Blog thị trường

Dư thừa tiền, lãi suất vẫn tăng?

Cập nhật, 08:35, Thứ Sáu, 23/09/2016 (GMT+7)

Từ đầu tháng 9, một số ngân hàng (NH) tăng lãi suất huy động với mức tăng phổ biến 0,1- 0,3%.

Dù việc tăng nhẹ lãi suất lần này chỉ diễn ra cục bộ chứ không phổ biến trong hệ thống và tập trung ở NH có quy mô nhỏ, nhưng cũng khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay khó có khả năng giảm.

Trong khi lãi suất liên NH vào thời điểm cuối tháng 8 đã xuống đáy thấp nhất trong lịch sử (dưới 0,8%) đối với cả 3 kỳ hạn (kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần).

Với mặt bằng lãi suất liên NH rất thấp trong lịch sử nhiều năm qua (cả 3 loại kỳ hạn theo dõi đều dưới mức 1%/năm), song song với diễn biến lãi suất tín phiếu phát hành bởi NHNN giữ ở mức thấp quanh 0,5%/năm các tuần gần đây cho thấy trạng thái dư thừa thanh khoản trong hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn lớn.

Thanh khoản trong hệ thống dồi dào, vì sao NH vẫn tăng lãi suất huy động? Theo các chuyên gia, một số NH tăng lãi suất nhằm cân đối nguồn vốn ngắn hạn và trung hạn bởi từ năm 2017 tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại NH thương mại sẽ giảm từ 60% như hiện nay xuống 50%.

Ngoài ra, NH tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, đáp ứng nhu cầu cho vay (thường tăng trưởng nhanh vào thời điểm quý IV). Còn theo một số lãnh đạo NH, các NH vẫn đang chịu sức ép tăng lãi suất huy động, đặc biệt là khối NH nhỏ và vừa.

Trước đó, NHNN đã chủ trì một cuộc họp với các tổ chức tín dụng để đánh giá tình hình thị trường tiền tệ 8 tháng đầu năm và phục vụ công tác chỉ đạo điều hành hoạt động NH những tháng cuối năm.

NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đảm bảo thanh khoản ở các kỳ hạn và tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý. Qua đó, giảm bớt áp lực về chênh lệch kỳ hạn, áp lực đối với mặt bằng lãi suất.

Bido2_40.com