống cũng tiếc.

Anh bàn với vợ mua sen về trồng để bán ngó, bán gương và thả thêm cá chép, mè hoa, mè vinh, sặc rằn… xuống nuôi chung cùng diện tích. Vợ anh, chị Phạm Tuyết Lanh thì nhìn đi ngó lại thấy bà con trong xóm không có hộ nào trồng sen, nuôi cá trên ruộng nên cảm thấy lo.

Nghĩ là vậy, nhưng chị cũng đồng tình với chồng và rồi sau khi kết thúc mùa sen, cá trừ hết các khoản chi phí, anh Lập lời đậm.

Suốt nhiều năm qua, anh duy trì thực hiện mô hình này và đã mang lại cho anh nguồn lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm, từ 3 nguồn thu lúa, sen, cá. Nhờ tính dám nghĩ, dám làm của anh nên giờ đây anh không chỉ hết nghèo mà còn trở thành người có điều kiện kinh tế khá giả như nhiều hộ dân khác trong ấp.

Cùng là hộ khó khăn vươn lên từ nghề nuôi cá ruộng, có điều anh Lê Văn Hợi, ở ấp 8, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy thì có cách làm khác hơn anh Lập ở chỗ ruộng nuôi cá anh không kết hợp trồng sen, mà anh thả vịt đẻ nuôi chung diện tích cá ruộng.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hợi cho biết lợi thế của sự kết hợp này rất có lợi cho người nuôi, bởi vịt không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cá, ngược lại vịt còn cung cấp thêm nguồn thức ăn dồi dào cho cá, từ nguồn phân vịt thải ra. Bên cạnh đó, vịt còn giúp cá làm sạch môi trường đồng ruộng.

Nếu như cá ở dưới nước làm sạch môi trường mặt đất ruộng ăn rong rêu, trùng trĩ thì vịt ăn lúa chét, sâu bọ, ốc, cua…

Cá nuôi mau lớn, vịt đẻ trứng sai người nuôi giảm được phần chi phí mua thức ăn cùng một lúc cho hai loại vật nuôi. Ngoài ra, cá và vịt còn cung cấp thêm cho đồng ruộng lượng phân hữu cơ khá phong phú, người trồng lúa giảm được phân bón hóa học mà lúa vẫn trúng mùa, người nuôi cũng có lời.

Theo QUANG HẢI (Báo Hậu Giang)